Bệnh tay chân miệng vẫn chưa hạ nhiệt

Thứ ba, ngày 18/07/2023

(BDO) Hiện nay, bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, diễn biến phức tạp với số ca mắc, nặng tăng nhanh. Trung bình 1 tuần, toàn tỉnh ghi nhận 215 ca. Đặc biệt, thời gian này tỉnh có nhiều trẻ mắc bệnh TCM nặng phải nhập viện.


Bác sĩ thăm khám bệnh nhân điều trị bệnh tay chân miệng mức độ nhẹ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Có nguy cơ xuất hiện thêm ca tử vong

Hiện nay, đang là cao điểm của bệnh TCM, cũng là cao điểm của dịch sốt xuất huyết Dengue và các dịch bệnh khác do diễn biến phức tạp của thời tiết. Nếu các dịch bệnh này đều tăng sẽ dẫn đến nguy cơ gây quá tải hệ thống y tế. Trong đó, số ca mắc TCM vẫn ở mức cao, chưa có xu hướng giảm, trung bình mỗi tuần ghi nhận khoảng 215 ca. Số ca mắc, chuyển nặng chủ yếu rơi vào 2 nhóm tuổi có tỷ lệ mắc cao là trẻ từ 1 - 2 tuổi (chiếm 33,11%) và trẻ từ 2 đến dưới 6 tuổi (chiếm 54,68%). Hai nhóm tuổi này thuộc nhóm trẻ và mẫu giáo. Tổng số ca bệnh nặng trên toàn tỉnh là 74 ca. Tỷ lệ ca nặng độ 2b trở lên chiếm 4%. Số ca mắc bệnh TCM không chỉ tăng mà còn diễn tiến nặng hơn.

Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi ngày trung bình Khoa Nhi tiếp nhận 1-2 trường hợp bệnh nặng được chuyển từ các khoa, phòng khác. Bệnh nhi T.H.B.A. ở Thuận An là trường hợp bị bệnh ở mức độ nặng. Bệnh nhi bị sốt cao liên tục, thường xuyên giật mình trong lúc ngủ, nhịp thở nhanh, mạch nhanh. Bé B.A. đã được truyền thuốc Gammar globulin kháng vi rút TCM nhưng tình trạng bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm mà còn trở nặng hơn. Bé xuất hiện những cơn ngưng thở, mỗi cơn khoảng 3 giây kèm rung chi, ngồi không vững. Trước tình trạng bệnh của bé, bác sĩ phải đặt ống nội khí quản để ổn định thần kinh, thậm chí phải lọc máu để thải độc tố của vi rút TCM ra ngoài. Sau một tuần điều trị tích cực, sức khỏe bé dần tốt lên, cai máy thở, đang tiếp tục theo dõi đến khi hồi phục hoàn toàn.

Thống kê của các bệnh viện, trước mắt thuốc điều trị bệnh TCM vẫn còn nhưng nếu số ca bệnh tiếp tục tăng, đặc biệt là các ca bệnh nặng sẽ gây căng thẳng đến việc điều trị. Ngành y tế tỉnh cũng đã có những phương án dự trù thuốc, sinh phẩm điều trị bệnh.

Trao đổi với P.V, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho hay cao điểm bệnh TCM thường diễn ra vào khoảng tháng 9 đến tháng 11. Tuy nhiên, năm nay dịch đến sớm hơn, diễn tiến bất thường hơn và có nhiều ca bệnh nặng. Dự báo bệnh TCM trong những tháng tới có thể có xu hướng tăng cao, đặc biệt số ca bệnh nặng và có nguy cơ xuất hiện thêm ca tử vong. Nguyên nhân là do có sự xuất hiện của vi rút Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.

Phòng bệnh quan trọng là rửa sạch tay

Thông tin với P.V về việc gia tăng ca bệnh TCM ở địa phương, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết: “Thuận An là địa phương đặc thù với mật độ dân cư cao tại các khu trọ. Điều này tạo thuận lợi cho việc lây lan dịch bệnh TCM. Dân số luôn có sự di biến động lớn nên gây khó khăn cho việc quản lý và xử lý ổ dịch. Hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh cho trẻ của các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ để phòng, chống bệnh có chuyển biến nhưng còn chậm và chưa duy trì thường xuyên. Địa phương luôn theo dõi sát tình hình dịch, đánh giá nguy cơ để sớm triển khai các hoạt động phòng, chống kịp thời và hiệu quả”.

Trước thực tế nhiều trẻ mắc bệnh TCM nặng nhập viện, ngành y tế tỉnh lưu ý thông thường các biến chứng thường xuất hiện vào ngày thứ 3 - thứ 5 của bệnh. Dấu hiệu chính là trẻ bị thay đổi giấc ngủ, giật mình, chới với. Lúc này nên chú ý trong lòng bàn tay trẻ có nổi nốt, miệng bị loét, vài ngày trước trẻ có than đau miệng, chảy nước bọt hay không. Đó là những dấu hiệu cần quan sát để phát hiện sớm biến chứng.

Bác sĩ Lê Thị Trang, Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhấn mạnh: “Bàn tay trẻ hoặc bàn tay của người chăm sóc khi đụng chạm những đồ vật nhiễm vi rút sẽ mang vi rút trên bàn tay. Nếu đưa bàn tay lên mắt, mũi, miệng thì sẽ đưa vi rút vào trong cơ thể. Những người chăm sóc trẻ cần bảo đảm vệ sinh cho bàn tay, rửa tay thường xuyên để không mang vi rút lây bệnh cho trẻ. Phòng bệnh TCM quan trọng nhất là rửa sạch bàn tay trẻ và người chăm sóc trẻ, vệ sinh khử khuẩn các bề mặt đồ vật mà tay hay sờ chạm tới”.

“Bàn tay trẻ hoặc bàn tay của người chăm sóc khi đụng chạm những đồ vật nhiễm vi rút sẽ mang vi rút trên bàn tay. Nếu đưa bàn tay lên mắt, mũi, miệng thì sẽ đưa vi rút vào trong cơ thể. Những người chăm sóc trẻ cần bảo đảm vệ sinh cho bàn tay, rửa tay thường xuyên để không mang vi rút lây bệnh cho trẻ. Phòng bệnh TCM quan trọng nhất là rửa sạch bàn tay trẻ và người chăm sóc trẻ, vệ sinh khử khuẩn các bề mặt đồ vật mà tay hay sờ chạm tới”.

(Bác sĩ Lê Thị Trang, Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh)

HOÀNG LINH