Bi hài chồng 'vượt cạn' cùng vợ

Thứ hai, ngày 18/07/2011

Khi các bác sĩ đang căng thẳng giúp chị vợ rặn thì anh chồng bỗng lăn đùng ngất xỉu khiến kíp trực cuống cuồng, vừa đỡ đẻ vừa phải cấp cứu cho người nhà sản phụ.

Hiện nay, tại Hà Nội và TP.HCM, một số bệnh viện đã cho phép một người thân được vào phòng sinh để động viên tinh thần sản phụ. Và xung quanh chuyện các ông chồng đi "vượt cạn" cùng vợ cũng lắm chuyện buồn vui.

Chị Thuận (giám đốc nhân sự một công ty truyền thông ở Hà Nội) kể, lần sinh đầu, chị cảm thấy vô cùng sợ hãi khi một mình vật vã trong phòng đẻ, còn người nhà đợi ở nơi khác. Vì thế, lần sinh thứ hai, cách đây mấy tháng, chị đã đăng ký gói đẻ dịch vụ ở Bệnh viện phụ sản Hà Nội, để chồng được vào phòng sinh cùng.

"Anh xã mình lúc mới vào thì mặt đỏ tía tai vì ngượng, nhưng sau đó lại tái mét khi thấy vợ oằn mình đau đớn. Mình thì cảm giác an lòng và ấm áp vô cùng khi được anh siết chặt tay. Giây phút mình nhớ mãi là khi anh ấy bế con đến bên, hai vợ chồng nhìn nhau rồi nhìn con mà trào nước mắt vì hạnh phúc. Đó là lần đầu tiên mình thấy anh xã khóc", chị chia sẻ.

  Ông bố trẻ ngấp ngóng chờ vợ đẻ ngoài hành lang Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Chị Thuận cho biết, sau lần sinh này, chị thấy chồng thương vợ hơn. Dù cả ngày đi làm mệt, đêm anh vẫn thức dậy vài lần bế con cho vợ ngủ hay pha cho vợ ly sữa nóng. "Anh ấy bảo, vào phòng sinh mới biết vợ cực thế nào nên muốn san sẻ với mình những việc có thể", chị nói.

Bác sĩ sản phụ khoa Đào Thị Hợp, Bệnh viện Quốc tế Việt Pháp, Hà Nội cho biết, khi quyết định một người thân ở bên cạnh khi sinh, đa số chị em đều chọn chồng, chỉ một số ít nhờ mẹ đẻ, mẹ chồng hay một người bạn thân.

Theo bác sĩ, việc người chồng tham gia ca sinh cùng vợ mang nhiều ý nghĩa. Chị em sẽ cảm thấy vững vàng, yên tâm hơn khi có chồng ở bên chia sẻ những giây phút khó khăn, đau đớn nhất. Chứng kiến cảnh vợ vượt cạn khó nhọc, người đàn ông cũng thêm cảm thông, yêu thương bạn đời. Không chỉ thế, việc tận mắt thấy con ra đời, tự tay cắt rốn cho con cũng làm phái mạnh cảm thấy gắn bó và có trách nhiệm với sinh linh bé bỏng của mình hơn. Đó cũng là giây phút để hai vợ chồng hân hoan chào đón "sản phẩm" từ tình yêu, sự vun đắp của cả hai người.

Bà Hợp cho biết, đa số các ông chồng theo vợ vào phòng sinh đều rất thương, xúc động khi vợ đau đớn và vô cùng hạnh phúc lúc đón con chào đời. Tuy nhiên, cũng không ít người lại tỏ ra sợ hãi. Có trường hợp, khi các bác sĩ đang tập trung giúp sản phụ vượt cạn thì anh chồng vì quá sợ, căng thẳng, nên đã ngất xỉu, khiến kíp trực phải quay sang cấp cứu cho anh.

Anh Hoàng (Núi Trúc, Hà Nội) đến giờ thỉnh thoảng lại bị vợ và cả nhà giễu khi kể lại lần anh "đi đẻ".

Chuyện là, hai năm trước, vốn tính cũng sợ máu và khá nhát, nhưng vì thương và sợ vợ giận, anh đã đồng ý cùng chị vào phòng sinh. Khi ngồi bên vợ, anh đã thấy ngột ngạt, khó thở vì không khí căng thẳng, sặc mùi thuốc sát trùng nhưng vẫn cố chịu. Anh cố gắng nắm thật chặt tay vợ rồi nhìn... lên trần nhà. Rồi tiếng khóc của con cũng vang lên. Anh thở phào nhẹ nhõm.

