Bệnh tiểu đường và những điều cần biết về dinh dưỡng
(BDO) Ngày nay, bệnh nhân tiểu đường ngày càng gia tăng. Rất nhiều lời khuyên của bác sĩ trong điều trị cũng như dinh dưỡng cho người bệnh. Dưới đây là một cách ngăn ngừa: Giới hạn tiêu thụ Carbohydrate trong việc ăn uống là phương cách tiên quyết để điều trị tiểu đường.
Đây là phương pháp của bác sĩ Westman, giáo sư tại Đại Học Duke University thuộc tiểu bang North Carolina. Theo ông, nạn nhân đái đường Typ II không phải kham khổ nhưng phải biết các ăn uống thích hợp.
Một chế độ ăn uống lành mạnh là nhiều rau củ quả
Bác Sĩ Westman cho hay: “Làm đúng được như vậy, bạn chỉ cần bảy tuần lễ hoặc hai tháng là đẩy lùi căn bệnh mãn tính.” Theo bác sĩ, khi theo chế độ ăn uống này, cơ thể chúng ta sẽ trực tiếp chuyển sang trạng thái Ketosis.
Ketosis là tên gọi của một tiến trình biến dưỡng thực phẩm do cơ thể tự thích ứng để có đủ năng lượng hoạt động. Tình trạng này sẽ xảy ra khi cơ thể không được cung cấp đủ Carbohydrate hay Carb để tạo ra năng lượng cho tế bào. Vì không có đủ Carb, cơ thể phải đốt các lượng chất béo có sẵn trong cơ thể để lấy năng lượng thay thế. Trong tiến trình phân hóa, trước hết nó biến chất béo thành những “viên nhiên liệu” cực nhỏ, gọi là Ketones, nằm trong trạng thái sẵn sàng được đốt để cung cấp năng lượng.
Nếu ăn uống bình thường, cơ thể không phải dùng tới chất béo (nếu có thừa thì để dành... trước bụng!) và không có cơ hội chế tạo ra ketones. Nhưng nếu tiết giảm Carb tới mức tối đa, cơ thể sẽ tự động và dứt khoát chuyển sang trạng thái Ketosis, đi tìm mỡ để biến thành Ketones và sẵn sàng chuyển hóa thành năng lượng. Tình trạng Ketosis này cũng xảy ra khi chúng ta tập thể dục lâu giờ, hoặc trong cơ thể các bà bầu.
Nói như vậy không có nghĩa Ketosis luôn luôn là một trạng thái tốt. Nó có thể trở thành nguy hiểm khi số Ketones gia tăng, dẫn tới tình trạng ráo nước (dehydration) và làm cho thành phần hóa chất trong máu bị thay đổi. Chỉ ăn thịt, cá, trứng và những thứ rau xanh vươn cao trên mặt đất. Dễ không? Quá dễ! cũng là quá…. ngon!
Bác sĩ Westman giải thích rằng, chế độ ăn uống này loại trừ những thực phẩm nhiều Carbohydrate ra, và chỉ cho phép ăn những thứ nào thật ít Carbohydrate thôi. Carbohydrate là những chất sẽ hóa sinh thành “đường,” rồi thành năng lượng cung cấp cho chân tay đầu óc. Năng lượng xài không hết sẽ được tích lại để dành sử dụng khi khan hiếm. Mặc dầu Carbohydrate là cần thiết, nhưng với chế độ ăn uống đầy đủ hiện nay, cơ thể chúng ta ít khi gặp tình trạng khan hiếm, mà thường là quá thừa, từ đó mới sinh ra dư đường trong máu, dư mỡ quanh bụng và quanh vòng eo.
Theo Bác Sĩ Westman, chế độ ăn uống thiếu Carbohydrate như trên sẽ đẩy cơ thể vào tình trạng Ketosis, buộc nó phải tìm những hạt mỡ dư thừa mà thanh toán để cung cấp đủ năng lượng cho chân tay và đầu óc. Trên phương diện lý thuyết, các nhà khoa học nêu lên rằng Ketosis kéo dài quá lâu có thể đưa đến tình trạng thiếu nước (dehydration) trong cơ thể. Thiếu nước có nguy hại không? Có, nếu không phản ứng kịp thời, để tình trạng thiếu nước trở nên trầm trọng, bạn có thể cảm thấy khát nước (dĩ nhiên), chóng mặt, ngất xỉu, tim đập loạn xạ, đầu óc quay cuồng…
Đừng bao giờ nghĩ rằng phải nhịn đói. Trái lại, bạn có thể ăn thịt, cá, trứng tự nhiên, chẳng hạn: thịt có thể ăn thịt bò, thịt heo, cừu và các loại thịt khác. Với những loại thịt đã được chế biến sẵn trước khi bán ra thị trường, gọi là processed meats, như sausage, hot dogs, pepperoni… bạn cần phải xem bản thành phần dinh dưỡng và chỉ ăn những thứ nào mà lượng Carbohydrate là 1 gram cho một khẩu phần. Tìm được thịt gia súc nuôi theo phương pháp hữu cơ thì tốt hơn. Ví dụ như gà tây, gà thường, vịt, ngan, ngỗng, chim…
Cá và đồ biển: Bất cứ loại cá gì như hoặc tôm, tép, nghêu, sò, ốc hến (hạn chế những sản phẩm được nuôi dưỡng trong trang trại như vuông tôm, hồ cá… vì có nhiều độc chất). Trứng nguyên trái, cả lòng trắng, lòng đỏ. Nói tóm lại là chẳng bị hạn chế thứ gì, ngay cả chất béo có trong những thực phẩm trên. Đồng thời, không cần hạn chế số lượng, thích ăn đến đâu thì ăn. Nhưng phải ngưng ngay khi cảm thấy đã no!
Thực phẩm được ông khuyên dùng hàng ngày cho bệnh nhân tiểu đường còn có: rau củ các loại: cải bắp, rau diếp, rau dền, cải xoong, cải thìa, đậu đũa, đậu bắp... Ăn súp thịt mỗi ngày 2 chén để có muối cho cơ thể, trừ khi bạn bị cao máu và bác sĩ dặn phải kiêng. Một loại súp thịt phổ thông là súp gà. Thực phẩm cần hạn chế là các loại chế biến sẵn, nước tương…
Q.Như (tổng hợp)