Bình đẳng giới trong doanh nghiệp: Hướng đến mọi đối tượng
Luật Bình đẳng giới (BĐG) và vấn đề thực hiện Luật BĐG đã được nhiều cơ quan, doanh nghiệp (DN) quan tâm từ lâu, tuy nhiên để ngành chức năng, chủ DN có thể chủ động đưa ra những chính sách phù hợp nhằm thực hiện BĐG cho người lao động, không phải chuyện một sớm một chiều…
Các đại biểu tham gia thảo luận nhóm xoay quanh vấn đề bình đẳng giới tại doanh nghiệp. Ảnh: T.TRANG
Lồng ghép BĐG vào chính sách của DN
Mới đây, tại lớp tập huấn về BĐG do Tổ chức Chăm sóc sức khỏe sinh sản Marie stopes International Việt Nam chủ trì tổ chức có sự tham dự của Sở Y tế, Sở Công thương, Ban Quản lý các KCN và đại diện DN hai tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, nhiều vấn đề về BĐG, phân tích giới, lồng ghép giới… đã được thảo luận sôi nổi. Ông Lê Văn Kỉnh, đại diện Sở Y tế Đồng Nai cho rằng: “BĐG là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả phát triển đó”.
Nhiều ví dụ sinh động được đưa ra để đại biểu có cái nhìn sâu sắc hơn về khái niệm phân tích giới. Mục tiêu cơ bản của phân tích giới là xác định nguyên nhân sâu xa của bất BĐG, giúp lãnh đạo địa phương, DN có được những thông tin cụ thể về ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của một chính sách, chương trình, dự án, kế hoạch, hoạt động… đối với nam và nữ, từ đó đề ra các biện pháp điều chỉnh, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội của chương trình, chính sách thông qua việc bảo đảm lợi ích cả nữ và nam tại nơi thực hiện.
Nhiều đại biểu cho rằng nội dung lớp tập huấn thật sự thiết thực, bổ ích bởi họ không chỉ hiểu thêm những kiến thức về giới mà từ đây, vấn đề lồng ghép giới sẽ được quan tâm mỗi khi họ đưa ra một chương trình, kế hoạch nào đó tại đơn vị mình. Bác sĩ Từ Tấn Thứ, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Y tế Bình Dương, cho rằng dưới “cặp kính về giới”, trách nhiệm của mọi người sẽ được mở rộng nhằm đạt được BĐG. Đây là quá trình liên tục nhằm thay đổi cách tư duy, mối quan hệ giới giữa nam và nữ cũng như cách thức làm việc của họ.
BĐG không chỉ dành cho nữ
Trước đây, khi nói đến BĐG người ta thường nghĩ đến những chính sách, chương trình, kế hoạch hướng đến đối tượng nữ để họ có quyền thụ hưởng hoặc thực hiện quyền con người trong các lĩnh vực xã hội và gia đình. Đối với người lao động cũng vậy, thời gian qua, ngoài những hoạt động chăm sóc đời sống tinh thần cho người lao động nói chung, nhiều đơn vị, DN thường tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ là chính. Điểm mới của khóa tập huấn vừa qua là ngoài thảo luận những vấn đề liên quan đến sự tiến bộ phụ nữ, vai trò của nam giới, cụ thể là lao động nam trong xã hội, gia đình cũng được phân tích, mổ xẻ. “Tôi nghĩ nam công nhân cũng cần được chăm sóc sức khỏe sinh sản. Không chỉ vì họ cũng có nhu cầu được chăm sóc sức khỏe sinh sản mà trong công tác tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình nói chung, họ cũng là đối tượng cần được quan tâm…”, ông Nguyễn Văn Leo, đại diện Ban Quản lý KCN VSIP phát biểu tại hội thảo.
Theo thống kê mới nhất từ Liên đoàn Lao động tỉnh, Bình Dương hiện có gần 920.000 lao động; trong đó có 609.988 lao động trong các DN có tổ chức công đoàn. Lao động nữ có 398.980 người. Như vậy, lao động nam vẫn chiếm số đông tại các nhà máy, DN. Tại khóa tập huấn, đại diện nhiều DN cũng cho biết đơn vị mình làm việc trước nay vẫn chưa nhìn nhận sâu sắc về vấn đề này, từ đó một số hoạt động được tổ chức nhưng chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của cả nam và nữ. Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Ngọc Hiền, Giám đốc Điều hành Phòng khám Medic - BD, cho biết: “Sắp tới, phòng khám sẽ tổ chức khám bảo hiểm, khám định kỳ cho công nhân tại các công ty, xí nghiệp. Chúng tôi sẽ có những chính sách khám chữa bệnh phù hợp nhằm hướng đến việc chăm sóc sức khỏe nói chung, sức khỏe sinh sản nói riêng cho nam công nhân thay vì chỉ tập trung vào đối tượng nữ công nhân…”.
Thiết nghĩ, không phải chủ trương, chính sách nào của các đơn vị, DN ban hành cũng đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng, vấn đề BĐG sẽ được thực hiện có hiệu quả tại các cơ quan, DN, để cả nam và nữ lao động đều được thụ hưởng những lợi ích vật chất (dịch vụ y tế, giáo dục…), lợi ích tinh thần (văn hóa, giải trí...) cũng như được đào tạo, nâng cao trình độ và tham gia vào các hoạt động như nhau.
TÂM TRANG