Bệnh thủy đậu gia tăng tại Đà Nẵng

Thứ sáu, ngày 13/03/2015

(BDO) Bệnh thủy đậu đang có chiều hướng gia tăng tại TP Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung. Ngành Y tế thành phố Đà Nẵng đang triển khai các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng chống, nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan rộng.

Bệnh thủy đậu đang gia tăng tại thành phố Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung

Từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi ngày Bệnh viện da liễu Đà Nẵng tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám và điều trị, trong đó chủ yếu là bệnh thủy đậu. Chị Đinh Thị Cẩm Vân ở phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, cho biết: Gia đình chị có 2 con và 1 đứa cháu mắc thủy đậu. Cháu đầu bị vào thời điểm sát Tết nên chị đưa đi khám tư, điều trị không đúng cách dẫn đến bị bội nhiễm và biến chứng nặng, nên lần này ngay khi phát hiện cháu thứ 2 mắc bệnh chị đưa ngay đến Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng: Đứa đầu mình khám tư lây qua đứa thứ 2 nên mình cũng rút kinh nghiệm cho đi bệnh viện sớm. Cháu bị đã 10 ngày rồi đây, bị bội nhiễm. Triệu chứng ban đầu là cháu mệt, vừa phát ban vừa sốt rồi chuyển qua ho. Bệnh đông quá, quá tải 2 giường 6 người đâu có chỗ nằm đâu.

Bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu đến khám và nhập Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng điều trị gia tăng từng ngày. Trong số này hầu hết đều chưa qua tiêm phòng. Anh Ngô Văn Bình ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang cho hay, ở địa phương anh, trẻ nhỏ mắc thủy đậu rất nhiều, có gia đình 2, 3 người mắc bệnh. Thấy vậy, anh đã chủ động đưa con đi tiêm phòng, nhưng trạm xá xã không có vắc xin nên đành chịu: Bệnh thủy đậu có thể ngừa bằng vắc xin được nhưng mà hiện tại trên trạm chưa có. Nếu chích ngoài dịch vụ thì quá cao đối với dân lao động với lại phải đi xa xuống các trung tâm lớn mới có.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng đã ghi nhận  hơn 350 trường hợp mắc thủy đậu điều trị tại Bệnh viện Da liễu, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Bác sỹ Phạm Thị Kim Oanh  điều trị tại Khoa Da - Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng cho biết: bệnh nhân nhập viện điều trị không chỉ ở Đà Nẵng mà còn có các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, trong khi quy mô của khoa chỉ 80 giường. Mặc dù đã kê thêm 10 giường, nhưng bệnh nhân vẫn phải nằm ghép đôi, ghép 3 vừa chật chội, vừa gia tăng nguy cơ lấy chéo. Điều đáng lo là, nhiều người còn chủ quan với bệnh thủy đậu. Sau khi phát hiện mắc bệnh thay vì đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời thì lại tự chữa bằng phương pháp dân gian, đưa đến bệnh viện quá muộn, chăm sóc không đúng cách nên nguy cơ bị bội nhiễm và biến chứng cao.

Bác sỹ Phạm Thị Kim Oanh khuyến cáo: Số bệnh nhân nặng cũng rất là nhiều do các bà mẹ chăm sóc không đúng cách. Ví dụ cho các con tắm bằng nước lá,dẫn đến bội nhiễm toàn thân. Đa số các cháu đến trong tình trạng bị nhiễm trùng. Hiện nay đã có vắc xin ngừa thủy đậu đề nghị các bà mẹ đưa các con đến chích ngừa sớm, đúng theo lịch; Tránh cho trẻ tiếp xúc với trẻ mắc bệnh ; Môi trường sống phải vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, khi phát hiện bệnh phải nhanh chóng đến cơ sở y tế khám điều trị trong thời gian sớm nhất.

Ngoài bệnh thủy đậu, một số bệnh khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết… cũng có chiều hướng gia tăng ở các tỉnh miền Trung. Ngành chức năng và chính quyền các địa phương nơi đây đang chủ động các biện pháp phòng chống nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh./.

Theo TTXVN