Bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ sáu, ngày 07/09/2018

(BDO)  Trước đây, tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trong tỉnh, vấn đề bình đẳng giới (BĐG) còn một số hạn chế. Qua sự vận động, tuyên truyền của các cấp, hội, việc thực hiện BĐG trong ĐBDTTS ngày càng được cải thiện. Đối với bà con DTTS cũng đã hiểu sâu sắc và chung tay vì sự tiến bộ phụ nữ (PN).

Nhận thức sâu sắc về BĐG

Tháng 8 trôi qua, cũng là lúc Phòng Dân tộc, Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Phòng Bảo trợ trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức thành công 5 buổi hội nghị phổ biến, tuyên truyền pháp luật, chính sách về BĐG cho ĐBDTTS tại các xã, phường có đông ĐBDTTS như xã An Bình và Phước Sang (huyện Phú Giáo), xã Minh Hòa và Minh Tân (huyện Dầu Tiếng), phường Lái Thiêu (TX. Thuận An). Tham dự có hơn 400 đại biểu là người DTTS trên địa bàn các xã, phường tổ chức hội nghị và các xã lân cận. Tại hội nghị, ĐBDTTS được tư vấn về BĐG, nói chuyện chuyên đề về BĐG; giới thiệu những câu lạc bộ (CLB) BĐG hoạt động hiệu quả trong tỉnh; BĐG trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự còn được tìm hiểu thông tin những PN thành đạt, gương PN vươn lên làm giàu, từ đó cho thấy vai trò, tầm quan trọng của nữ giới trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội.

PN ĐBDTTS được tổ chức vui chơi để xóa đi suy nghĩ phân biệt nam - nữ

Bên cạnh việc được tập huấn các kiến thức về BĐG, ĐBDTTS còn đặt những câu hỏi về các vấn đề xây dựng gia đình hạnh phúc, công việc, học tập, mối quan hệ xã hội giữa nam - nữ. Qua những thắc mắc của đại biểu tham dự cho thấy, hiện nay, bà con ĐBDTTS đã có những thay đổi trong cách nghĩ, cách làm để đem lại sự bình đẳng cho PN. Ông Kho Sanh, người Chăm ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng cho biết: “Hiện nay, người Chăm chúng tôi không còn phân biệt nam, nữ. Con cháu dù nam, hay nữ muốn đi học đều được cho học hành đàng hoàng. Trong gia đình cũng vậy, mọi việc đều thông qua ý kiến của các thành viên để đồng thuận cùng làm. Có như vậy gia đình mới hạnh phúc, con cháu thảo hiền, đời sống kinh tế khá giả”. Vui nhất tại các buổi tập huấn tuyên truyền có lẽ là chị em PN, bởi tại đây họ thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương về vấn đề BĐG cho PN; biết được những cách làm hay...

Hoạt động BĐG

Việc tổ chức tập huấn đó chỉ là một trong các hoạt động hỗ trợ để ĐBDTTS hiểu hơn về BĐG. Ngoài ra, các sở, ngành cũng đã chung tay vì sự tiến bộ PN trong ĐBDTTS, thu hẹp dần khoảng cách về sự phân biệt. Trong đó, kiến thức về BĐG, phòng, chống bạo lực gia đình được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện. Qua đó, đã thay đổi cách nhìn về PN thiếu đầy đủ, không còn chuyện xem nhẹ vai trò của PN; không còn việc nhiều PN còn phải gánh nặng mưu sinh, cam chịu những tư tưởng lạc hậu, thậm chí còn chịu nhiều thiệt thòi không được học hành, giao lưu, tiếp xúc với xã hội.

Cụ thể, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh nhiều CLB, tổ, nhóm PN được xây dựng và phát triển, như CLB “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” ngày càng hoạt động có hiệu quả. CLB trở thành nơi tập hợp, thu hút hội viên PN tham gia sinh hoạt, tạo mối liên hệ gắn kết giữa hội viên PN với tổ chức hội. Các CLB bộ mới: CLB “Gia đình văn hóa”, CLB “BĐG”, CLB “Gia đình phát triển bền vững”. Qua tham gia sinh hoạt CLB, các thành viên được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức về phương pháp tổ chức cuộc sống gia đình. Một số CLB, tổ, nhóm PN, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về BĐG, phòng, chống bạo lực gia đình. Qua đó, một số hộ đã có những thay đổi tích cực trong lối sinh hoạt, cư xử giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ với con cái, giữa các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, ngành văn hóa - thông tin cũng tổ chức các hoạt động vui chơi, thành lập các CLB thể thao trong ĐBDTTS để họ được tham dự.

Đại diện Phòng Dân tộc, Văn phòng UBND tỉnh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai luật, các chính sách về giới, về BĐG vùng ĐBDTTS còn gặp một số khó khăn. Trong đó, đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn; các hoạt động và hình thức chưa phù hợp với ĐBDTTS. Do đó, việc thực hiện BĐG đối với PN người dân tộc vẫn đang đặt ra nhiều vấn đề cần được quan tâm, giải quyết. Có như vậy, thân phận người PN mới thoát khỏi tâm lý tự đánh giá mình kém hơn nam giới.

 Toàn tỉnh hiện có 24 DTTS với gần 7.000 hộ, trên 24.000 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 1,16% dân số toàn tỉnh. ĐBDTTS sống xen kẽ với người Kinh, riêng người Chăm tại ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa (Dầu Tiếng) và người Hoa tại TP.Thủ Dầu Một và TX.Thuận An sống tập trung. Qua tuyên truyền vận động, người ĐBDTTS không còn lạc hậu, mê tín mà sống hiện đại, không phân biệt đối xử với PN.

 

 THIÊN LÝ