Bí thư tỈnh Ủy Thủ Dầu Một Hồ Văn Cống (1.1937 - cuối 1940): Luôn giữ tròn khí tiết người cộng sản
Một con đường trên địa bàn xã Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một) được đặt tên Hồ Văn Cống. Đồng chí Hồ Văn Cống chính là Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một năm xưa Ảnh: QUỐC CHIẾN
Những năm lao động vừa kiếm sống ở Sài Gòn, vừa tham gia những hoạt động yêu nước tiến bộ của thanh niên thời kỳ Hội kín Nguyễn An Ninh, sau là nhóm thanh niên của Tân Việt Đảng do đồng chí Tô Trọng Mân tổ chức tại vùng Lái Thiêu, đồng chí Hồ Văn Cống đã nhận thức quan trọng, vì sao nhân dân ta phải lầm than khổ cực? Làm sao phá tan gông xiềng phong kiến cùng những luật lệ hà khắc và những ràng buộc vô lý để giải phóng sức lao động của con người?
Năm 1929, đồng chí trở về quê nhà và tham gia các cuộc đấu tranh của nông dân do các đảng viên cộng sản tỉnh Gia Định sang hướng dẫn ở các xã Bình Nhâm, An Sơn, An Thạnh… Tham gia các hoạt động cách mạng, đồng chí và các thanh niên yêu nước khác được tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cách mạng của Đảng thông qua sự tuyên truyền giáo dục của nhóm đảng viên Cộng sản thuộc Đông Dương Cộng sản Liên đoàn và được giác ngộ về lý tưởng cộng sản, về mục đích của thanh niên đối với vận mệnh đất nước, đồng chí gia nhập vào Đảng Cộng sản.
Tháng 8-1930, Chi bộ Cộng sản xã Bình Nhâm thành lập, đồng chí trở thành những người đảng viên đầu tiên của chi bộ này. Đồng chí cùng các đảng viên trong chi bộ tích cực vận động thành lập tổ chức Nông Hội đỏ ở một số xã và Hội Tương tế ở các lò chén, lò đường, trại mộc trên địa bàn để thu hút quần chúng lao động tham gia các cuộc đấu tranh đòi các quyền dân sinh dân chủ giành thắng lợi. Với các hoạt động tích cực của các đảng viên Chi bộ Bình Nhâm, phong trào đấu tranh của nông dân, thợ thủ công, công nhân các làng Bình Nhâm, An Sơn, An Thạnh trong những năm 1930-1936 đạt được những thắng lợi nhất định mà đỉnh cao là cuộc bãi công của gần 1 vạn người của 30 cơ sở lò gốm vùng Lái Thiêu từ 29-9 đến 2-10-1935, đòi phải trả lương đúng số tiền đã giao khoán cho thợ nam, nữ, trẻ em, cho người Việt, người Hoa giành thắng lợi.
Ý nghĩa thắng lợi cuộc tổng bãi công ngành gốm Lái Thiêu được tờ báo La Dépêche có nhận xét: “Đây là lần thứ nhất mà cuộc bãi công quan trọng thế này đã xảy ra. Đó là dấu hiệu của thời buổi. E rằng nhiều chức nghiệp khác sẽ noi gương của công nhân lò gốm”. Từ thắng lợi của các cuộc đấu tranh của nông dân, thợ thủ công, công nhân vùng Lái Thiêu và trên địa bàn Thủ Dầu Một trong khoảng thời gian từ 1932-1935, xét về mặt tính chất và quy mô cho thấy sự nhận thức về chính trị, về phương pháp và tổ chức đấu tranh của quần chúng công nông được nâng lên rất cao. Đó là kết quả tổ chức chặt chẽ của cơ sở Đảng địa phương, của đảng viên và một số quần chúng yêu nước được tiếp thu những kinh nghiệm đấu tranh cách mạng thông qua sự lãnh đạo của Đảng.
