Biện pháp để hạn chế đình lãn công

Thứ sáu, ngày 19/01/2018

(BDO) Đình công hoặc lãn công (gọi tắt là đình lãn công) là một hiện tượng kinh tế - xã hội tồn tại khách quan mà người lao động (NLĐ) thực hiện nhằm đòi hỏi, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi thiếu vắng vai trò của tổ chức đại diện. Đình lãn công thường diễn ra tại các doanh nghiệp (DN) dân doanh, DN 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Để hạn chế tình trạng này, tổ chức công đoàn cơ sở (CĐCS) tại DN đóng vai trò quan trọng, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, đại diện cho NLĐ thương lượng với chủ DN để thực hiện mối quan hệ lao động hài hòa.

 Bức xúc về tiền lương, mức thưởng, đời sống vật chất và tinh thần không bảo đảm, CĐCS chưa phát huy vai trò, DN và NLĐ thiếu hiểu biết pháp luật… là những nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc đình lãn công trên cả nước trong thời gian qua. Theo thống kê của ngành lao động - thương binh và xã hội, đa số các cuộc đình lãn công đều xảy ra tại các DN FDI, chiếm trên 80%. Gần 90% các cuộc đình lãn công có nội dung yêu cầu người sử dụng lao động phải bảo đảm quyền lợi đối với NLĐ. Hầu hết các cuộc đình lãn công đều diễn ra tự phát và không đúng trình tự pháp luật.

Tại Bình Dương, mặc dù lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm và thường xuyên nâng cao vai trò của tổ chức CĐCS trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp lao động tập thể và đình lãn công, nhưng do Bình Dương là tỉnh công nghiệp với nhiều DN FDI hoạt động, nhiều DN được thành lập mới hàng năm, nên đình lãn công vẫn còn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các cuộc đình lãn công là do người sử dụng lao động và cả NLĐ chưa tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Lao động. Điển hình là người sử dụng lao động chưa kịp thời thông báo công khai cho NLĐ biết về việc điều chỉnh tiền lương, mức thưởng, chậm trả lương, nợ tiền bảo hiểm xã hội của NLĐ; chưa đáp ứng kịp thời các yêu cầu tăng lương thưởng, các khoản phụ cấp, cải thiện chất lượng bữa ăn của người lao động. Về phía NLĐ, do nôn nóng trong việc đòi hỏi quyền lợi của mình nên đình lãn công không đúng trình tự pháp luật; nhiều vụ đình lãn công xảy ra tại các DN mới đi vào hoạt động do chưa có tổ chức CĐCS…

Nhận diện nguyên nhân dẫn đến các cuộc đình lãn công là để có biện pháp thích hợp nhằm hạn chế vấn nạn này. Như đã phân tích thì nguyên nhân sâu xa và bao trùm của vấn đề đình lãn công vẫn là lợi ích của cả hai phía sử dụng lao động và NLĐ. Để hạn chế đình lãn công, việc cần làm trước mắt là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho NLĐ và người sử dụng lao động để nâng cao ý thức cho cả hai bên; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động của người sử dụng lao động, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để tạo tính răn đe.

Đi đôi với các biện pháp nói trên là nâng cao vai trò của tổ chức CĐCS tại DN. Một khi CĐCS tại DN trở thành tổ chức đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, thì quan hệ lao động và quyền lợi của cả hai bên sẽ hài hòa, từ đó hạn chế các cuộc đình lãn công, đặc biệt là các cuộc đình lãn công không đúng trình tự pháp luật.

 LÊ QUANG

Từ khóa: