Bí ẩn vụ tử nạn máy bay của Tổng thư ký LHQ

Chủ nhật, ngày 25/09/2011
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Dag Hammarskjold thiệt mạng năm 1961 trong vụ rơi máy bay khi đang tham gia sứ mệnh ngăn cuộc nội chiến ở Congo. Vụ này đang được lật lại sau nửa thế kỷ với những tình tiết chưa có lời giải. Sau khi qua đời, ông Hammarskjold được Tổng thống Mỹ John F Kennedy ca ngợi là "chính khách vĩ đại nhất trong thời đại của chúng ta". Người đàn ông Thụy Điển này có giấc mơ biến Liên Hợp Quốc thành một "công cụ để tạo ra động lực" tổ chức cộng đồng thế giới, bảo vệ các quốc gia nhược tiểu, không phụ thuộc vào các cường quốc và chỉ hoạt động dựa trên mục đích hòa bình.

Là người duy nhất được trao tặng giải Nobel Hòa bình sau khi mất, Hammarskjold là cha đẻ của sứ mệnh gìn giữ hòa bình bằng vũ trang đầu tiên của Liên Hợp Quốc, sau cuộc khủng hoảng ở Suez, đông bắc Ai Cập.

Nửa đêm ngày 18/9/1961, ông đang trên đường tới cuộc đàm phán ngừng bắn tại một khu vực ly khai giàu khoáng sản ở Congo. Đây là nơi mà một trong số những sứ mệnh gìn giữ hòa bình khác của Hammarskjold bị sa lầy trong những vấn đề chính trị phức tạp, cũng như chịu ảnh hưởng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

 

Hiện trường nơi chiếc máy bay DC6 rơi xuống. Ảnh: AP

Tuy nhiên, chiếc máy bay DC6 chở Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Hammarskjold đã bị rơi trong đêm định mệnh đó, ngay trước khi nó hạ cánh. Phi cơ rơi xuống một vùng rừng rậm gần Ndola ở Northern Rhodesia, nay thuộc Zambia.

Knut Hammarskjold, cháu trai của vị tổng thư ký xấu số, đã tới thăm hiện trường máy bay rơi vài ngày sau đó. "Nó bị vỡ tan thành nhiều mảnh và vương vãi trên mặt đất", BBC dẫn lời Knut. "Tôi không nhìn thấy một thi thể nào. Tôi nghĩ rằng các nạn nhân đã được đưa đi trước đó."

Knut nhớ lại thời khắc đau thương tại quê hương Thụy Điển, nơi ông Hammarskjold là một anh hùng dân tộc. "Tất cả đều bị sốc. Tôi tin chắc rằng cả nước Thụy Điển đều bị rúng động vì vụ rơi máy bay này", Knut hồi tưởng. "Tất cả các cửa hàng đều treo ảnh của chú tôi trên cửa sổ. Ông ấy sau đó được hưởng nghi thức quốc tang, một điều hiếm có đối với một người làm việc tại nước ngoài."

Ý chí sắt đá

Khi các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bầu người đàn ông Thụy Điển tính tình khiêm tốn làm tổng thư ký vào năm 1953, không ai có thể tiên đoán về sự nhiệt huyết mà ông sẽ mang vào công việc đặc biệt này.

"Ông ấy là một người có trí thông minh vượt trội, có vốn kiến thức rộng. Đó là những gì làm nên cách tiếp cận tuyệt vời của ông ấy đối với cuộc sống", bà Margaret Anstee, người phụ nữ đầu tiên đảm nhận vai trò phó thư ký Liên Hợp Quốc, nhớ lại. "Ông ấy có những kỹ năng hòa giải và thuyết phục, kết hợp với một ý chí sắt đá đối với những mục tiêu theo đuổi", người phụ nữ có 40 năm làm việc cho Liên Hợp Quốc quả quyết. "Nhưng tất nhiên điều đó khiến ông ấy luôn ở thế đối đầu với những người muốn sử dụng Liên Hợp Quốc vì mục đích riêng".

 

Cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Dag Hammarskjold. Ảnh: Daghammarskjold.se

Tại Congo khi đó, có một vấn đề là ai nên kiểm soát tỉnh Katanga ở phía nam, nơi giàu trữ lượng đồng, uranium và thiếc. Bỉ, từng một thời là mẫu quốc của Congo, được hậu thuẫn bởi phong trào ly khai do Moise Tshombe lãnh đạo, cùng với Mỹ và Anh là những nước có lợi ích khai mỏ tại vùng này.

