Bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh
(BDO) “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới” là chủ đề của Tháng hành động vì bình đẳng giới (BĐG) và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới do UBND tỉnh tổ chức. Để triển khai có hiệu quả tháng hành động, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng rất sôi nổi
Các đại biểu tham gia đặt câu hỏi giao lưu tại lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2021
Sôi nổi các hoạt động
Thực hiện hướng dẫn của Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, UBND tỉnh đã tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021. Ngoài lễ phát động cấp tỉnh, TX.Tân Uyên và huyện Bàu Bàng cũng đã tổ chức các hoạt động truyền thông thu hút đông người quan tâm theo dõi. Tại lễ phát động Tháng hành động trên địa bàn huyện Bàu Bàng, 450 đại biểu đã tham gia diễu hành quanh các trục đường chính với nhiều khẩu hiệu, như: “Thực hiện BĐG là tiêu chí của tiến bộ, văn minh”, “BĐG là chìa khóa để chấm dứt bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em”, “Hãy tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em”…
Bà Bạch Thị Thu Hương, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bàu Bàng, cho biết tại lễ phát động, huyện đã tổ chức các hoạt động truyền thông, tăng cường tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động của tháng hành động trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng và tình hình thực tế, như: Truyền thông trực tiếp; treo băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích; tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở ở các xã, phường, thị trấn; các trang thông tin điện tử, báo điện tử và các mạng xã hội.
Theo bà Đặng Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.Thủ Dầu Một, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là tội ác, cản trở sự phát triển bình đẳng và tiến bộ của toàn xã hội. Bạo lực trong bối cảnh Covid-19 càng làm gia tăng áp lực về tinh thần, vật chất đối với gia đình và xã hội. “Một xã hội văn minh trước hết phải là một xã hội an toàn cho tất cả mọi người, bao gồm phụ nữ và trẻ em. Vì vậy, tôi rất ủng hộ việc xây dựng một môi trường mà trong đó mọi người được chung sống an toàn, được bảo đảm các nhu cầu thiết yếu, phụ nữ và trẻ em được bảo vệ và tạo điều kiện để phát triển bình đẳng”, bà Hà nói.
Đề cao tính chủ động của cá nhân
Tháng hành động là điểm nhấn, tạo nên một chiến dịch truyền thông vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh; qua đó, thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thúc đẩy BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Xác định rõ ý nghĩa của tháng hành động, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền về các chính sách an sinh xã hội, BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; đồng thời tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em, các thành viên gia đình, người làm công tác BĐG và trẻ em.
Ngoài ra, trong tháng hành động, các địa phương cũng đã thực hiện giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là các vụ bạo lực diễn ra trong môi trường gia đình, trong thời gian cách ly, giãn cách xã hội do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Theo bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, việc xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động của Tháng hành động vì BĐG tại các địa phương đã tuân thủ các quy định của cơ quan y tế về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bảo đảm an toàn, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Các địa phương cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và triển khai các hoạt động hưởng ứng tháng hành động.
Tháng hành động là điểm nhấn, tạo nên một chiến dịch truyền thông vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh; qua đó, thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thúc đẩy BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. |
MINH HIẾU