Biết bệnh viêm gan - Hành động ngay lập tức

Thứ năm, ngày 28/07/2016

(BDO) Đó là chủ đề Ngày Viêm gan thế giới 28-7 năm nay đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn, đồng thời khuyến khích người dân nên đi xét nghiệm và yêu cầu điều trị khi phát hiện mình bị viêm gan...

Tiêm vắc xin cho trẻ là biện pháp phòng bệnh viêm gan B hiệu quả nhất

Ngày Viêm gan thế giới được tổ chức hàng năm nhằm mục đích tăng cường nhận thức, hiểu biết về viêm gan siêu vi và những bệnh mà nó gây ra. Đây là cơ hội để tập trung vào những hành động cụ thể như: tăng cường phòng ngừa, tầm soát và kiểm soát viêm gan siêu vi và các bệnh liên quan; gia tăng tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin viêm gan B và tích hợp vào chương trình tiêm chủng quốc gia và phối hợp đáp ứng toàn cầu với bệnh viêm gan.

Theo báo cáo của WHO, bệnh viêm gan do vi rút là nguyên nhân thứ 7 gây tử vong trên toàn cầu. Hiện nay, có từ 6 - 10 triệu người mắc bệnh này, 1,4 triệu ca tử vong mỗi năm, trong đó nhiều nhất là viêm gan vi rút C (48%), B (47%), còn lại là viêm gan A và E. Nhóm người tiêm chích ma túy có nguy cơ lây nhiễm cao nhất do tình trạng dùng chung bơm kim tiêm. Tại Việt Nam, thống kê của Bộ Y tế cho thấy, bệnh nhân mắc viêm gan siêu vi B chiếm 8 - 25% dân số. Ước tính đến năm 2020, cả nước sẽ có 8 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B mạn tính. Bộ Y tế khuyến cáo, viêm gan vi rút đứng thứ 3 trong các nguyên nhân gây tử vong ở nước ta, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là viêm gan siêu vi B. Kết quả điều tra gánh nặng bệnh tật toàn cầu cũng cho thấy, Việt Nam là quốc gia nằm trong nhóm có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B và C cao trong quần thể dân cư nói chung và chịu hậu quả nặng nề của bệnh. Tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B trung bình từ 8 - 25%, viêm gan C từ 2,5 - 4,1%. Bên cạnh đó, còn ghi nhận các trường hợp viêm gan A, D, E. Đáng lưu ý là, trong nhóm người tiêm chích ma túy có đến 54% mắc viêm gan siêu vi C. Điều đáng quan tâm nữa là, tình hình nhiễm vi rút viêm gan B ở đối tượng phụ nữ có thai chiếm tỷ lệ khá cao. Đây là yếu tố quan trọng gây viêm gan B ở trẻ sơ sinh và là nguyên nhân chính gây viêm gan mạn tính ở trẻ.

Theo các chuyên gia y tế, hậu quả lâu dài của nhiễm viêm gan vi rút có thể dẫn tới bệnh gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan, từ đó làm gia tăng gánh nặng chi phí cho ngành y và toàn xã hội. Đến nay, bệnh viêm gan C chưa có vắc xin phòng ngừa, việc điều trị chủ yếu là dùng thuốc. Trong khi đó, bệnh viêm gan vi rút B hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu sử dụng vắc xin sớm và đúng quy định.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trần Văn Thu, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cho biết, bệnh viêm gan B có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Để tránh gặp phải biến chứng nguy hiểm trên, bác sĩ Thu lưu ý những người bình thường cũng như đang mắc bệnh, cần tránh xa những yếu tố nguy cơ. Đối với phụ nữ mang thai và đang nhiễm viêm gan B trong người, cần báo cho bác sĩ biết để con bạn được điều trị sớm sau khi chào đời. Đối với người mang mầm bệnh viêm gan B phải hạn chế uống rượu, vì người nghiện rượu mắc viêm gan B thường dẫn đến xơ gan hơn người khác.

Bác sĩ Thu cho rằng, chủng ngừa được xem là biện pháp phòng bệnh viêm gan B hiệu quả và ít tốn tiền nhất. Đối với người trưởng thành, cần đến cơ sở y tế xét nghiệm máu để xem mình có nhiễm vi rút không. Nếu nhiễm vi rút nhưng trong giai đoạn ổn định, bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định điều trị cho bạn. Khi nào điều trị hết vi rút viêm gan B, bạn đã có thể tiêm vắc xin phòng bệnh để bảo vệ mình. Với trẻ sơ sinh, thường nhiễm viêm gan B là do mẹ mắc bệnh rồi truyền sang cho con. Theo khuyến cáo của ngành y tế, tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vắc xin viêm gan B. Đối với trẻ em ở khu vực có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B cao như nước ta, nên tiêm trong vòng 24 giờ sau khi sinh và tiếp tục tiêm các liều sau đó theo đúng lịch tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe cho trẻ trước căn bệnh này. Tùy vào tình trạng sức khỏe của bé, việc tiêm vắc xin cho trẻ sơ sinh sẽ được thực hiện theo tư vấn của bác sĩ.

 

 CẨM LÝ

 

 

Từ khóa: