Biểu quyết Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020
(BDO)
Quang cảnh một phiên họp của Quốc hội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thực hiện chương trình làm việc, sáng 14/11, các đại biểu Quốc hội biểu quyết Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020.
Sau nội dung này, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 14/2017/QH14 về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.
Việc ban hành Luật đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang và các lực lượng khác.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã bộc lộ một số bất cập, khoảng trống trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng.
Trong công tác phòng, chống tội phạm, đây là những hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của con người, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, cần phải xử lý hình sự. Chính vì vậy, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm kịp thời khắc phục những bất cập này.
Tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật, các đại biểu đã cho ý kiến về sự cần thiết, phạm vi sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật và tính thống nhất với các quy định của Luật với Điều 304 của Bộ luật Hình sự.
Theo dự kiến, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp.
Thời gian còn lại của phiên họp sáng, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát kỹ để phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế, nhất là các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập trong thời gian qua, đồng thời lưu ý một số vấn đề cần tiếp tục giải trình, làm rõ.
Cụ thể là quy định các trường hợp được chuyển đổi mục đích của thị thực, trường hợp miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển; về việc bổ sung điều kiện để quyết định đơn phương miễn thị thực làm thu hẹp diện các nước được đơn phương miễn thị thực; bổ sung các quy định về thị thực điện tử bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ, thống nhất, tránh quy định trùng hoặc bỏ trống nội dung về thị thực điện tử...
Thảo luận tại tổ về nội dung này, các đại biểu đã cho ý kiến về: Sự cần thiết ban hành Luật; bổ sung các trường hợp được chuyển đổi mục đích của thị thực; bổ sung trường hợp được miễn thị thực “Vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ”; bổ sung điều kiện đơn phương miễn thị thực; cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; sửa đổi điều kiện nhập cảnh, điều kiện xuất cảnh; quy định về quản lý cư trú của người nước ngoài; về xây dựng, kết nối, khai thác, chia sẻ cơ sở dữ liệu nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài; các mức góp vốn khi cấp thị thực cho nhà đầu tư; thời hạn tạm trú không quá 10 năm đối với nhà đầu tư có thẻ tạm trú ĐT1; quy định mức góp vốn tối thiểu đối với nhà đầu tư có ký hiệu thị thực ĐT4; việc sử dụng nguồn kinh phí xuất nhập cảnh được trích lại để nâng cao chất lượng công tác quản lý xuất nhập cảnh...
Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội nghe Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia; Báo cáo thuyết minh Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia; Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.
Sau nội dung này, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ sự cần thiết, mục tiêu, yêu cầu và những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết; khẳng định việc ban hành Nghị quyết là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc từng bước đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn quá trình phát triển, yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội và chính quyền đô thị trên cả nước.
Bên cạnh đó, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về cơ bản tán thành với nội dung của Tờ trình; đồng thời khẳng định việc ban hành Nghị quyết này không chỉ thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị mà còn tạo sự chủ động cho Chính phủ và chính quyền thành phố Hà Nội trong việc chuẩn bị nhân sự và tổ chức Đại hội đảng bộ cấp phường nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp và kiện toàn Ủy ban Nhân dân phường nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Thảo luận tại tổ trong ngày 29/10, các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về sự cần thiết ban hành Nghị quyết; việc tổ chức chính quyền địa phương tại thành phố Hà Nội; việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, thị xã; quy định về tên gọi, địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc, nhiệm vụ quyền hạn và cán bộ, công chức của Ủy ban Nhân dân phường nơi thực hiện thí điểm./.
Theo TTXVN