Bi kịch đứa con rơi!
Lặng lẽ, H. đưa đôi mắt thất thần nhìn theo bóng dáng người mẹ đang lê từng bước chân một cách nặng nhọc đến chiếc xe bít bùng đang đậu ở cuối khuôn viên Tòa án với đôi tay bị còng. Có lẽ đây là những giây phút cuối cùng trong cuộc đời của H. được nhìn thấy hình ảnh người đã sinh ra mình. Dường như H. muốn níu thời gian dừng lại, nhưng vô vọng! Cánh cửa xe mở ra... lạnh lùng khép lại... rồi từ từ lăn bánh...
Với H. thì không có tuổi thơ! Người cha nhẫn tâm bỏ rơi hai mẹ con khi H. vừa bập bẹ tập nói. Sự thù hận đối với kẻ bạc tình từ người mẹ lại trút lên đầu đứa trẻ thơ vô tội. Thế giới xung quanh giờ đây chỉ còn là sự hằn học của người mẹ, H. hoảng sợ bỏ nhà đi bụi với những đàn anh “đầu trộm đuôi cướp”. Sống lang thang đầu đường cuối phố dễ thường dẫn đến giới cặn bã của cuộc đời: H. chơi “hàng trắng” từ lúc lên 10! Đến khi nhận ra sự phi lý của mình, người mẹ tìm được thì H. đã trở thành con nghiện ma túy nặng và đã nhiễm HIV. Cho rằng chính mình đã hủy hoại cuộc đời con, bà hối hả bù đắp tình thương bằng cách... mua ma túy cho H. sử dụng. Tài sản trong nhà vì vậy cũng lần lượt tan theo làn khói trắng, bà bảo H. tự xoay xở bằng cách mua bán lẻ ma túy để thỏa mãn cơn ghiền vật vã! Thế là H. bán bên trong; bà ngồi cảnh giới ở bên ngoài; những “khách hàng” quen mặt tìm đến thì bà mới cho vào. Việc mua bán diễn ra trót lọt suốt một thời gian dài. Mãi cho đến hôm có con nghiện bị bắt và đã khai ra nơi mua ma túy.
Với thân hình khô đét, vành môi thâm sì, đôi mắt trắng dã nhìn H. mọi người dễ cảm nhận: sức khỏe của H. đã suy kiệt trầm trọng. Trước vành móng ngựa, H. thú nhận tất cả hành vi phạm tội của mình với một thái độ thản nhiên đến mức lạnh lùng, chấp nhận mọi sự trừng phạt của pháp luật mà không hề quanh co, chối tội. Có phải H. đã nhận thức ra những hành vi sai trái của mình? Không phải thế! Ngày bị bắt thì H. bước sang tuổi 14 - vừa đủ tuổi bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ở độ tuổi đó, những đứa trẻ vẫn còn hồn nhiên trong thế giới tuổi thơ nhưng với H. thì đã bước vào những tháng ngày cuối cùng trong cuộc đời khi đã nhiễm HIV ở giai đoạn cuối sắp chuyển sang AIDS. Sự trừng phạt của pháp luật đối với H. giờ đây không còn có giá trị giáo dục, răn đe. Hai năm vào trường giáo dưỡng có nghĩa gì đâu đối với một thiếu niên đang mang trong mình án tử!? Nguyện vọng của H. thiết tha xin giảm nhẹ hình phạt dành cho mẹ.
Người mẹ chịu trách nhiệm chính trong vụ án này: xúi giục trẻ vị thành niên phạm tội. Bà ta khóc nức nở! Đằng sau những giọt nước mắt liệu có ẩn chứa những nỗi niềm riêng? Bà hoảng sợ vì bị pháp luật trừng phạt hay khóc than cho số phận của mình? Những lời lý giải của bà trước tòa cũng có phần nào dễ cảm thông cho dù rất tiêu cực: biết con không còn sống trên cõi đời này bao lâu nữa nên dù có đưa đi cai nghiện cũng chỉ hoài công; vì vậy mà đáp ứng cơn nghiện vật vã của nó để mong chuộc lại chút lỗi lầm! Nhưng chính điều đó đã đưa cả hai mẹ con bà ra vành móng ngựa. Bản án mà tòa xử phạt chỉ còn tính hình thức! Cuộc sống của bà chẳng còn gì để mà tha thiết khi hai người thân nhất trong cuộc đời bà đã bỏ đi. Người chồng ra đi vì bội bạc; đứa con thơ thì sắp giã từ cõi đời vì căn bệnh thế kỷ. Hy vọng 8 năm nhìn qua song sắt của nhà tù có thể giúp cho bà ta nguôi ngoai phần nào những sóng gió của cuộc đời.
Ai là người có lỗi trong vụ án này? Phải chăng đó là người cha? Từ một anh nông dân chất phác bỗng dưng trở thành tỷ phú: khi mấy hecta ruộng của gia đình lọt vào vùng quy hoạch khu đô thị. Ông ta lao vào kinh doanh bất động sản; gặp thời trong “cơn sốt đất” đã nhanh chóng đưa ông ta vào hàng “đại gia” có máu mặt. Khi đã tập tễnh bước chân vào “giới thượng lưu” thì ông ta cảm thấy người phụ nữ ngày xưa đã từng “thề non hẹn biển” với mình giờ trở nên quê mùa, cục mịch. Ở “đẳng cấp” của ông thì cần phải có người “bạn đời” sang trọng, quý phái thì mới khẳng định được mình. Và ông ta đã quyết định ra đi! Sự bội bạc từ toan tính của ông chính là nguyên nhân trực tiếp đẩy số phận của hai con người rơi nhanh vào vực thẳm của cuộc đời. Hôm nay, ông ta không có mặt ở Tòa để chứng kiến cảnh pháp luật trừng phạt hai người mà chính ông đã đẩy họ sa chân vào con đường phạm tội. Nếu có dự khán phiên tòa thì có lẽ ông ta sẽ tham gia với tư cách đại diện cho bị cáo: giữa ông với thằng con vẫn còn ràng buộc nhau bởi tình máu thịt? Dù ông ta có mặt hay không thì việc đó chẳng phải là mối bận tâm. Nhưng điều mà mọi người có mặt trong phiên tòa hôm ấy đều khẳng định: chính ông ta là người đã gây ra bi kịch khi bỏ rơi giọt máu của mình!.
KIẾN GIANG - ANH DƯƠNG