Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Luông (Sáu Phát): Người cộng sản mẫu mực, có tư duy độc lập, sáng tạo

Thứ tư, ngày 06/02/2013

   Ông Nguyễn Văn Luông trong một lần tiếp Thủ tướng Phan Văn Khải về thăm tỉnh Sông Bé

Vùng “Tân Khánh Bà Trà” và làng Phước Thái xưa là cái nôi của nền võ học dân tộc, nhân dân ở đây có truyền thống trọng nghĩa cứu giúp người bị nạn và đấu tranh chống cái ác, thời niên thiếu Nguyễn Văn Luông rất khâm phục tinh thần yêu nước của các sĩ phu, văn thân, chí sĩ xả thân vì nước. Chứng kiến cảnh khốn khổ của người dân mất nước, tinh thần đấu tranh bất khuất của ông cha, ông dần dần phát hiện ra rằng, dưới ách thống trị của giặc ngoại xâm, nhân dân Việt Nam không phải chỉ có cam chịu mà còn có sự vùng lên bất khuất, được biểu hiện qua các phong trào quần chúng chống lại bạo quyền, bao gồm đông đảo các tầng lớp công nhân, nông dân đến người tiểu thương ở các chợ, từ những người đạp xích lô đến các ký giả, nhà văn, từ em bé bán báo đến học sinh, sinh viên… Tất cả những sự kiện ấy đã hun đúc trong ông những hoài bão lớn lao, thôi thúc ông nối gót các tiền bối cách mạng.

Cách mạng Tháng 8 thành công đã thực sự giải phóng cho nhân dân ta thoát khỏi cuộc đời nô lệ của ngưởi dân mất nước. Không khí sôi sục của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám, những ngày độc lập ngắn ngủi diễn ra trên quê hương, rồi giặc Pháp mưu toan trở lại, cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta bắt đầu với những chết chóc, tàn phá diễn ra khắp nơi. Cùng với hàng ngàn người con đất Thủ, ông tham gia chiến đấu bảo vệ làng mạc, bảo vệ quê hương và lập nhiều chiến công xuất sắc.

Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai, ông đã được Đảng phân công thực hiện nhiệm vụ trên nhiều lỉnh vực từ dân vận, binh vận, lực lượng vũ trang… Ở mặt trận nào ông cũng thể hiện bản lỉnh của người cán bộ đầu tàu gương mẫu được đồng đội và nhân dân tin yêu, ông đã bị địch bắt tù đày qua nhiều nhà lao ở miền Nam. Bằng các chiến công dồn dập mà đỉnh điểm là chiến thắng lừng lẩy tại Điện Biện Phủ, nhân dân ta đã đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Nhiều cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và cán bộ các cơ quan dân - chính Đảng đều được tập kết ra Bắc. Ông nằm trong danh sách được địch theo dõi rất sát tại điểm tập kết Cà Mau, nhưng bằng mưu trí của bản thân và tổ chức cho nên danh sách ra đi nhưng con người ở lại theo sự phân công của Đảng.

Bước vào cuộc chiến đấu mới, kẻ thù lần này có tiềm lực mạnh gấp nhiều lần thực dân cũ, địch đã trả thù người kháng chiến cũ, tiêu diệt phong trào cách mạng miền Nam, chấp hành chỉ thị của cấp trên ông là một trong những người đầu tiên huy động; tập hợp để xây dựng lại lực lượng vũ trang khu Đông Nam bộ, trải qua các giai đoạn khó khăn, gian khổ, 1957-1959, những năm 1969-1970, vào những thời điểm cam go của cách mạng, đồng chí với trọng trách được giao từ tỉnh ủy, khu ủy trên nhiều chiến trường miền Đông Nam bộ đã cùng với cán bộ, đảng viên tại các địa bàn công tác dựa vào dân để phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân; lãnh đạo quân dân đẩy mạnh các cuộc đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận đưa phong trào cách mạng vượt qua những chặng đường khó khăn, thử thách, từng bước xây dựng phát triển lực lượng cách mạng, xây dựng thế tấn công liên tục làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn của địch trên chiến trường.

Hiệp định Paris đựơc ký kết (ngày 27-1-1973), đã tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh giai phóng miền Nam thống nhất đất nước. Nhưng với bản chất ngoan cố, xảo quyệt và hiếu chiến, Mỹ ồ ạt viện trợ vũ khí, phương tiện chiến tranh và tiền bạc tiếp sức cho ngụy quân, ngụy quyền thay quân Mỹ tiếp tục kéo dài cuộc chiến tranh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân dân Thủ Dầu Một quyết định không mơ hồ ảo tưởng trước Hiệp định Paris, quyết tâm giữ vững thành quả cách mạng, tạo thế và lực mới, kiên quyết đánh bại các cuộc lấn chiếm của địch, giữ vững vùng giải phóng.

Chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô 1974-1975, từ cuối năm 1974, Trung ương Cục quyết định giải thể tỉnh Tân Phú, giao huyện Tân Uyên, Phú Giáo và Dĩ An về tỉnh Thủ Dầu Một. Đồng chí Nguyễn Văn Luông lúc này là Bí thư Tỉnh ủy Tân Phú được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một thay đồng chí Nguyễn Văn Trung, Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Thường vụ Khu ủy về Khu ủy miền Đông. Sau khi đảm nhiệm cương vị mới ông chỉ đạo quân dân trong tỉnh chuẩn bị tài lực, vật lực, tiếp tục tổ chức lực lượng tấn công trên toàn địa bàn tỉnh tiêu diệt và làm tan rã hàng ngàn tên địch, phá hỏng bộ máy kìm kẹp của địch ở nhiều nơi, mở rộng vùng giải phóng, tạo thời cơ cho chiến dịch 1974-1975 đi đến kết thúc thắng lợi.

Cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, là Khu ủy viên Khu ủy miền Đông, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng ông cùng với Ban chỉ đạo, chỉ huy tiền phương lãnh đạo quân dân trong tỉnh nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chủ lực và nhân dân trong tỉnh, liên tục tiến công và nổi dậy, đánh chiếm toàn bộ các căn cứ quân sự, diệt và làm tan rã hoàn toàn lực lượng quân ngụy, đập tan bộ máy ngụy quyền từ tỉnh đến huyện, xã, ấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân.

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đồng chí Nguyễn Văn Luông được Đảng tín nhiệm giao giữ nhiều trọng trách: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sông Bé (1976-1979); Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa VI tỉnh Sông Bé (1976-1981); Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé (1980-1992). Ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của tỉnh Sông Bé.

Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Luông là tấm gương cao đẹp của một người cộng sản mẫu mực, thể hiện rõ tư duy độc lập, sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc; luôn tin tưởng vào sức mạnh của quần chúng nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân; phấn đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp cách mạng của tỉnh nhà, góp phần xây dựng Đảng bộ Bình Dương ngày càng lớn mạnh. Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý: Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất; Huân chương Quân công hạng nhất; Huân chương giải phóng hạng nhất, nhì, ba…

Do tuổi cao sức yếu, ông từ trần ngày 11-10-2008 tại quê hương Bình Dương, thọ 84 tuổi.

 HỒ THỊ NAM