Bình đẳng giới trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

Thứ hai, ngày 29/11/2021

(BDO) Đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến cho tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, trong đó bao gồm bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, các số liệu bước đầu thu thập được về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới (BĐG) trên địa bàn tỉnh cho thấy kết quả rất khả quan.


Các đại biểu giao lưu chia sẻ về thực trạng BĐG ở địa phương tại lễ phát động Tháng hành động vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021

Covid-19 làm chậm tiến trình thu hẹp khoảng cách giới

BĐG và trao quyền cho phụ nữ là một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015. Đây đồng thời cũng là chìa khóa mở ra cho phụ nữ và trẻ em gái các cơ hội phát huy năng lực bản thân vào quá trình phát triển xã hội và hưởng thụ các thành quả của sự phát triển. Để đạt được mục tiêu BĐG, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BĐG là một trong những giải pháp quan trọng, quyết định việc hoàn thành mục tiêu này. Tại Việt Nam, khủng hoảng Covid-19 đã làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ. Khi đại dịch xuất hiện, tỷ lệ thất nghiệp nữ trong quý IV-2020 tăng so với cùng kỳ năm 2019 (từ 1,9% lên 3,24%); gánh nặng kinh tế cùng những áp lực về tâm lý, sức khỏe gây ảnh hưởng lên nhiều gia đình, trong đó phụ nữ và trẻ em là những đối tượng bị tác động về nhiều mặt.

Đại dịch Covid-19 bùng phát cuối năm 2019, đầu năm 2020 đã khiến cho tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, trong đó bao gồm bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng. Đánh giá nhanh về thực trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em do tác động bởi đại dịch Covid-19 của Liên hợp quốc cho thấy trên thế giới cứ 3 phụ nữ thì có hơn 1 phụ nữ từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực do chồng hoặc bạn trai gây ra (tỷ lệ 37,8%); hơn một nửa phụ nữ bị bạo lực trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 không chia sẻ với ai (tỷ lệ 51,8%). Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2021 ước tính đại dịch Covid-19 đã làm chậm tiến trình thu hẹp khoảng cách giới tương đương “một thế hệ”.

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021-2030, là năm tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Mặc dù đại dịch gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng Việt Nam vẫn cam kết và ưu tiên thực hiện BĐG thông qua việc ban hành và triển khai các chiến lược, chương trình thúc đẩy BĐG đến năm 2030. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, cao nhất kể từ khóa VI đến nay.

Các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã được phân tích và lồng ghép vấn đề BĐG một cách cụ thể, đi kèm với những giải pháp thiết thực nhằm bảo đảm đến quyền lợi và tính đến nhu cầu của mỗi giới, góp phần thúc đẩy BĐG, rút ngắn khoảng cách về giới trong các lĩnh vực đời sống xã hội.

Bình Dương thúc đẩy bình đẳng giới trong đại dịch

Bình Dương là một trong những tỉnh có số lượng người nhiễm Covid-19 cao nhất cả nước. Dịch bệnh đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tỉnh đã thực hiện và ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Trong đó, tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ thêm cho lao động nữ mang thai, lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi; trẻ em là F0, F1; trẻ em bị mồ côi do Covid-19. Các chính sách hỗ trợ lương thực, thực phẩm, tiền thuê trọ cũng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm bớt khó khăn cho người lao động, hạn chế các khả năng căng thẳng, khủng hoảng dẫn đến bạo lực gia đình hoặc làm gián đoạn việc học tập của trẻ em, nhất là trẻ em gái.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến cho tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, trong đó bao gồm bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng. Đánh giá nhanh về thực trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em do tác động bởi đại dịch Covid-19 của Liên hợp quốc cho thấy trên thế giới cứ 3 phụ nữ thì có hơn 1 phụ nữ từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực do chồng hoặc bạn trai gây ra (tỷ lệ 37,8%); hơn một nửa phụ nữ bị bạo lực trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 không chia sẻ với ai (tỷ lệ 51,8%).

Thực hiện hướng dẫn của Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, UBND tỉnh đã tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021. Với chủ đề “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện BĐG và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”, buổi lễ đã thu hút hơn 150 đại biểu đến từ 9 huyện, thị, thành phố tham gia.

Theo ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, việc phát động Tháng hành động vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới là hoạt động thật sự cần thiết nhằm nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc thực hiện BĐG và trao quyền cho phụ nữ nhằm mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết. Đây là hoạt động khởi đầu trong chuỗi các hoạt động nhằm thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thúc đẩy BĐG, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Trong giai đoạn BĐG hiện nay, các hoạt động của Tháng hành động tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện BĐG, phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân và mạnh dạn bày tỏ thái độ phê phán, lên án những hành vi gây bạo lực; tạo môi trường sống tốt đẹp, hạnh phúc cũng như cam kết thực hiện các mục tiêu BĐG mà Chính phủ đã phê duyệt.

Bà Đặng Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Để ngăn chặn tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, cần phải có sự chung tay, vào cuộc một cách đồng bộ, mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân trong cộng đồng; đặc biệt là xác định trách nhiệm của nam giới trong công tác phòng, chống bạo lực phụ nữ, trẻ em. Bên cạnh đó, phụ nữ cần chủ động, can đảm, mạnh mẽ hơn trong việc tự bảo vệ bản thân, lên án các hành vi bạo lực và nỗ lực phát huy năng lực bản thân”.

“Hy vọng các thông điệp của chúng ta sẽ thật sự lan tỏa, góp phần vun đắp các giá trị tinh thần cao đẹp, thiết lập môi trường sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc, hoàn thành mục tiêu vừa chiến thắng đại dịch, vừa phát triển kinh tế, ổn định và phát triển đời sống xã hội bền vững, thịnh vượng”, ông Lê Minh Quốc Cường nói thêm.

Các số liệu bước đầu thu thập được về thực hiện mục tiêu BĐG trên địa bàn tỉnh rất khả quan, như: Tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh đạt 20%; tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu HĐND các cấp của tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 đạt 31,93%, cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Số vụ bạo lực gia đình 6 tháng năm 2021 là 17 vụ, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020; 100% nạn nhân và người gây bạo lực đều được tư vấn, hỗ trợ. Phụ nữ nhận được sự ủng hộ nhiều hơn trong phát triển sự nghiệp và được hỗ trợ công việc gia đình. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, chị em phụ nữ là lực lượng quan trọng tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh.

MINH HIẾU