Bí thư Tỉnh ủy khảo sát thực tế vườn cây có múi tại huyện Bắc Tân Uyên

Thứ tư, ngày 02/08/2017

(BDO) Ngày 2-8, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo các sở ngành đã đến khảo sát thực tế vườn cây có múi tại huyện Bắc Tân Uyên.

Cây có múi đã phát triển mạnh tại huyện Bắc Tân Uyên những năm gần đây do phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu. Từ vài chục hecta ban đầu được nông dân trồng tại 2 xã Hiếu Liêm, Lạc An nay đã phát triển ra 6 xã trong huyện với diện tích 1950 ha, chủ yếu là cây bưởi, cam, quýt. Ngoài việc áp dụng công nghệ cao vào việc tưới tiêu, bón phân, phòng ngừa sâu bệnh, nông dân còn sáng tạo ra nhiều phương thức canh tác khác như cho trái nghịch vụ, phủ bạt để kích thích cây ra bông ra trái, làm bẫy côn trùng thay cho dùng thuốc bảo vệ thực vật…

Do phù hợp với đất đai, nguồn nước, năng suất cây có múi tại Bắc Tân Uyên đạt từ 35 đến 40 tấn/ha. Bên cạnh một số vườn cây đạt tiêu chuẩn VietGap được thương lái đến tận vườn thu mua, xuất khẩu, các nhà vườn còn lại vẫn còn sản xuất tự phát, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định. Đây là nguy cơ dẫn đến kịch bản “Được giá thì mất mùa – Được mùa thì mất giá”; thị trường cần số lượng lớn nhưng năng lực sản xuất hiện tại chưa đáp ứng, khiến nông dân khác đổ xô đi trồng dẫn đến khó kiểm soát chất lượng…

Ông Trần Văn Nam (bìa phải), Ủy viên Trung ương Đảng , Bí Thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thăm Trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến ở  xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên.

Ông Trần Văn Nam ( bìa phải ), Ủy viên Trung ương Đảng , Bí Thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thăm vườn cam Vinh của ông Lâm Thành Thương ở xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên

Để giải bài toàn này, lãnh đạo các ngành chức năng đề nghị: Về lâu dài cần phải điều tra thoái hóa đất do thời gian giao đất ngắn, nông dân đầu tư vốn lớn nên tập trung khai thác, vắt kiệt độ màu, độ phì nhiêu của đất trong thời gian ngắn. Cần xây dựng thương hiệu gắn với chuỗi sản xuất để ngành công thương hỗ trợ xúc tiến thương mại.

Kết luân buổi làm việc, ông Trần Văn Nam yêu cầu: Muốn làm được thương hiệu “Cây có múi Bắc Tân Uyên” thì phải giải đáp được yêu cầu “Cây có múi Bắc Tân Uyên” khác gì những cây có múi khác đã có tên tuổi như: bưởi Năm Roi, bưởi Tân Triều, cam Canh, cam Vinh (Nghệ An)…để từ đó quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm xác lập bản đồ thổ nhưỡng để quy hoạch vùng sản xuất đặc biệt gắn với sắp xếp lại hệ thống giao thông đi lại...Lâu nay chúng ta chỉ tập trung xúc tiến đầu tư mà chưa tập trung xúc tiến thương mại. Trong khi cây có múi là giống cây đặc trưng của vùng nhiệt đới cung cấp nhiều năng lượng và là nhu cầu cần thiết hàng ngày của con người. Với diện tích, sản lượng như trên là chưa thấm vào đâu so với như cầu thị trường nhưng phải bảo đảm sản xuất sạch theo hướng nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao. Cùng với việc tạo dựng nền tảng hạ tầng sản xuất hiện đại, Sở Công thương sẽ thực hiện nhiệm vụ quảng bá, hỗ trợ tìm kiếm thị trường, ký hơp đồng sản xuất ổn định. Với tầm nhìn và chiến lược đó Bắc Tân Uyên sẽ phát triển thành vùng công nghiệp xanh của tỉnh.

DUY CHÍ