Tháng 2-1936, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Xứ ủy Nam kỳ đã chỉ định Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời gồm 5 đồng chí: Trương Văn Nhâm, Nguyễn Thị Bảy là cán bộ tăng cường của Xứ ủy và 3 cán bộ của địa phương, trong đó có đồng chí Hồ Văn Cống. Đồng chí Trương Văn Nhâm, Xứ ủy viên kiêm Bí thư Tỉnh ủy. Việc thành lập Tỉnh ủy (lâm thời) vào mùa xuân 1936 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân Thủ Dầu Một. Từ đây, tỉnh đã có cơ quan đầu não trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Tháng 1-1937, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thủ Dầu Một được cấp trên công nhận chính thức và bầu đồng chí Hồ Văn Cống làm Bí thư Tỉnh ủy thay đồng chí Trương Văn Nhâm nhận công tác khác.
Để phục vụ công tác tuyên truyền các nghị quyết của Đảng xuống tận các chi bộ và các tổ chức công hội, tháng 4-1937, Tỉnh ủy cho ra bản tin lấy tên “Tranh Đấu”, ông là một trong những cây viết xuất sắc. Các bài viết của ông truyền tải sâu sắc các nội dung ca ngợi tinh thần đấu tranh anh dũng của những đồng chí cách mạng đã xả thân vì độc lập, tự do cho Tổ quốc; đồng thời tố cáo những tội ác của thực dân Pháp đối với đồng bào ta và kêu gọi nhân dân đứng lên lập hội đấu tranh.
Tháng 4-1939, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Cống chủ trì hội nghị mở rộng để bàn biện pháp phát động quần chúng phía nam đấu tranh, vừa tăng cường công tác công vận ở các đồn điền phía bắc. Sau hội nghị, đồng chí cùng với Nguyễn Văn Tiết tích cực xây dựng phong trào công nhân làm chỗ dựa để phát triển lực lượng cách mạng. Nhờ bám sát phong trào, cuối năm 1939, đồng chí đã xây dựng được nhiều cơ sở quần chúng nòng cốt ở các đồn điền Thuận Lợi (Phú Riềng cũ) và Quản Lợi.
Tháng 7-1940, Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ chủ trương khởi nghĩa trên toàn Nam bộ. Thực hiện chủ trương của Xứ ủy, tỉnh Thủ Dầu Một thành lập Ban khởi nghĩa do đồng chí Hồ Văn Cống, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban. Ngày 23-11-1940, cùng với nhân dân Nam bộ, dưới sự lãnh đạo của Ban khởi nghĩa tỉnh và các huyện, xã, quần chúng nhân dân nhiều nơi trong tỉnh ở Lái Thiêu, Châu Thành, Bến Cát (Tân Uyên lúc đó thuộc Biên Hòa) đồng loạt nổi dậy phá hoại an ninh, trật tự chính quyền địa phương của địch. Đồng bào các làng Thuận Giao, An Sơn, An Thạnh, Bình Hòa, Bình Nhâm, Tân Thới… tham dự mít-tinh rất đông. Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện ở làng Thuận Giao. Nhiều truyền đơn, khẩu hiệu chống chiến tranh, chống khủng bố, chống sưu cao thuế nặng dán khắp nơi. Thực dân Pháp rất lo sợ và ra sức đàn áp. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ thất bại.
Sau khi cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra, thực dân Pháp thực hiện chính sách đàn áp tàn bạo đối với cuộc khởi nghĩa. Trên địa bàn Thủ Dầu Một, tỉnh trưởng Vôn (Wolf) đã đàn áp dữ dội những người cộng sản và yêu nước ở các làng, đồn điền cao su. Đồng chí Hồ Văn Cống phải rút về Dầu Tiếng ẩn náu được nhân dân đùm bọc che chở, đồng chí tiếp tục hoạt động. Bọn mật thám tổ chức theo dõi, sau Tết Nguyên đán 1941, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, đồng chí bị tòa đại hình kết án 5 năm tù và đày đi Côn Đảo, đến năm 1943 đồng chí hy sinh. Trong những ngày tù đày đến lúc hy sinh, đồng chí vẫn giữ tròn khí tiết người Cộng sản.
HỒ THỊ NAM