Bhagat Ram Talwar: Điệp viên đa mang siêu đẳng và bậc thầy nói dối của Tình báo Ấn Độ
(BDO) Thế giới tình báo qua các thời đại từng có rất nhiều điệp viên hai mang, thậm chí đa mang, nhưng chưa từng chứng kiến một điệp viên nào cùng lúc làm việc cho nhiều cơ quan tình báo của nhiều quốc gia như Bhagat Ram Talwar - điệp viên bậc thầy người Ấn Độ trong Thế chiến thứ II.
Số phận đưa đẩy làm…điệp viên "6 mang"
Theo tàng thư Ấn Độ, Bhagat Ram Talwar là người sắc tộc Pathan theo đạo Hindu, sinh năm 1908 tại tỉnh North West Frontier của quốc gia Anh Ấn (thời thuộc địa của Anh, bao gồm cả Pakistan). Là con của một điền chủ giàu có, nhưng Bhagat cũng như anh trai lại không chọn cách sống hưởng thụ, xu thời theo người Anh mà lại đi theo con đường đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Người anh trai của Bhagat đã bị chính quyền đô hộ Anh- Ấn treo cổ vì tội mưu sát tỉnh trưởng Punjab khiến một cảnh sát thiệt mạng.
Câu chuyện về điệp viên bậc thầy của Ấn Độ Bhagat Ram Talwar, bí danh Rahmat Khan và Silver, bắt đầu từ câu chuyện của những người Ấn Độ đấu tranh chống sự cai trị của thực dân Anh, nó làm sản sinh ra một trong những điệp viên thành công nhất và đắt giá nhất thời kỳ Thế chiến thứ II. Vừa là điệp viên của cơ quan tình báo Ấn Độ, Talwar còn làm việc cho tình báo Anh, Nga, Đức, Italia và Nhật Bản, có thể gọi ông là điệp viên "6 mang" duy nhất thời đó. Sự tham gia, làm việc cho các quốc gia này đối với Talwar là một sự "đưa đẩy" của số phận hơn là tự ông tìm đến xin đầu quân. Nhưng dù làm việc cho ai, Talwar vẫn một mực trung thành với Đảng Cộng sản và đất nước Ấn Độ của ông.
Bhagat Ram Talwar, mang hai bí danh Rahmat Khan và Silver.
Netaji Subhas Sandra Bose là một người yêu nước, đứng ra lập quân đội người Ấn Độ, toan dùng vũ lực quân sự để giải phóng Ấn Độ khỏi ách đô hộ của thực dân Anh. Đại sự chưa thành, Bose đã bị mật thám Anh theo dõi và bắt giam lỏng tại gia. Đầu năm 1941, sau cái chết của người anh trai, Bhagat bắt đầu dấn thân nhiều hơn. Ông gia nhập hàng ngũ Đảng Cộng sản Ấn Độ, và được giao nhiệm vụ tìm cách giải cứu Bose. Không có phương tiện vận chuyển để vượt qua vùng rừng núi hiểm trở giáp biên giới Ấn Độ-Afghanistan, Talwar đi bộ để hộ tống Bose từ tỉnh Peshawar sang Kabul, Afghanistan.
Chuyến hộ tống Subhas Chandra Bose đi bộ vượt 300km đường đèo núi hiểm trở từ Peshawar đến Kabul là thành công đáng nể đầu tiên của Talwar, nó thể hiện không chỉ lòng can đảm tột bậc mà còn tài trí của một bậc thầy tình báo. Sự mưu trí đã giúp Talwar và Bose vượt qua vô vàn trở ngại trên đường đi.
Khi đến Kabul, Bose tin tưởng sẽ dễ dàng vào được Đại sứ quán Liên Xô dựa vào việc Talwar là đảng viên Đảng Cộng sản. Tuy nhiên, Talwar lại không quen biết ai bên trong Đại sứ quán. Tuy nhiên sau đó Talwar cũng tiếp cận được người Nga, trao thư của Bose xin được vào gặp Đại sứ Liên Xô, nhưng bị từ chối. Phải vận dụng đến mưu mẹo, Talwar mới được vào gặp Đại sứ Liên Xô, nhưng cũng bị từ chối lời yêu cầu giúp đỡ, vì sợ bị tình báo Anh "cài cắm" Bose để làm kế ly gián Liên Xô với Afghanistan.
Bí thế, Talwar đưa Bose đến gặp người Đức và nhận được lời hứa giúp đưa Bose đến châu Âu. Nhưng người Đức không thực hiện lời hứa, vì thế Talwar cuối cùng tìm đến Đại sứ quán Italia.
Talwar dùng mưu trí đánh lừa lính gác để lẻn vào cửa sau gặp Đại sứ Italia Pietro Quaroni. Ông tự giới thiệu mình là Rahmat Khan, rồi giới thiệu với Đại sứ Pietro Quaroni rằng Bose là một nhà cách mạng Ấn Độ, đến Kabul tìm sự giúp đỡ để giải phóng đất nước khỏi sự cai trị của Anh. Lần này họ đã không bõ công: Đại sứ Pietro Quaroni nhận lời bảo đảm cho Bose một con đường đến Đức an toàn. V
ới sự giúp sức nhiệt tình của Đại sứ Quaroni, sau vài cuộc họp bàn phương án di chuyển, Bose được hộ tống đến biên giới Afghanistan với Liên Xô và lên chuyến tàu hỏa đi Moskva. Rồi từ Moskva, Bose tiếp tục đáp chuyến tàu đêm đến Berlin. Khi đã đến Berlin, Bose vạch con đường cứu nước khỏi ách đô hộ của thực dân Anh. Tiếp đến, Bose sang Nhật Bản để tập hợp lực lượng, xây dựng quân đội chiến đấu chống quân đô hộ Anh. Tuy nhiên, đại sự chưa thành, Bose đã tử nạn trong một tai nạn máy bay vài ngày sau khi Nhật Bản đầu hàng phe Đồng minh.
Đại sứ Pietro Quaroni đã có sự tính toán rất thâm thúy và quan tâm đặc biệt đến Talwar. Quaroni biết Ấn Độ đóng góp rất to lớn cho chiến tranh, cả về người và của. Ông đánh giá rằng phe Trục nên lợi dụng Afghanistan - khi đó là sân sau của Ấn Độ - để làm suy yếu, thậm chí hủy hoại sự kiểm soát của đế quốc Anh đối với tiểu lục địa.
Trước khi Talwar xuất hiện, nguồn tin duy nhất từ bên trong Ấn Độ mà người Italia có được chỉ là những tờ báo tiếng Anh của Ấn Độ phát hành ở Kabul. Vì thế, sau khi sắp xếp cho Bose sang Đức trót lọt, Đại sứ Quaroni quyết định Khan phải quay trở về Ấn Độ và thực hiện những chuyến đi từ Peshawar mang thông tin tình báo từ nội bộ Ấn Độ đến Kabul và ngược lại mang vũ khí, chất nổ từ Kabul về Ấn Độ phục vụ cho cuộc đấu tranh chống thực dân Anh.
Ban đầu còn phục tùng, nhận lệnh, nhưng về sau Talwar đòi hỏi vấn đề tiền bạc nhiều hơn, vì thế người Italia đành phải chuyển Talwar sang cho đồng minh giàu có hơn: Đại sứ quán Đức. Được người Đức tiếp nhận và trả thêm tiền, Talwar tích cực thực hiện nhiều chuyến đi bộ từ Peshawar đến Kabul và ngược lại để cung cấp thông tin tình báo bên trong Ấn Độ cho phe Trục. Tính từ năm 1941 đến khi Chiến tranh kết thúc, phe Trục đã chi trả cho Talwar số tiền tương đương khoảng 4,5 triệu USD ngày nay; một phần trong số tiền này Talwar đã đóng góp cho Đảng Cộng sản Ấn Độ để làm kinh phí hoạt động.
