Bệnh tim mạch: Kẻ giết người thầm lặng
(BDO) Bệnh tim mạch thường diễn biến âm thầm, không có triệu chứng. Ngày Tim mạch thế giới được tổ chức hàng năm với các sự kiện nâng cao nhận thức của mọi người về bệnh lý tim mạch, giúp mọi người nhận thức về chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý để có trái tim khỏe mạnh và duy trì cuộc sống không bệnh tật…
Nên khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát chỉ số huyết áp của mình tránh các biến chứng về tim mạch liên quan đến bệnh tăng huyết áp. Trong ảnh: Bác sĩ đang khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh
Bệnh tim mạch được ví như kẻ giết người thầm lặng. Gánh nặng bệnh lý tim mạch đang ngày càng gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề cho mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Từ năm 2000, Liên đoàn Tim mạch thế giới đã quyết định chọn ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 9 là Ngày Tim mạch thế giới với sự hưởng ứng của trên 100 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.
Hội Tim mạch Việt Nam dự báo, đến năm 2017, Việt Nam sẽ có 1/5 dân số mắc bệnh tim mạch và tăng huyết áp. Trong các bệnh lý liên quan đến tim mạch, tăng huyết áp là nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong hàng đầu. Theo các chuyên gia, mô hình bệnh tật ở nước ta ngày càng có những thay đổi lớn. Các bệnh không lây nhiễm, trong đó có các bệnh tim mạch đang có xu hướng tăng lên rất rõ ở nước ta. Trong các bệnh lý không lây, các bệnh lý tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Và trong các bệnh lý liên quan đến tim mạch thì tăng huyết áp là bệnh phổ biến nhất, tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp ngày càng gia tăng.
Giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Đặng Vạn Phước, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch TP.HCM cho biết, từ những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch sẽ dẫn đến những yếu tố nguy cơ hành vi như chế độ ăn không lành mạnh, hút thuốc lá, ít vận động, uống rượu. Và cuối cùng là những yếu tố nguy cơ chuyển hóa bao gồm tăng huyết áp, béo phì, tiểu đường, rối loại mỡ máu. Tất cả những yếu tố nguy cơ trên đều có thể dẫn đến bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim và cả bệnh thận.
Do đó, để bảo vệ trái tim cho bạn, gia đình bạn và cộng đồng, Liên đoàn Tim mạch thế giới khuyến cáo mọi người cần thực hành chế độ ăn uống hợp lý, khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế ăn các chất béo bão hòa. Không nên ăn mặn. Song song đó, cần tập luyện thể dục thường xuyên: mỗi ngày tập từ 30 - 60 phút sẽ giúp phòng chống các bệnh lý tim mạch và sức lao động sẽ được cải thiện hơn. Không hút thuốc lá, thuốc lào vì hút thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân trực tiếp gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ và nhiều bệnh lý tim mạch khác. Duy trì cân nặng hợp lý, cần giảm cân (nếu thừa cân) sẽ làm giảm huyết áp, giảm các biến cố do bệnh lý tim mạch gây ra. Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng cholesterol, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể (BMI). Nếu biết mình có nhiều yếu tố nguy cơ thì bạn càng cần phải có kế hoạch thực hiện lối sống lành mạnh một cách tích cực hơn để cải thiện sức khỏe của mình. Hạn chế uống rượu, bia vì uống nhiều rượu, bia làm huyết áp tăng và trọng lượng của bạn cũng tăng lên…
“Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch bao gồm những yếu tố: nguy cơ chuyển hóa, nguy cơ hành vi và về xã hội. Trong đó, những yếu tố xã hội bao gồm toàn cầu hóa, đô thị hóa, lão hóa, thu nhập, giáo dục, chỗ ở”.
(Giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Đặng Vạn Phước, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch TP.HCM)
CẨM LÝ