Biến thú vui thành mô hình kinh tế hiệu quả

Thứ hai, ngày 09/05/2022

(BDO) Nắm bắt nhu cầu thực tế, nhiều người đã biến thú vui chơi sinh vật cảnh thành mô hình kinh tế hiệu quả. Với lợi thế là người dẫn đầu, sau khi áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động ươm giống, nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh nhiều hộ gia đình đã trở nên khá giả và được thị trường tin tưởng lựa chọn.

 

Các thành viên thuộc Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Dương giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm trồng hoa lan

 Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ

Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh được nâng cao rõ rệt. Minh chứng rõ nhất là ngày càng nhiều người tìm đến với thú vui chơi sinh vật cảnh. Trong đó, nổi trội có những hội chơi chim cảnh, cá cảnh, hoa lan… quy tụ hàng ngàn hội viên với nhiều hoạt động sôi nổi. Để biến đam mê thành hiệu quả kinh tế, từ lâu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã sớm quy tụ, tập hợp nhiều hội, trung tâm vào sinh hoạt. Từ sự định hướng, dẫn dắt đúng đắn của Liên hiệp hội, quy mô hoạt động và chất lượng của các hội, trung tâm thành viên được nâng lên đáng kể.

Ông Lai Xuân Thành, Chủ tịch Liên hiệp hội, cho biết để tạo điều kiện và hỗ trợ các hội, trung tâm thành viên, thời gian qua Liên hiệp hội đã tích cực phối hợp với các sở ngành, cơ quan hữu quan thực hiện nhiều chương trình tọa đàm, hội nghị, hội thảo khoa học với nhiều chuyên đề chuyên. Từ những hội nghị, hội thảo này, thúc đẩy việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Với tinh thần đó, trung tuần tháng 4 vừa qua, Liên hiệp hội đã phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi cá cảnh”; “Ứng dụng công nghệ cao trong lai tạo và sản xuất hoa lan - Tình hình về sản xuất và tiêu thụ hoa lan trên địa bàn và các tỉnh, thành lân cận”. Hội nghị đã thu hút sự quan tâm, tham gia của gần 100 hội viên Hội Cá cảnh tỉnh, Hội Sinh vật cảnh tỉnh, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận.

Tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Thành Vũ, Phòng Công nghệ sinh học, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.Hồ Chí Minh, đã chia sẻ các chuyên đề “Phương pháp nhận diện, phòng bệnh và trị bệnh đối với một số đối tượng cá cảnh”. Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng Nghiên cứu Công nghệ sinh học và Thủy sản, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao trao đổi về chủ đề “Nghiên cứu thuần dưỡng và sản xuất giống một số đối tượng cá cảnh có giá trị xuất khẩu hiện nay”. Tiến sĩ Hà Thị Loan, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.Hồ Chí Minh, chia sẻ chuyên đề “Nghiên cứu chọn, tạo giống hoa lan mới và nhân giống hoa lan”. Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Phượng, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chia sẻ chủ đề “Tình hình tiêu thụ hoa lan trên địa bàn Bình Dương và các tỉnh, thành lân cận”.

Hiệu quả kinh tế

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Dương, Phó Chủ tịch Hội Cá cảnh tỉnh, cho biết bản thân ông và các hội viên rất quan tâm với những thông tin mà các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ. Từ những thông tin hữu ích, thiết thực mà các chuyên gia chia sẻ, các hội viên sẽ đúc kết thêm kinh nghiệm, kiến thức để áp dụng vào hoạt động ươm giống, nuôi trồng và kinh doanh các loại tôm, cá cảnh.

Tương tự, ông Lê Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh, cũng đánh giá cao tầm quan trọng và những lợi ích mà các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ. Theo đó, sau khi áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhiều hội viên đã biến đam mê thành hiệu quả kinh tế bằng những mô hình kinh tế nông nghiệp đô thị trên địa bàn.

Ghi nhận thực tế cho thấy, nhờ vào sự phát triển của khoa học kỹ thuật, hiện nay nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện phong trào sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tổng diện tích gây trồng sinh vật cảnh trên địa bàn tỉnh tính đến cuối tháng 3-2022 ước tính khoảng trên 100 ha. Trong số này có 260 hộ trồng hoa lan với diện tích 34 ha với các giống chủ yếu như mokara, dendrobium, cattleya và các loại lan rừng như giả hạc, ngọc điểm…; 104 hộ trồng hoa mai với diện tích 36 ha; 65 hộ nuôi các loại tôm, cá cảnh với số lượng cá thể ước tính đạt 250.000 con. Với sự tăng trưởng ấn tượng về số lượng và chất lượng trong nhiều năm liên tiếp, ngành nuôi trồng, kinh doanh các sản phẩm sinh vật cảnh Bình Dương đang là điểm sáng trên đường phát triển.

Thực hiện quyết định của UBND tỉnh về việc “Phát triển vùng chuyên sản xuất và cung ứng các loại hình sinh vật cảnh vùng phía Nam của tỉnh giai đoạn 2018-2022”, hiện Liên hiệp hội, các hội thành viên đang tích cực phối hợp với các sở ngành và địa phương hỗ trợ hội viên, người dân tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Từng bước nhân rộng các mô hình hiệu quả, biến đam mê, thú vui thành những mô hình kinh tế hiệu quả. Mục tiêu được đề ra là toàn tỉnh sẽ có khoảng 160 - 170 ha diện tích sinh vật cảnh với số lượng đàn tôm cá cảnh các loại đạt 3 triệu con, sẵn sàng cung ứng cho nhu cầu đang tăng từng ngày của thị trường trong và ngoài tỉnh.

 Tại hội nghị ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động ươm giống, nuôi trồng, sản xuất sinh vật cảnh trên địa bàn tỉnh vừa qua, đại diện các trung tâm nghiên cứu, công nghệ sinh học khẳng định sẵn lòng đồng hành, hỗ trợ Liên hiệp hội, các hội thành viên và những người sản xuất sinh vật cảnh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các đơn vị sẵn sàng chia sẻ những kết quả nghiên cứu khoa học về điều kiện đặc tính sinh học, khả năng lai tạo, điều kiện phát triển và khả năng nhân rộng mô hình các loại sinh vật cảnh cho các tổ chức, cá nhân ở Bình Dương. Kỳ vọng sẽ tạo tiền đề vững chãi giúp nền kinh tế nông nghiệp đô thị trên địa bàn tỉnh có sự phát triển vượt bậc trong thời gian tới.

 ĐÌNH THẮNG