Tương kế tựu kế
Là một đảng viên Cộng sản, Talwar thực chất không muốn phục vụ cho người Đức và Italia. Vì vậy, ông đánh lừa họ bằng những thông tin giả, vì thời đó không có phương tiện kỹ thuật hiện đại để kiểm chứng thông tin. Để thực hiện việc làm này, Talwar tìm một đảng viên Đảng Cộng sản Ấn Độ để phối hợp hành động.
Điệp viên Anh Peter Fleming.
Cả hai cùng "sáng tạo" ra một tổ chức có tên gọi là All-India National Revolutionray Committee (Ủy ban Cách mạng Dân tộc Toàn Ấn) và thiết kế những bài báo khéo đến nỗi người Đức tin rằng tổ chức của Silver đích thực đang gây nên rắc rối cho người Anh. Sự thành công của Silver thực ra một phần cũng là do các cơ sở của phe Trục ở Kabul rất vô tổ chức, đấu đá nội bộ hơn là tập trung cho công tác tình báo.
Điệp viên chủ chốt của tình báo Đức ở Kabul thời đó là Dietrich Witzel, bí danh Pathan, đã bị Kurt Brinckmann, một thành viên đảng Quốc xã, chèn ép, vì Brinckmann cho rằng mình có mối quan hệ với chính quyền Afghanistan nhiều hơn Witzel hay bất kỳ điệp viên Đức nào.
Talwar/Silver gặp phải sự cố khó khăn khi Hitler phát động Chiến dịch Barbarossa vào ngày 22-6-1941, bắt đầu cuộc tiến công xâm lược Liên Xô. Vừa làm việc cho tình báo Đức trong khi Liên Xô, cái nôi của Đảng Cộng sản bị chính người Đức xâm lược đối với Talwar là điều không thể chấp nhận được.
Chính vì thế, ngày 15-9-1941, trong chuyến công tác thứ tư đến Kabul, Talwar đến Đại sứ quán Liên Xô và được tiếp nhận vào bên trong. Sau một đêm uống rượu say bí tỉ và chịu sự thẩm vấn liên tục của các điệp viên Liên Xô, cuối cùng Talwar được chấp nhận là một người Cộng sản chân chính.
Vài tháng sau, trong khi đang hợp tác làm việc cho tình báo Liên Xô, Khan được phép hợp tác làm việc cho tình báo Anh và trở thành điệp viên chung của liên minh Anh-Liên Xô. Đến tháng 4-1943, Khan bắt đầu làm việc dưới sự giám sát, quản lý của một người mang họ Flemming, đó là nhà báo Peter Fleming, phóng viên tờ The Times của Anh và là anh trai của nhà văn Ian Fleming, cha đẻ điệp viên huyền thoại James Bond 007.
Cả hai anh em nhà Fleming khi đó đều là những điệp viên gạo cội của tình báo Anh, và đều quản lý rất nhiều điệp viên hai mang. Peter Fleming đến Ấn Độ để nhận nhiệm vụ lãnh đạo Cục D (Cục tình báo đánh lừa đối phương) ở New Delhi. Không lâu sau, Khan từ Afghanistan trở về Delhi mang theo một thiết bị truyền tin do Witzel trang bị nhằm mục đích thu thập thông tin tình báo bí mật của người Anh.
Ngay khi tiếp nhận Khan, Fleming đặt cho Khan thêm một bí danh khác là Silver. Fleming và Silver có sự khác biệc khá xa. Fleming tốt nghiệp Đại học Oxford, trở thành nhà báo, viết sách du khảo rừng Amazon bán rất chạy khiến nhiều người nể phục. Còn Silver thì ngược lại, bỏ học từ nhỏ, nói tiếng Anh "tiếng được tiếng mất".
Nhưng cả hai lại có chung niềm đam mê đánh lừa người khác. Để cùng phối hợp đánh lừa người Đức, Silver trao thiết bị truyền tin cho Fleming, và sau đó Fleming lắp nó trong khu vườn của khách sạn Viceroy's Palace ở New Delhi, và kể từ mùa thu năm 1943, đội quân tình báo của Fleming truyền thông tin quân sự giả tạo (được ông hư cấu ra) về Berlin đều đặn ba lần mỗi ngày.