Tuy nhiên, ông Hammarskjold ngay từ đầu đã ủng hộ chính quyền trung ương được thành lập qua bầu cử của Congo. Đây là chính phủ được Liên Xô cũ hậu thuẫn và được lãnh đạo bởi Thủ tướng Patrice Lumumba. Sau khi ông Lumumba bị phế truất và sát hại, người lên nắm quyền là Thủ tướng Cyrille Adoula. Ông này tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Hammarskjold.

Ông Hammarskjold muốn theo đuổi một giải pháp thương lượng giữa thủ lĩnh ly khai Tshombe và chính quyền trung ương. Mục tiêu này ngày một trở nên cấp thiết, sau khi các nhân viên gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc nhận thấy họ hoàn toàn yếu thế trong một chiến dịch đánh đuổi những lính đánh thuê nước ngoài ra khỏi tỉnh Katanga.

Thủ lĩnh ly khai Moise Tshombe là người mà Hammarskjold sẽ gặp tại Ndola nếu máy bay không lâm nạn vào đêm 18/9/1961.

Những bức ảnh bị chỉnh sửa

Vụ máy bay của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc bị rơi chưa bao giờ được lý giải một cách đầy đủ. Cuộc điều tra của chính quyền địa phương và sau đó là cuộc điều tra chính thức của Liên Hợp Quốc đều kết luận rằng không loại trừ có một âm mưu nhằm vào Hammarskjold. Vì thế, người ta chưa bao giờ ngừng đưa ra những lời giải thích mới, cũng như đặt ra những câu hỏi về vụ rơi máy bay này.

 

Một bức ảnh khác chụp hiện trường vụ chiếc máy bay DC6 bị rơi. Ảnh: TopPhoto

Năm 1992, tức là hơn 3 thập kỷ sau vụ rơi máy bay, hai người đàn ông từng là các đại diện của Liên Hợp Quốc tại Katanga trước và sau cái chết của Hammarskjold, gồm Conor Cruise O'Brien và George Ivan Smith, cùng gửi một bức thư cho tờ Guardian để tuyên bố rằng họ có bằng chứng cho thấy chiếc máy bay vô tình bị bắn rơi bởi các tay lính đánh thuê.

Theo quan điểm của họ, một phát súng cảnh cáo được bắn ra với mục đích làm đổi hướng chiếc máy bay tới đàm phán với các nhà công nghiệp ở Katanga, thay vì tới gặp thủ lĩnh Tshombe. Tuy nhiên, phát súng đó đã trúng chiếc máy bay và khiến nó bị rơi.

Vào năm 1998, Ủy ban Hòa giải và Sự thật của Nam Phi dưới sự lãnh đạo của Desmond Tutu, đã cho phát hành 8 bức thư với nội dung cho rằng Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Cơ quan An ninh Anh (MI5) và tình báo Nam Phi có liên quan trong vụ máy bay của ông Hammarskjold bị rơi. Tuy nhiên, giới chức Anh sau đó đáp trả rằng đó là những chứng cứ giả mạo.

7 năm sau, giám đốc thông tin quân sự của Liên Hợp Quốc tại Congo vào năm 1961, ông Bjorn Egge, nói với báoAftenposten rằng ông đã nhìn thấy một lỗ tròn ở trán của Hammarskjold khi quan sát thi thể của vị Tổng thư ký xấu số tại lễ tang. Egge cho rằng đó có thể là một vết đạn bắn và nó đã bị làm mất đi một cách bí ẩn trong những bức ảnh chính thức được công bố sau đó.

Trong 4 năm qua, một nhân viên cứu trợ người Thụy Điển có tên Goran Bjorkdahl cũng tiến hành một nghiên cứu sâu hơn về vụ rơi máy bay của cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Một viện sĩ Anh có tên Susan Williams hôm 15/9 còn phát hành cuốn sách có tựa đề "Ai giết Hammarskjold?". Cả hai người đều kết luận rằng có thể chiếc máy bay đã bị bắn rơi.

Ông Bjorkdahl bắt đầu nghiên cứu của mình sau khi được thừa hưởng "di sản" của cha ông, người đã làm việc tại Zambia những năm 70. "Di sản" đó là một phần thân máy bay có những lỗ nhỏ chưa được giải thích về nguyên nhân xuất hiện. Bjorkdahl đã lần theo dấu vết và tìm được 12 nhân chứng, để từ đó xác định được 3 điểm đáng chú ý, gồm chiếc DC6 bay lượn vòng trên không trước khi bị rơi, một chiếc máy bay nhỏ hơn bay phía trên chiếc DC6 và một ánh chớp sáng lóa xuất hiện giữa bầu trời ngay phía trước máy bay trước khi nó rơi xuống.