Nhưng ngay lúc đó, khi bác sĩ bế em bé đỏ hỏn tới, còn dịch ối bao quanh, bảo bố cắt rốn cho con, anh Hoàng tái mặt, hốt hoảng chạy ra khỏi phòng rồi nôn thốc nôn tháo ở hành lang. Sau đó, anh đứng khóc tu tu khiến hai bà mẹ và người chị vợ đang đợi bên ngoài hoảng hồn chạy tới, cũng khóc ầm ĩ theo vì tưởng vợ anh và em bé có chuyện chẳng lành.

Còn chị Thanh (Tam Trinh, Hà Nội) đến giờ vẫn không nhịn được cười mỗi lần nghĩ tới cảnh bị ông xã vỗ bôm bốp vào mặt khi đang nằm trên giường đẻ. "Mình nhát đau nên lúc mới mở được vài phân đã kêu gào thảm thiết, đến nỗi mệt quá lả đi. Ông xã ngồi bên cạnh sợ quá, tưởng vợ 'đi', cứ thế vừa lay vừa tát mình. Sau đó, mình sinh khó, kiệt sức, chồng thấy thương quá nên đã nằn nỉ xin bác sĩ mổ cho vợ", chị Thanh kể lại.

Chị cho biết, khi ở trong phòng mổ, thấy chồng vào theo, chị không còn cảm giác sợ hãi gì nữa, dù vốn rất "kỵ" dao kéo. Sau bận sinh đó, chị cũng cảm thấy hai vợ chồng gắn bó với nhau hơn.

Dù vậy, không phải người vợ nào cũng được chồng chia sẻ, cảm thông như vậy. Sau khi sinh em bé đầu, chị Ngọc (Cầu Giấy, Hà Nội) thấy chồng lạnh nhạt chuyện chăn gối. Anh thường tìm cớ lảng tránh gần vợ khiến chị tủi thân. Một lần, vô tình nghe được câu chuyện phiếm của chồng với mấy người bạn tụ tập ở nhà mình, chị mới biết được nguyên do và choáng váng: "Vợ ông sắp đẻ hả? Ông chớ dại mà vào phòng sinh cùng nhá, ghê lắm, rồi hết người nọ mó vào, người kia rạch ra. Tôi xem xong mà chả dám gần vợ nữa".

"Mình đã hỏi thẳng lại việc này và anh ấy thú nhận vì những ám ảnh khi nhìn mình sinh mà không còn muốn đụng chạm vào 'chỗ ấy' nữa. Mình cảm giác hụt hẫng và đau lòng vô cùng, thấy chồng sao xa lạ quá", chị Ngọc thổ lộ.

Bác sĩ Đào Thị Hợp cho biết, đúng là có những người đàn ông mang cảm xúc tiêu cực khi chứng kiến vợ sinh, nhất là nếu nhìn kỹ cảnh em bé chào đời, bác sĩ thao tác... Và có lẽ, cũng vì lo sợ điều này, không ít phụ nữ nhất quyết không cho chồng ở bên cạnh lúc mình vượt cạn. Tuy nhiên, theo bà, đó chỉ là những trường hợp cá biệt, do tính cách, tâm lý và cả sự hạn chế về hiểu biết của người đàn ông về thai nghén cũng như việc sinh đẻ gây nên.

"Khi vợ mang thai, nếu người chồng quan tâm, cùng vợ đọc sách, tìm hiểu những kiến thức về thai sản, thậm chí tham gia các khóa học trước sinh, biết rõ một quá trình sinh diễn ra như thế nào, có sự yêu thương, chia sẻ với bạn đời... thì chắc chắn họ sẽ không nảy sinh những cảm giác tiêu cực mà chỉ yêu thương, trân trọng vợ hơn", bà Hợp nói.

Theo bà, thông thường, trong các ca sinh, bác sĩ thường chỉ dẫn người chồng ngồi phía trên, bên cạnh vợ và sẽ che chắn phía dưới để mọi việc diễn ra một cách tế nhị. Theo bà, việc có người thân bên cạnh không chỉ giúp cho sản phụ yên tâm hơn mà bác sĩ cũng có điều kiện giải thích luôn với người nhà về những sự cố bất ngờ xảy ra.

Theo VNE

* Tên một số nhân vật đã được thay đổi