Tuy nhiên, Fleming bắt đầu cảm thấy lo lắng về Silver. Ngay trước chuyến đi thứ chín đến Kabul vào tháng 8-1943, Silver và Fleming tình cờ chạm mặt một đầu mối liên lạc người Afghanistan ngay tại New Delhi. Lo ngại gã người Afghanistan kia có thể làm lộ chân tướng của Silver, Fleming yêu cầu Silver hủy chuyến đi, nhưng Silver rơi vào thế không thể không đi vì máu nghề nghiệp và cũng vì phải thực hiện nhiệm vụ mang thông tin cho tình báo Italia.
Trong khoảng vài tuần lễ liền, Fleming không hề nghe thông tin gì từ Silver. Thế rồi một hôm, Silver lại xuất hiện, kể với Fleming rằng mình đã gặp gã người Afghanistan ở Kabul. Silver mời gã đến căn hộ của mình (do tình báo Đức chu cấp) và đãi ăn món cà-ri dê trộn râu cọp (thứ này rất sắc, một khi nuốt vào dạ dày có thể gây xuất huyết nội mà chết). Và đó là bữa ăn cuối cùng của gã chỉ điểm người Afghanistan.
Silver được đánh giá là bậc thầy về nói dối. Ông nói dối có tình tiết chân thực, nói dối mà như thật khiến người khác không thể không tin. Trong câu chuyện ông giải cứu nhà cách mạng Netaji Subhas Sandra Bose và tìm cách đưa ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Silver từng tuyên bố rằng cho dù làm việc cho tình báo nhiều nước, nhưng ông vẫn trung thành nhất với Bose. Giới nghiên cứu lịch sử cho rằng ông "nói dối", nhưng qua câu chuyện thực tế lại không thể chứng minh được ông nói dối. Còn trong câu chuyện về bữa ăn cuối cùng của gã chỉ điểm người Afghanistan, cũng có thể Silver lại nói dối, nhưng Fleming tin ông.
Trong chuyến đi thứ chín đến Kabul, Silver thuyết phục người Đức giới thiệu ông với ông Inouye, tùy viên người Nhật tại Kabul. Và cũng như Quaroni và Witzel, ông Inouye tin những lời nói dối của Silver. Bởi vì, khi đó người Nhật đang hoàn thiện kế hoạch xâm lược Ấn Độ, và Inouye phát hiện thấy ở Silver nguồn thông tin dồi dào về sức mạnh quân sự của người Anh. Và Silver đã trích thông tin tình báo Nhật gửi sang Ấn Độ, giúp Fleming chuyển hóa chúng thành tình báo hai mang.
Sau chiến tranh, Ấn Độ tuyên bố độc lập vào năm 1947. Một cuộc đại di dân chưa từng có đã diễn ra theo hai hướng ở tiểu lục địa: Những người theo đạo Hồi đi về vùng đất ngày nay là Pakistan, còn những người Hindu giáo di cư vào Ấn Độ. Sau khi Pakistan tách khỏi Ấn Độ, Talwar di cư sang Ấn Độ nhưng bỗng dưng biến mất một thời gian dài hàng chục năm. Tháng 1-1973, ông lại bất ngờ xuất hiện trở lại tại một hội thảo quốc tế về nhà cách mạng Subhas Chandra Bose ở Calcutta.
Sau đó, Silver viết hồi ký, kể lại toàn bộ câu chuyện về cuộc đời hoạt động tình báo của mình, trong đó ông cho rằng mình có đóng góp quan trọng cho cuộc đấu tranh giành độc lập của Ấn Độ. Người ta có thể không tin những điều Silver kể ra, nhưng thông qua các cựu điệp viên cùng thời, như Fleming, Witzel, Inouye, chắc chắn người ta tin rằng Talwar/Khan/Silver là điệp viên đa mang siêu đẳng nhất, một bậc thầy lừa dối của ngành tình báo thế giới.
Theo CAND