Bệnh tim mạch có thể hạn chế tử vong sớm

Thứ ba, ngày 04/12/2012
Bệnh tim mạch (BTM) là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Hàng năm, có 17,3 triệu người tử vong vì căn bệnh này. Tuy nhiên, có ít nhất 80% trường hợp tử vong sớm do không biết cách phòng tránh vì bệnh tim có thể phòng tránh được...

   Người bị bệnh tim mạch phải tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ

Ai cũng có thể bị BTM

Từ trước đến nay nhiều người vẫn nghĩ, BTM là bệnh của người giàu. Ngược lại, theo Tổ chức Y tế thế giới, trong 5 trường hợp tử vong vì BTM thì có đến 4 trường hợp ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Đặc biệt, phụ nữ sau tuổi mãn kinh nguy cơ mắc bệnh tim cũng giống như đàn ông. Sở dĩ, BTM ở phụ nữ lâu nay ít được đánh giá một cách nghiêm túc bởi suy nghĩ sai lầm cho rằng đây là bệnh của đàn ông. Trên thực tế, tim mạch là một trong những bệnh “sát thủ” số một đối với phụ nữ. Hàng năm, phụ nữ chết do BTM và đột quỵ nhiều hơn cả ung thư, bệnh lao, sốt rét và nhiễm HIV/AIDS cộng lại. Và trong 3 trường hợp tử vong ở phụ nữ thì có một trường hợp tử vong do BTM. Cứ mỗi phút, trên thế giới có một phụ nữ chết vì BTM. Ngoài các yếu tố nguy cơ chính, như: thuốc lá, chế độ ăn uống không lành mạnh và ít vận động thể lực… ở phụ nữ còn có thêm yếu tố nguy cơ gây gia tăng BTM, đó là mãn kinh và dùng thuốc ngừa thai. Ngày nay, BTM không chỉ gặp ở phụ nữ lớn tuổi (với nhiều bệnh phối hợp), mà còn xuất hiện nhiều ở những phụ nữ dưới 50 tuổi. Theo các nghiên cứu chuyên môn, tỷ lệ nhồi máu cơ tim ở nhóm tuổi này thường cao gấp đôi nam giới. Hiệp hội Tim thế giới cảnh báo, nguy cơ BTM ở phụ nữ đang “báo động đỏ”.

Trẻ em là một trong 2 đối tượng đặc biệt được chú trọng, bởi trẻ em cũng là đối tượng dễ bị BTM. Theo các nhà chuyên môn, trẻ em có thể bị BTM bởi hậu quả của những tổn thương về mặt tinh thần hoặc thể chất. Nguy cơ bị BTM của trẻ em có thể xảy ra khi còn nằm trong bụng mẹ. Nguy cơ này sẽ gia tăng hơn trong giai đoạn thơ ấu do hậu quả của một chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, ảnh hưởng của khói thuốc và do thiếu vận động. Lối sống xã hội hiện đại, cộng với chế độ dinh dưỡng quá ít calo, nhiều đường, chất béo xấu, ít vận động và môi trường đầy khói thuốc… khiến trẻ em rất dễ bị các căn bệnh này.

Có thể phòng tránh

Theo Hiệp hội Tim thế giới, các yếu tố nguy cơ gây BTM, bao gồm: thuốc lá, tăng huyết áp, cholesterol và nồng độ glucose, thừa cân, béo phì, chế độ ăn uống không lành mạnh và ít vận động thể lực… Nếu chúng ta có nhận thức đúng đắn và biết cách kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ trên một cách bền vững lâu dài thì sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cũng như phòng ngừa BTM cho chính mình. Tiến sĩ Hồ Huỳnh Quang Trí, Tổng thư ký Hiệp hội Tim mạch TP.HCM đánh giá, với mức sống ngày càng nâng cao của người Việt Nam hiện nay, tỷ lệ người mắc BTM ngày càng nhiều và trở thành gánh nặng trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Theo TS Trí, nguyên nhân dẫn đến BTM chủ yếu là do thay đổi nếp sống. Sống trong môi trường đô thị hóa, công nghiệp hóa nên người ta cũng ít vận động hơn; ăn uống nhiều chất béo, chất mặn. TS Trí khuyến cáo, một người sau khi đi khám phát hiện mình mắc BTM thì phải tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ, tích cực điều trị và kiểm soát bệnh. Song song với việc điều trị bằng thuốc, phải thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh hơn, cụ thể như: ăn ít chất mặn, chất béo và tích cực vận động hơn... Có như thế, mới mong hạn chế những cơn đau tim sớm, có thể dẫn đến tử vong.

HỒNG THUẬN