Bí quyết dạy con chi tiêu tiền bạc một cách tiết kiệm

Thứ sáu, ngày 27/05/2022

(BDO) Dạy con học cách chi tiêu từ sớm tưởng chừng là việc không quan trọng nhưng lại quyết định rất lớn đến tính cách sau này của mỗi đứa trẻ.

Ảnh minh  họa

1. Tập thói quen tiết kiệm

Hãy chỉ cho con tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền. Vì không phải người lớn, những đứa trẻ chưa từng trải qua những vấp ngã hay thực tế khắc nghiệt của cuộc sống, chúng sẽ không biết cách tiết kiệm ổn định.

Để dạy trẻ tính tiết kiệm, hình thành thói quen chỉ mua những thứ con cần từ tiền chúng tiết kiệm được hàng tháng. Ví dụ, bạn cho con 5 ngàn mỗi sáng và con bạn muốn mua một món đồ chơi có giá 250 ngàn. Hãy yêu cầu con tiết kiệm đủ số tiền nếu muốn sở hữu món đồ. Điều này dạy trẻ hiểu được tầm quan trọng và lợi ích của việc tiết kiệm, đồng thời cũng rèn luyện cho trẻ đức tính kiên nhẫn. Để khuyến khích tiết kiệm cho các mục tiêu ngắn hạn của các con, cha mẹ tốt nhất nên đặt một hình ảnh của đồ chơi hoặc vật phẩm mà chúng mong muốn trên mỗi chiếc hũ. Đó được coi như  một lời nhắc nhở trực quan về những thứ các con đang muốn có được.

2. Mở tài khoản riêng cho con

Khi con bạn đã dành dụm được một khoản khá lớn từ việc nuôi heo đất, hãy đưa chúng đến ngân hàng và mở tài khoản tiết kiệm cá nhân. Thậm chí cha mẹ nên để các con được đếm số tiền sẽ được gửi, vì khi đó chúng có thể hiểu rõ hơn về số tiền bản thân đang có.

Tuy nhiên cũng đừng quá nâng cao giá trị số tiền chúng có, cha mẹ nên nhớ việc tiết kiệm này phải duy trì liên tục, phải đảm bảo được mục tiêu mà chúng hướng tới. Để từ đó sẽ hình thành nên một nguồn động lực lớn cho con bạn nếu chúng hiểu rằng tiền của chúng sẽ tăng lên theo thời gian miễn là không sử dụng.

3. Nói với con tiền từ đâu mà có

Hai nhà tâm lý học nổi tiếng của Ý Anna Berti và Anna Bombi nhận xét trẻ trong độ tuổi từ bốn đến năm thường nghĩ rằng mọi người ai cũng có tiền và ngân hàng là nơi phát tiền cho mọi người sử dụng. Phần lớn trẻ chỉ được nhìn thấy bố mẹ, người thân đến quầy giao dịch ngân hàng hay cây ATM rút tiền, nên không có gì ngạc nhiên khi trẻ có suy nghĩ như vậy.

Hãy từ từ giải thích cho trẻ hiểu tiền thực sự từ đâu mà có. Nói với trẻ về công việc mà bạn làm, bạn được trả lương như thế nào, vì sao ngân hàng đưa tiền cho bạn. Hãy giải thích thời gian ban ngày bạn không ở bên con là để đi làm, để kiếm tiền ra sao. Bằng cách tâm sự, con của bạn sẽ dần hiểu được tiền có được là dựa trên lao động, công sức; chính vì thế không nên phí phạm hay sử dụng hoang phí đồng tiền kiếm được.

4. Cho phép con học hỏi từ sai lầm

Dạy con về tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền là một quá trình. Bạn phải thừa nhận sự thật rằng những sai lầm sẽ rất dễ xảy ra. Ví dụ, con bạn có thể tiêu quá nhiều tiền cho một món đồ không cần thiết. Mặc dù có thể dễ dàng hướng con khỏi sai lầm này, nhưng đôi khi tốt hơn hết bạn nên ngồi lại và để nó xảy ra. Nó sẽ dạy cho con bạn biết rằng chúng nên quan tâm đến tiền của mình hơn là tiêu tiền vào những thứ mà chúng không cần đến.

Điều này có thể khó khăn cho chúng ta với tư cách là cha mẹ. Suy cho cùng, tiền bạc là có giá trị, và bạn không muốn thấy con mình lạm dụng nó. Tuy nhiên, những sai lầm này sẽ dẫn đến những bài học cuộc sống quý giá. Bạn sẽ thấy rằng con bạn sẽ không bị cám dỗ để làm điều này nữa. Nó khuyến khích con suy nghĩ nhiều hơn về thói quen chi tiêu của mình. Nếu con mắc phải quá nhiều sai lầm, đã đến lúc phải bước vào và giải quyết chúng.

5. Dạy con cách lập ngân sách

Ngoài việc đặt ra các mục tiêu tiết kiệm, điều quan trọng là con bạn phải hiểu cách chúng có thể đạt được mục tiêu đó. Do đó, sẽ rất hữu ích nếu bạn có thể dạy họ cách lập ngân sách. Có rất nhiều ứng dụng lập ngân sách mà cả bạn và con bạn có thể khám phá và sử dụng một cách miễn phí. Hãy chỉ cho con bạn cách bạn phân chia ngân sách mỗi tháng giữa các khoản cần thiết.

Cho phép con bạn sử dụng các ứng dụng lập ngân sách cũng dạy chúng theo dõi chi tiêu của mình. Con bạn sẽ nhanh chóng hiểu rằng chúng cần lập kế hoạch tài chính để duy trì thành công ngân sách cân bằng. Tiến hành một số nghiên cứu về các ứng dụng lập ngân sách hiện có sẵn cho bạn. Cho dù bạn có máy tính bảng, điện thoại thông minh hay Android, có rất nhiều thứ mà con bạn có thể sử dụng để giúp chúng trở thành những nhà hoạch định tài chính tốt hơn trong tương lai./.

Theo VOV

Từ khóa: