Bệnh tay chân miệng vào mùa cao điểm
(BDO)
Khi mà sốt xuất huyết vẫn đang là mối lo, công tác dập dịch, phun hóa chất diện rộng đang được thực hiện tại các địa phương thì bệnh tay chân miệng (TCM) cũng bước vào mùa cao điểm! Những ngày qua, bệnh nhân mắc bệnh TCM tăng nhiều, phụ huynh cần chú ý để con không mắc bệnh TCM hoặc mắc bệnh sẽ không trở nặng…
Khám bệnh cho trẻ em
Theo thống kê tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, từ đầu năm đến ngày 10- 10-2015 có 655 ca TCM điều trị nội trú tại bệnh viện. Mỗi ngày có khoảng 35 - 40 ca TCM điều trị nội trú tại Khoa Nhi BVĐK tỉnh. Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh TCM là trẻ em. Chị Mai (phường Phú Hòa, TP.TDM) cho biết, con gái chị bị một vài nốt sẩn đỏ ở da và ít sốt nên chị nghĩ là bé bị dị ứng thức ăn hay viêm da. Do bận đi làm nên chị không để ý đến. Cho đến khi thấy con bứt rứt, không chịu ăn, chị đưa đi khám ở phòng khám tư nhân mới biết con mình mắc bệnh TCM.
Bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh giải thích về bệnh TCM: Bệnh do vi rút đường ruột gây ra, bệnh lây từ người sang người và dễ gây thành dịch nếu không có biện pháp phòng tránh, vệ sinh cẩn thận. Dịch bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến 11 hàng năm. Đây là thời điểm cao điểm của bệnh TCM. Trong 2 tháng 8, 9 và đầu tháng 10, số bệnh nhân TCM tăng so với các tháng trước. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.
Bệnh TCM cũng là một trong những bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan rất nhanh qua đường miệng từ trẻ này sang trẻ khác qua các chất tiết mũi, miệng, phân hay bọt nước của trẻ bệnh. Trẻ lành tiếp xúc trực tiếp với trẻ bệnh, bị nhiễm bệnh do tiếp xúc nước bọt của trẻ bệnh được văng ra trong lúc ho, hắt hơi; hoặc do trẻ lành cầm nắm đồ chơi, chạm vào sàn nhà bị dây dính nước bọt, chất tiết mũi họng của trẻ bệnh. Ngoài ra, bệnh còn lây qua bàn tay của những người chăm sóc trẻ. Vì thế, việc chăm sóc, vệ sinh cho trẻ, nhất là lứa tuổi mầm non, mẫu giáo cần hết sức quan tâm. Nếu phát hiện có trẻ bị TCM phải được điều trị ngay, tránh lây lan cho trẻ khác.
Phụ huynh cũng cần chú ý đến biểu hiện ban đầu của trẻ khi mắc bệnh TCM như thường sốt cao liên tục, đau họng, chảy nước miếng hoặc nôn ói nhiều, đặc biệt là giật mình lúc ngủ. Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Ngay khi trẻ bị run tay, giật mình, đi đứng loạng choạng, thở mệt… có thể đã bị biến chứng, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Ghi nhận của chúng tôi trong những ngày qua tại Khoa Nhi của BVĐK tỉnh lại tiếp tục quá tải. Trẻ mắc các bệnh như sốt xuất huyết, TCM, tiêu chảy tăng. Phòng cấp cứu của khoa vẫn còn 2 trẻ nằm chung giường. Một điều mà mọi người cần quan tâm là hầu hết những ca mắc bệnh truyền nhiễm ở các khu dân cư, phòng trọ ẩm thấp nên điều kiện vệ sinh không bảo đảm khiến cho bệnh nhân tăng. Ý thức phòng bệnh của người dân cũng chưa cao mà chỉ đến khi con em mắc bệnh mới lo! Do tình hình tăng dân số cơ học, bệnh nhân không yên tâm điều trị tuyến dưới dẫn đến tình trạng tăng số lượng bệnh nhân cả đến khám lẫn điều trị nội trú… Vấn đề chủ yếu vẫn là tăng cường công tác vệ sinh phòng bệnh, tránh để dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra…
Khuyến cáo của bác sĩ phòng bệnh TCM:
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, đặc biệt sau khi tiếp xúc với các vết bọng nước hoặc vết loét, rửa tay trước khi nấu ăn hoặc trước khi ăn, rửa tay trước khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh và thay tã. Rửa sạch các bề mặt và vật dụng bị nhiễm khuẩn (kể cả đồ chơi) bằng nước và xà phòng trước, sau đó tẩy trùng bằng chất tẩy có chứa Chlorine pha loãng… Không để trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang nhiễm bệnh đến nhà trẻ, mẫu giáo, trường học hoặc tụ tập đông người cho đến khi khỏe hẳn. Cần theo dõi sát tình trạng của trẻ nhiễm bệnh và can thiệp y tế kịp thời nếu trẻ sốt cao liên tục, mất tỉnh táo hoặc tình trạng chung diễn biến theo chiều hướng xấu…
QUỲNH NHƯ