Bệnh tay chân miệng ở người lớn và ở trẻ em khác nhau thế nào?

Thứ hai, ngày 26/06/2023

(BDO)

Đặc trưng của bệnh tay chân miệng là nổi mụn nước xung quanh miệng, tay và chân

Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, con đường lây lan chủ yếu là qua đường tiêu hóa, lây trực tiếp thông qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết mũi họng hay nốt phỏng bị vỡ của người đang bị bệnh.

Dù ở người lớn hay trẻ em, nguyên nhân gây bệnh là các loại virus thuộc nhóm đường ruột gây ra, gồm có Coxsackie, Echo và các virus đường ruột khác, trong đó hay gặp là virus đường ruột type 71 (EV71) và Coxsackie A16.

Virus EV71 có thể gây ra các biến chứng nặng và tử vong.

Bệnh thường xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, người lớn cũng hoàn toàn có thể mắc nếu như hệ miễn dịch chưa đủ mạnh để chống lại virus gây bệnh.

Như vậy, người lớn đang chăm sóc trực tiếp các trẻ nhỏ bị bệnh mà không thực hiện các biện pháp dự phòng, hay người lớn có hệ miễn dịch yếu gặp môi trường chứa virus gây bệnh sẽ bị các virus dễ dàng xâm nhập, khiến họ mắc bệnh.

Các dấu hiệu của bệnh ở người lớn cũng tương tự như ở trẻ em; tuy nhiên, triệu chứng ở người lớn thường khó nhận biết, dễ bị bỏ qua, cộng với tâm lý chủ quan “người lớn không bị mắc tay chân miệng” sẽ dẫn đến việc bệnh ở người lớn không được phát hiện, điều trị kịp thời, để lại hậu quả nghiêm trọng ở một số bệnh nhân.

Bên cạnh đó, người lớn khi chăm sóc, tiếp xúc với người bệnh có thể mang virus, khi không phòng bệnh đúng cách thì bản thân cũng có thể mang mầm bệnh, trở thành nguồn lây bệnh cho trẻ em và các thành viên trong gia đình.

Nhận biết bệnh tay chân miệng ở người lớn

Bệnh tay chân miệng ở người lớn cũng có triệu chứng như ở trẻ em, ở những ngày đầu, các triệu chứng thường không quá rõ và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh thường gặp khác.

Thời gian ủ bệnh ở người lớn từ 3-6 ngày; khởi phát bệnh nhân có thể bị sốt nhẹ và đau rát ở họng, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.

Phát ban dạng mụn nước:

+ Trên cơ thể người mắc bệnh sẽ có các mụn nước nhỏ, xuất hiện ở trong miệng, bàn tay, cánh tay, bàn chân, đầu gối, đùi, mông, vùng bẹn...

+ Những nốt ở trong miệng rất dễ gây nhầm lẫn với bệnh nhiệt miệng dẫn đến việc chậm chữa trị khiến bệnh càng thêm nặng.

Các vết loét trong miệng là vết loét đỏ hay tổn thương dạng phỏng nước, đường kính khoảng 2-3mm, ở niêm mạc miệng, má, lợi, lưỡi, khi vỡ ra sẽ tạo thành các vết loét trong miệng và gây đau.

Tuy nhiên, một vài trường hợp, người mắc bệnh tay chân miệng không có những nốt mụn nước, thay vào đó chỉ phát ban đỏ, nên dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác.

Ở người trưởng thành, có thể có thêm các dấu hiệu: ho, sốt, sổ mũi, mệt mỏi, nôn mửa, tiêu chảy, đau nhức cơ, ăn uống không ngon...

Biến chứng bệnh tay chân miệng ở người lớn

Hầu hết người lớn mắc bệnh sẽ tự khỏi sau hơn 1 tuần và một số người lớn có sức đề kháng cơ thể yếu, bệnh sẽ tiến triển nặng nề hơn, như xuất hiện các tổn thương ở vị trí da và niêm mạc; các nốt mụn nước vỡ ra hình thành vết loét, dễ bị bội nhiễm có mủ.

Tay chân miệng ở người lớn nếu không được chăm sóc và xử trí tốt có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như biến chứng thần kinh (viêm não, viêm màng não, viêm não tủy...), biến chứng tim mạch (viêm cơ tim, phù phổi cấp, suy tim, trụy tim mạch...).

Các biến chúng này có thể nguy hiểm đến tính mạng, do vậy cần đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Điều trị bệnh tay chân miệng ở người lớn

Hiện không có điều trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tay chân miệng thường tự khỏi trong vòng 7-10 ngày.

Khi điều trị tại nhà cần lưu ý:

- Hạ sốt, giảm đau miệng, họng: có thể uống thuốc Paracetamol khi sốt hơn 38 độ C.

- Giảm ngứa (nếu cần): khác với trẻ em, tay chân miệng ở người lớn thường gây ngứa nhiều hơn do vậy, có thể dùng kem bôi hoặc thuốc chống dị ứng khi bệnh nhân bị ngứa nhiều.

- Chăm sóc vết mụn nước, vết phát ban, vết loét: sát khuẩn vết loét để hạn chế quá trình loét và bội nhiễm vết loét; bằng các dung dịch sát khuẩn như xanh Methylen 1%, gel bôi miệng.

- Không sử dụng kháng sinh hoặc bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định của bác sỹ vì thuốc kháng sinh không hiệu quả cho bệnh nhiễm virus này.

-Tắm rửa hằng ngày bằng nước ấm, tránh cọ rửa, chà xát các vết mụn nước gây vỡ; có thể hòa loãng các dung dịch sát khuẩn vào nước để tắm.

Dùng xanh Methylen hoặc dung dịch Betadin để chấm lên các nốt phỏng nước sau khi tắm. Quần áo nên chọn loại vải mềm, rộng rãi, thấm hút mồ hôi.

- Chế độ dinh dưỡng: có chế độ ăn uống đủ chất, tránh ăn đồ chua, thức ăn mặn hoặc cay, tránh các thức ăn cần nhai nhiều để giúp các vết loét trong miệng không bị tổn thương.

Nên ăn thức ăn mềm nhẹ trong vài ngày và uống thật nhiều nước. Nên dùng đồ uống nguội mát và súc miệng bằng nước sạch sau mỗi bữa ăn.

Các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng chưa có vaccine nên các biện pháp vẫn chỉ tập trung ở phát hiện điều trị đúng và phòng ngừa lây nhiễm.

Người lớn cần chủ động phòng tránh lây nhiễm khi chăm sóc trẻ bị bệnh. Cần thực tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân, đồng thời không trở thành nguồn lây cho những người khác.

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch sát khuẩn tay, đặc biệt sau khi tiếp xúc với các vết mụn nước hoặc vết loét sau khi chăm sóc người bệnh.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn có chứa chlorine như: dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà...

Thực hiện ăn chín uống sôi, không sử dụng chung các đồ dùng ăn uống với người bệnh; tránh tiếp xúc gần gũi (ôm, hôn) với những thành viên trong gia đình để hạn chế lây nhiễm bệnh.

Trong tuần qua, 20 tỉnh thành phía Nam đã ghi nhận hơn 2.000 ca bệnh tay chân miệng, tăng 23% so với tuần trước.

Hiện thống kê dựa trên số ca mắc bệnh nặng nhập viện, còn số ca nhẹ chưa thống kê có thể cao hơn nhiều.

Theo báo cáo của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An..., tỷ lệ ca mắc trên 100.000 dân hiện cao so với năm trước và so với trung bình 5 năm vừa qua. Đây cũng là những tỉnh có tỷ lệ ca nặng cao.

Đồng Tháp đã ghi nhận hơn 900 ca tay chân miệng, trong đó ca mắc dưới 3 tuổi chiếm 68%, vừa có 1 trường hợp tử vong.

Đồng Nai cũng có 1.694 ca mắc, giảm 56,37% so với cùng kỳ 2022 (3.883 ca), không ghi nhận ca tử vong. Tuy nhiên, số ca mắc có xu hướng tăng từ đầu tháng 3, đặc biệt từ tháng 5 tăng mạnh, mỗi tuần có 200-300 ca nhập viện.

Đặc biệt phân độ tay chân miệng hiện chưa được báo cáo rõ ràng, 81% ca bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh chưa được phân bổ lâm sàng, gây ảnh hưởng đến đánh giá lâm sàng, xác định xu hướng bệnh tật.

Đã có 7 bệnh nhân tử vong, chủ yếu là trẻ 5 tuổi, mà nguyên nhân tử vong ở 5/7 ca được xác định là do virus Entero 71 (EV17). Đây là virus thường gây bệnh tay chân miệng ở trẻ em và có nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm, do đó, trường học, khu vui chơi tập trung đông trẻ em được xác định là nơi có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao.

Các chuyên gia y tế cũng cho biết có 50% người lớn mắc bệnh nhưng không có triệu chứng, đây là nguồn lây quan trọng nhưng vì không có triệu chứng nên rất dễ lây sang trẻ em.

Nhiều trường hợp khác cũng mắc bệnh nhưng biểu hiện không rõ ràng. Do vậy, cần lưu ý đưa chẩn đoán quan tâm phát hiện sớm, trẻ nhập viện sớm phòng biến chứng, tử vong.

Ghi nhận tình trạng bệnh tay chân miệng tăng nhanh từ đầu tháng 5 và có nhiều ca biến chứng nặng, Bộ Y tế đã triển khai biện pháp phòng chống dịch tích cực và khuyến cáo các tỉnh khẩn trương ban hành kế hoạch phòng chống dịch truyền nhiễm năm 2023, đảm bảo 4 tại chỗ và chủ động triển khai.

Song song với đó là tăng cường theo dõi, giám sát tình hình dịch, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch.

Các cơ sở y tế phải tổ chức tổ phân tuyến điều trị, phân luồng khám chữa bệnh; tuyến trên phải tăng cường tập huấn, giám sát chặt chẽ, thực hiện phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.

Phát hiện sớm dịch bệnh, truyền thông tại cộng đồng, tại trường học để phòng dịch.

Việt Nam hiện chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng, nên Bộ Y tế đề nghị các tỉnh phải đảm bảo trang thiết bị, vật tư hóa chất, thuốc điều trị để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh./.

Theo TTXVN