Bệnh viêm não mô cầu và cách phòng, chống

Thứ tư, ngày 22/02/2012
Bệnh viêm não mô cầu (NMC) do vi khuẩn NMC có tên khoa học là Neisseria meningitides gây nên tình trạng nhiễm trùng ở màng não, tổn thương ở não. Chủng vi khuẩn này đã được biết từ lâu và được xếp vào loại gây bệnh có thể lây truyền qua đường hô hấp, vì thế có thể gây thành dịch. Vi khuẩn NMC gồm các tuýp A, B, C và W 135 gây nên, được xếp vào bệnh nguy hiểm vì khả năng gây ra tử vong.

Đặc điểm của bệnh

Là bệnh nhiễm vi khuẩn cấp tính, xảy ra đột ngột với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn, cổ cứng và thường có các ban xuất huyết với các chấm hồng hoặc có mụn nước, tuy rất hiếm. Người bệnh thường lơ mơ hoặc hôn mê, thỉnh thoảng có trường hợp biểu lộ trạng thái mệt lừ rất nhanh và đột ngột, xuất hiện các mảng xuất huyết và bắt đầu xảy ra sốc. Trước đây tỷ lệ tử vong vượt quá 50%, nhưng ngày nay với chẩn đoán sớm, có các biện pháp điều trị và hồi sức hiện đại cho nên tỷ lệ tử vong đã giảm xuống từ 5 - 15%. 

Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh viêm não mô cầu (Ảnh minh họa)

Theo bác sĩ Lương Thị Hồng Lê, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, vi khuẩn NMC thường cư trú tại vùng mũi họng của người bệnh. Bệnh nguy hiểm vì có thể gây tử vong, lây lan thành dịch. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các hạt nước bọt và các dịch tiết mũi họng của người bệnh. Thời tiết lạnh và ẩm từ mùa đông chuyển sang xuân là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây viêm NMC phát triển mạnh. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh là sống nơi đông người, hút thuốc lá, nhiễm HIV, đi đến vùng có dịch...

Vi khuẩn NMC khi vào cơ thể thường cư trú vùng mũi họng, gây viêm mũi họng. Khi cơ thể yếu, vi trùng tiếp tục lan vào máu đi khắp cơ thể gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não và có thể tử vong nhanh. Đặc biệt, ở thể nặng, bệnh nhân nhiễm trùng huyết tối cấp, tỷ lệ tử vong rất cao từ khi diễn biến bệnh cho đến lúc tử vong chỉ trong vòng 1 - 2 ngày.

Tùy vị trí xâm nhập, độc lực của vi khuẩn cũng như sức đề kháng của cơ thể, có thể viêm mũi, họng nhẹ, nhiễm khuẩn huyết đơn thuần hoặc kịch phát gây tử vong. Thời gian ủ bệnh trung bình từ 2 - 10 ngày.

Viêm NMC có thể để lại những biến chứng rất nguy hiểm nếu điều trị muộn. Bệnh nhân có nguy cơ bị di chứng về thần kinh, ảnh hưởng các dây thần kinh cảm giác, gây tổn thương não, giảm thính lực, tổn thương thận và các vấn đề tâm lý. Nếu biến chứng nghiêm trọng, có khi phải cắt bỏ các chi.

Cách phòng bệnh lây lan trong cộng đồng

Viêm NMC là bệnh do virus gây ra. Người mắc bệnh này có thể bị tử vong trong vòng 48 tiếng, kể từ lúc bộc lộ triệu chứng. Đây là bệnh tương đối phổ biến, chủ yếu ở trẻ nhỏ và tăng cao vào mùa xuân do điều kiện thời tiết mưa, ẩm, lạnh dễ làm giảm sức đề kháng của cơ thể người. 

Để chủ động phòng bệnh, bác sĩ Hồng Lê khuyến cáo mọi người cần thực hiện các biện pháp sau: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Đặc biệt, trẻ em cần được giữ ấm, chú ý vùng cổ, ngực, bàn tay, bàn chân. Hạn chế tiếp xúc về đường hô hấp như không nên tập trung nơi đông người; Khi hắt hơi hay ho cần lấy khăn che miệng, hoặc đeo khẩu trang khi bị viêm đường hô hấp; Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở và nơi làm việc; Chủ động tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh; Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị; Khi phát hiện người nghi ngờ mắc bệnh viêm màng não do NMC cần thông báo theo đường dây nóng của y tế địa phương để được điều tra giám sát xử lý kịp thời.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh viêm NMC gồm: sốt đột ngột 39 - 40 độ C, đau đầu, chán ăn, kích thích, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sợ ánh sáng, cổ cứng, li bì, co giật có thể xuất huyết hoại tử trong trường hợp có nhiễm khuẩn huyết - xuất huyết dưới da với mảng xuất huyết to bằng đầu đũa hoặc đầu ngón tay ở thể nhẹ hơn, vi khuẩn NMC đi vào máu (không gây nhiễm trùng), màng não gây viêm màng não (gọi là viêm NMC). Bệnh phát rất nhanh, chỉ trong vòng một ngày. Khi thấy sốt cao, đau họng, đau đầu, cổ cứng, nôn vọt cần đi khám ngay để được chẩn đoán sớm và điều trị đúng.   

T.PHƯƠNG