 

Một nhóm tìm kiếm đang làm việc tại hiện trường nơi chiếc DC6 lao xuống. Ảnh: AP

Có 6 nhân chứng còn nhớ lại rằng đã trông thấy nhiều người mặc đồng phục gần hiện trường vụ rơi máy bay sáng hôm đó, dù các báo cáo chính thức sau đó khẳng định những mảnh vỡ của chiếc máy bay không được tìm thấy cho tới sau 15h00. Tuy nhiên, các cuộc điều tra chính thức ở thời điểm đó cũng có đề cập tới việc các nhân chứng khai đã nhìn thấy một chiếc máy bay thứ hai trên bầu trời.

Trong khi đó, một trong những câu hỏi chính mà tác giả người Anh Susan Williams đặt ra trong cuốn sách của mình đó là vì sao các cuộc điều tra chính thức lại không đếm xỉa tới những bức ảnh đáng ngờ của vụ việc này. Trong một số trường hợp, những bức ảnh thậm chí còn bị giả mạo. Williams cho rằng rõ ràng có một sự che giấu sự thật ở đây.

Viện sĩ người Anh nhấn mạnh cụ thể vào 3 phát hiện của bà, gồm:

- Những bức ảnh của Hammarskjold sau khi chết được chụp theo một cách nhằm che đi vùng quanh mắt phải của ông, hoặc chụp ở góc độ mà con mắt này không được nhìn thấy. Điều này được cho là để giấu đi một vết thương.

- Người duy nhất sống sót sau vụ rơi máy bay, Harold Julien, nói rằng có một vụ nổ trước khi chiếc máy bay rơi xuống. Lời khai này của Julien không được nhắc đến trong cuộc điều tra chính thức, với lý do rằng ông không có đủ sức khỏe. Nhưng bà Williams đã tìm ra một báo cáo của bác sĩ chỉ ra rằng ông Julien hoàn toàn minh mẫn ở thời điểm đó.

- Một quan chức tình báo Mỹ tại một trạm thu phát sóng ở đảo Síp cho hay ông đã nghe thấy một đoạn băng thu âm buồng lái máy bay từ Ndola. Trong đó, một phi công báo cáo việc áp sát chiếc máy bay DC6 của ông Hammarskjold. Những tiếng súng nổ được ghi nhận trong đoạn băng, và sau đó viên phi công nói: "Tôi vừa bắn trúng nó".

"Dù không có khói súng nhưng có hàng loạt chứng cứ cho thấy chiếc máy bay DC6 bị bắn rơi bởi một phi cơ khác", bà Williams nói với BBC. "Đó là một lời giải thích thuyết phục hơn bất cứ lý giải nào khác." Theo bà có rất nhiều người có động cơ để ngăn cản ông Hammarskjold và thủ lĩnh Tshombe đạt được một sự thỏa thuận thông qua đàm phán.

  Ông Hammarskjold đứng bên ngoài tòa nhà Liên Hợp Quốc tại New York năm 1953. Ảnh: UN/DPI

Brian Urquhart, cố vấn chính của ông Hammarskjold tại thời điểm tai nạn, cho rằng thật sai lầm khi nghĩ tới việc một chiếc máy bay có thể bị bắn hạ hoặc thậm chí đơn giản là bị định vị trong đêm tối. Tuy nhiên, tác giả Susan Williams cho biết các chuyên gia đã nói với bà rằng chiếc DC6, khi đó đang chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Ndola trong một đêm sáng trăng, là một mục tiêu dễ bị bắn hạ.

Bà Williams kết luận đây là lúc cần phải có một cuộc điều tra mới. Sau khi được biết về chứng cứ mới mà bà Williams tìm được, người cháu Knut của ông Hammarskjold cũng kêu gọi cần phải có một cuộc điều tra mới về vụ máy bay rơi cách đây nửa thế kỷ.

50 năm trước, Hammarskjold là một kiểu mẫu lý tưởng cho những người làm việc tại Liên Hợp Quốc. "Tôi được kể rằng nhiều người vẫn còn giữ ảnh của chú tôi trên bàn làm việc," Knut nói. "Ngay cả cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan cũng luôn tự đặt ra một câu hỏi mỗi khi phải đối mặt với một vấn đề nào đó: "Dag Hammarskjold sẽ làm gì trong tình huống như thế này?""

Nguyên phó thư ký Liên Hợp Quốc, bà Margaret Anstee, thì cho rằng Hammarskjold có sự quả cảm để luôn giữ được các nguyên tắc của ông, cũng như khi phải điều tiết mối quan hệ với các quốc gia thành viên có tiếng nói quan trọng. Đây là điều mà những người kế nhiệm ông luôn thiếu, BBC nhận định.

"Người ta ngầm hiểu với nhau rằng sẽ chẳng bao giờ có thể có lại một tổng thư ký mà cả một đời cống hiến cho công việc như thế", bà Anstee nhận xét.

Theo PL