Bệnh nhân sốt xuất huyết vẫn tăng cao
Bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) nặng phải nhập viện vẫn tăng trong những ngày qua. Đang là cao điểm mùa mưa, mùa của dịch bệnh SXH và tay chân miệng (TCM) nên bà con vẫn phải cẩn thận phòng tránh…
Các bệnh nhi mắc bệnh SXH, TCM đang được điều trị tại phòng cấp cứu 1, Khoa Nhi BVĐK tỉnh
Ghi nhận của chúng tôi vào ngày 16-9, tại phòng cấp cứu 1 và 2, Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, có đến 24 bệnh nhân (BN) đang điều trị tại đây. Đa số các BN mắc bệnh SXH, TCM trở nặng phải điều trị tích cực bằng máy trợ thở. Tình trạng 2 BN nằm một giường vẫn còn do quá tải. Khoa Nội cũng có nhiều BN bệnh SXH (người lớn) đang nằm điều trị. Bác sĩ, y tá của các khoa cũng bận rộn hơn với tình trạng đông BN nhập viện trong những ngày qua. Riêng tại Khoa Nhi, BVĐK tỉnh, điều trị nội trú bệnh SXH có 50 - 60 ca, bệnh TCM có 20 ca/ngày.
Theo thống kê của BVĐK tỉnh, bệnh SXH có BN ở tất cả các tháng trong năm chứ không phải vào mùa mưa mới mắc bệnh. Theo bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh, dự báo mùa mưa năm nay sẽ kéo dài đến tháng 11 nên cần thiết phải nâng cao ý thức phòng, chống SXH…
Theo khuyến cáo của bác sĩ, bệnh SXH có biểu hiện nặng nhất của bệnh là hội chứng sốc dengue gây ra do Dengue virus (chi Flavivirus, họ Flaviviridae). Virus này có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. BN nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó. Chính vì vậy mà những người sống trong vùng lưu hành dịch dengue có thể mắc bệnh SXH nhiều hơn một lần trong đời. Sốt dengue và SXH dengue chủ yếu là bệnh ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nhiễm virus dengue gây nên triệu chứng lâm sàng khác nhau tùy từng cá thể. Bệnh có thể chỉ biểu hiện như một hội chứng nhiễm virus không đặc hiệu hoặc bệnh lý xuất huyết trầm trọng và đưa đến tử vong. SXH dengue là một bệnh do virus lây truyền do muỗi thường gặp nhất ở người. Trong những năm gần đây, bệnh đã trở thành mối quan ngại lớn đối với sức khỏe cộng đồng trên bình diện quốc tế. Đây là vấn đề mà ngành y tế cũng luôn quan tâm tăng cường phòng chống bệnh dịch trong thời gian qua.
Trước tình hình xuất hiện các ổ dịch SXH, Sở Y tế cũng đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Y tế 9 huyện, thị, thành phố ra quân phun hóa chất diện rộng để dập dịch. Trong đó tập trung cho các địa bàn có số ca mắc bệnh cao như TP.TDM, TX.Dĩ An… Trong những ngày này, cán bộ cùng các nhóm cộng tác viên y tế vãng gia đã trực tiếp đến tận hộ gia đình, hướng dẫn vận động gia đình tham gia chiến dịch vệ sinh môi trường với các hình thức thả cá diệt lăng quăng, thu gom phế thải, súc rửa, đậy các dụng cụ chứa nước, quét dọn và phát quang bụi rậm. Công tác tuyên truyền cũng được tăng cường thực hiện nhằm giảm thiểu tối đa số ca mắc bệnh.
Cũng theo bác sĩ Minh Nguyệt, hầu hết các ca nặng đang cấp cứu ở Khoa Nhi nhập viện khá trễ nên khó điều trị hơn nếu bệnh còn nhẹ. Một vấn đề đáng lưu ý là nhiều phụ huynh tự mua thuốc cho con uống ở các tiệm thuốc tây mà không đưa con đến khám ở các cơ sở y tế. Bệnh SXH nặng sẽ gây tổn thương gan, suy gan cấp trong khi đó, nhiều phụ huynh thấy con sốt nên nóng ruột cho con uống thuốc hạ sốt quá liều. Các liều thuốc hạ sốt đều cần uống cách nhau khoảng 6 tiếng chứ không được lạm dụng. Bác sĩ Nguyệt cũng khuyến cáo phụ huynh không nên tự ý mua thuốc cho con, không cho uống thuốc hạ sốt quá liều (đã có ca bệnh nhi cấp cứu do uống thuốc theo liều của người lớn!). Và khi sốt cao 2 - 3 ngày, uống thuốc không hạ sốt phải nhanh chóng nhập viện điều trị.
QUỲNH NHƯ