Bị cáo Nguyễn Quang Tuấn bị đề nghị mức án từ 4-5 năm tù
(BDO)
Các bị cáo tại phiên toà xét xử sơ thẩm.
Sáng 18/4, phiên tòa xét xử nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn và đồng phạm chuyển sang phần tranh luận.
Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 222, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, 5 bị cáo nguyên cán bộ, lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội gồm Nguyễn Quang Tuấn (sinh năm 1967, nguyên Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng mua sắm Bệnh viện) từ 4-5 năm tù; Hoàng Thị Ngọc Hưởng (sinh năm 1961, nguyên Phó Giám đốc) 30-36 tháng tù; Nguyễn Thị Dung Hạnh (sinh năm 1969, nguyên Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán) 24-30 tháng tù; Đoàn Trọng Bình (sinh năm 1960) và Nghiêm Tuấn Linh (sinh năm 1980), đều nguyên là Phó Trưởng phòng vật tư y tế, lần lượt bị đề nghị các mức án 30-36 tháng tù và 36-42 tháng tù.
Ba bị cáo thuộc Công ty cổ phần thiết bị y tế Hoàng Nga (viết tắt là Công ty Hoàng Nga) gồm Nguyễn Đức Đảng (sinh năm 1976, Chủ tịch Hội đồng quản trị) từ 3 năm 6 tháng đến 4 năm tù, Phạm Huy Lập (sinh năm 1952, Giám đốc) 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, Phạm Thị Kim Oanh (sinh năm 1981, Kế toán Trưởng) 24-30 tháng tù.
Bị cáo Phan Tuấn Đạt (sinh năm 1967) nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Phó Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ sinh học Kim Hòa Phát (viết tắt là Công ty Kim Hòa Phát) từ 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Ba bị cáo thuộc Công ty cổ phần đầu tư và định giá AIC Việt Nam (viết tắt là Công ty định giá AIC) gồm Trần Phú Hưng (sinh năm 1976, Phó Tổng Giám đốc) từ 30-36 tháng tù; Nguyễn Hồng Dũng (sinh năm 1982, Phó Tổng Giám đốc, Thẩm định viên) và Nguyễn Trung Dũng (sinh năm 1989, nhân viên thẩm định giá) cùng bị đề nghị từ 24-30 tháng tù.
Bản luận tội xác định, từ năm 2015, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn có chủ trương cho một số doanh nghiệp được ký gửi vật tư tại bệnh viện, để bệnh viện sử dụng trước, sau đó chỉ đạo cấp dưới hợp thức, hoàn thiện các thủ tục cho doanh nghiệp trúng thầu để thanh toán.
Do có mối quan hệ quen biết từ trước, Nguyễn Đức Đảng và Phan Tuấn Đạt đến đặt vấn đề và được Nguyễn Quang Tuấn đồng ý cho Công ty Hoàng Nga, Công ty Kim Hòa Phát được bán các mặt hàng vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch vào bệnh viện với đơn giá theo thỏa thuận giữa Nguyễn Quang Tuấn với Nguyễn Đức Đảng, Phan Tuấn Đạt.
Trong năm 2016-2017, Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức đấu thầu riêng 5 gói thầu chuyên mua sắm vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch, tổng trị giá hơn 595 tỷ đồng. Trong đó, gói thầu số 5 năm 2016 tổ chức theo hình thức đấu thầu rộng rãi 223 mặt hàng, có trị giá trên 247 tỷ đồng; 4 gói thầu năm 2017 được áp dụng theo hình thức chỉ định thầu rút gọn mua 538 mặt hàng, trị giá gần 348 tỷ đồng. Công ty Hoàng Nga đã tham gia và trúng 5 gói thầu, Công ty Kim Hòa Phát trúng 4 gói thầu.
Để hợp thức hồ sơ thầu mua vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch của Công ty Hoàng Nga, Công ty Kim Hòa Phát, các bị cáo tại Bệnh viện Tim Hà Nội đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu. Những người này đã thông đồng với bị cáo tại Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát thực hiện nhiều sai phạm từ khâu lập hồ sơ thầu, đơn giá, chủng loại, số lượng Stent và các vật tư khác mà Công ty Hoàng Nga, Công ty Kim Hòa Phát sẽ bán cho Bệnh viện Tim Hà Nội.
Sau đó, các bị cáo tại Bệnh viện Tim Hà Nội thông đồng với các bị cáo tại Công ty định giá AIC ban hành Chứng thư thẩm định giá theo yêu cầu và giá ấn định của Bệnh viện Tim Hà Nội tại kế hoạch mua sắm đã được Nguyễn Quang Tuấn phê duyệt, đảm bảo cho Công ty Hoàng Nga, Công ty Kim Hòa Phát trúng thầu, bán vật tư y tế trái quy định Luật đấu thầu, gây thiệt hại cho Bệnh viện Tim Hà Nội, Quỹ Bảo hiểm xã hội hơn 53,6 tỷ đồng.
Công tố viên nhận định, Bản cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố các bị cáo trong vụ án về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" là đúng.
Trong số các bị cáo, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn giữ chức vụ lãnh đạo cao nhất, có hiểu biết trong công tác chuyên môn và thủ tục đấu thầu, chịu trách nhiệm chính đối với toàn bộ hoạt động của Bệnh viện Tim Hà Nội… Do vậy, bị cáo Tuấn đóng vai trò chủ mưu, phải chịu trách nhiệm cao nhất với các sai phạm diễn ra nhiều lần. Hành vi phạm tội của bị cáo Tuấn đã gây hậu quả nghiêm trọng, cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc.
Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát đã xét quá trình điều tra, truy tố và xét xử, bị cáo Tuấn có thái độ khai báo thành khẩn, đặc biệt ăn năn, hợp tác với cơ quan tố tụng, chủ động nộp lại số tiền hưởng lợi, hợp tác… và đề nghị Tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Tuấn thấp hơn khung hình phạt đã truy tố. Ngoài ra, bị cáo Tuấn còn phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho Bệnh viện Tim Hà Nội.
Các bị cáo nguyên là cán bộ cấp dưới của bị cáo Nguyễn Quang Tuấn là đồng phạm tham gia giúp sức với bị cáo Tuấn và phải chịu trách nhiệm tương xứng với hành vi của mình.
Bị cáo Đảng bị xác định là đã được hưởng lợi số tiền lớn, đồng thời lại là người đứng đầu doanh nghiệp, nên phải chịu trách nhiệm cao hơn các bị cáo còn lại trong Công ty Hoàng Nga.
Tại Công ty định giá AIC, bị cáo Hưng bị xác định là giữ vai trò chính trong việc thông đồng lập Chứng thư thẩm định giá theo yêu cầu của các bị cáo thuộc Bệnh viện Tim Hà Nội, nên Hưng phải chịu trách nhiệm hình sự cao hơn 2 bị cáo còn lại thuộc Công ty định giá AIC.
Sau khi đại diện Viện Kiểm sát trình bày bản luận tội và đề nghị mức án, các bị cáo, các luật sư đã tham gia tranh luận, đưa ra những luận điểm, luận cứ nhằm gỡ tội cho các bị cáo./.
Theo TTXVN