Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu: Cần sự nỗ lực chung
(BDO) Năm nay, số lượng doanh nghiệp, sản phẩm, chất lượng sản phẩm tham gia chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo đánh giá, để công tác này thật sự đạt hiệu quả như mong muốn, vẫn còn những vấn đề cần sớm được khắc phục.
Sản phẩm bình chọn phong phú
Tiếp tục phát huy giá trị sản phẩm CNNT của các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương vừa tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh lần thứ IV năm 2018. Từ những sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn của 29 cơ sở sản xuất CNNT trên địa bàn, Hội đồng bình chọn tỉnh đã bình chọn được 19 sản phẩm đạt sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, gồm 11 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 3 sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm, 2 sản phẩm thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí, 3 sản phẩm khác.
Sản xuất sơn mài mỹ nghệ tại một cơ sở ở làng sơn mài Tương Bình Hiệp.
Ảnh: THANH HỒNG
Năm nay, một số hộ kinh doanh thực phẩm đến từ xã Đất Cuốc của huyện Bắc Tân Uyên, xã Bạch Đằng, xã Tân Vĩnh Hiệp của TX.Tân Uyên, phường Tân Định của TX.Bến Cát… đã mang những sản phẩm thực phẩm như chả lụa, trà lài, trà dứa, chậu xi măng, đá chẻ tròn… lạ mắt, kiểu dáng hiện đại tham gia bình chọn. Còn các sản phẩm làng nghề truyền thống trong tỉnh chủ yếu là gỗ mỹ nghệ, sơn mài, guốc gỗ, quạt hút dạng loa IFAN… Tất cả sản phẩm tham gia bình chọn lần này đều thể hiện sự sáng tạo, mang tính thẩm mỹ cao, có giá trị sử dụng thực tế, gần gũi và thân thiện với cuộc sống hàng ngày.
Theo đánh giá của Hội đồng bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2018, mẫu sản phẩm dự thi năm nay đã phát huy được tính mới, có tính sáng tạo và thổi được “hồn” của các sản phẩm làng nghề đặc trưng trong tỉnh như bộ tranh sơn mài 3 miền, bộ bàn đôn khắc lọng hoa mai, bộ bàn đôn lục bình… Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, qua các năm, số lượng tác phẩm dự thi bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu tăng dần. Điều này chứng tỏ các nghệ nhân, cơ sở sản xuất CNNT trong tỉnh không ngừng tìm tòi, sáng tạo, thiết kế những mẫu mã mới lạ để mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Cùng nỗ lực
Những năm qua, một số làng nghề trên địa bàn tỉnh đã có sự thay đổi để phù hợp với yêu cầu phát triển trong điều kiện hiện nay. Một số sản phẩm của các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh không chỉ được khách hàng trong nước ưa chuộng mà còn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Liên minh châu Âu... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động của nhiều làng nghề, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, đa số cơ sở thủ công mỹ nghệ có quy mô nhỏ lẻ, theo hình thức gia công; mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm còn nghèo nàn; trong khi đó nhiều người thợ thủ công ít quan tâm đầu tư, nghiên cứu sáng tạo ra sản phẩm mới, lạ, độc đáo...
Ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài mỹ nghệ Bình Dương cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu như hiện nay, khi hàng hóa tiêu dùng công nghiệp hiện đại tràn ngập thị trường, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đang đứng trước những thách thức hết sức gay gắt. Muốn tồn tại, các làng nghề, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ không còn cách nào khác là phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm tòi, sáng tạo đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu... Để làm được điều này, cần có sự hỗ trợ nhiều hơn từ các cấp, các ngành trong việc phát triển thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách thuế, đất; quan tâm hơn nữa đến việc giải quyết nguồn vốn, tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần đổi mới công nghệ, sáng tạo mẫu mã, tiếp cận với cách quản lý tiên tiến nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và số lượng của sản phẩm.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cho biết, việc tôn vinh sản phẩm CNNT tiêu biểu là hoạt động mang ý nghĩa lớn, tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Năm nay, số lượng sản phẩm đơn vị tham gia bình chọn tăng lên. Tuy vậy, nhiều sơ cở sản xuất CNNT ở các địa phương trong tỉnh có sản phẩm chất lượng tốt, giá trị cao nhưng so với tiềm năng của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Năm nay, còn có những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT chưa nhiệt tình tham gia bình chọn. Các cơ sở, doanh nghiệp cần xác định rõ mục tiêu của chương trình để tích cực tham gia bình chọn, đầu tư sâu hơn khâu thiết kế mẫu mã, phát triển sản phẩm mới, yếu tố văn hóa, tên gọi vùng miền nhằm khai thác được tiềm năng, thế mạnh sản phẩm đặc thù, nguồn nguyên liệu của địa phương. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp giới thiệu những thành tựu phát triển, mặt hàng truyền thống, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, nghiên cứu mở rộng thị trường cho sản phẩm của mình.
Ông Trần Thanh Liêm lưu ý, để công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu thật sự đạt hiệu quả cao trong việc khuyến khích thúc đẩy phát triển sản xuất CNNT, đồng thời để có được nhiều hơn các sản phẩm tham gia bình chọn, các địa phương cần quan tâm hỗ trợ phát triển sản phẩm; các đầu mối được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện cần bám sát các đơn vị, cơ sở sản xuất nhằm khuyến khích những sản phẩm có tiềm năng, có thị trường phát triển ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để ngày càng nhiều cơ sở tham gia chương trình bình chọn. Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công chủ động tham mưu, đề xuất Hội đồng bình chọn các cấp xây dựng kế hoạch, tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu sao cho thực sự hiệu quả và thiết thực. Những khó khăn, vướng mắc về quy định tham gia dự thi, thực hiện công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cần được phản ánh kịp thời để tỉnh kịp thời có giải pháp tháo gỡ, kiến nghị sửa đổi cho phù hợp...
THANH HỒNG