Bệnh nghề nghiệp: Cần sự quan tâm thỏa đáng hơn

Thứ ba, ngày 26/03/2019

(BDO) Hiện nay, người lao động (NLĐ) mắc các bệnh nghề nghiệp (BNN) tại các doanh nghiệp (DN) đang gia tăng bởi ảnh hưởng từ môi trường làm việc, thế nhưng sự quan tâm của người sử dụng lao động vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành để phòng, chống BNN cho NLĐ.


Bác sĩ Trung tâm Sức khỏe lao động - Môi trường tỉnh đo thính lực cho NLĐ

Bệnh điếc nghề nghiệp và bụi phổi gia tăng

Làm công nhân cơ khí được gần 3 năm, mức lương tương đối cao nhưng anh Nguyễn Trọng Nhân (phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một) phải nghỉ việc để xin chuyển công việc khác. Anh Nhân cho biết sau 3 năm làm nghề, thính giác giảm rõ, khả năng nghe hạn chế rất nhiều. Thấy vậy, anh tự đi kiểm tra và được bác sĩ kết luận giảm thính lực do tiếp xúc nhiều tiếng ồn vượt quá quy định. Chính vì vậy, anh đã xin nghỉ để điều trị.

Bên cạnh sự chủ động đi khám, điều trị BNN của NLĐ, hiện nay, Trung tâm Sức khỏe lao động - Môi trường (SKLĐ-MT) tỉnh cũng đã phối hợp với các DN để đo thính lực sơ bộ cho NLĐ đang làm việc tại các vị trí có nguy cơ cao bị bệnh điếc nghề nghiệp. Qua khám sơ bộ, rất nhiều NLĐ mắc bệnh điếc nghề nghiệp. Con số này ngày một gia tăng, chiếm số lượng nhiều nhất trong danh sách các BNN, theo bác sĩ Bồ Văn Vụ, Phó trưởng khoa BNN (Trung tâm SKLĐ-MT tỉnh). Đối với bệnh điếc nghề nghiệp chủ yếu do môi trường làm việc có nhiều tiếng ồn vượt mức quy định, tập trung ở các ngành nghề thép, cơ khí. Tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhưng DN không áp dụng các biện pháp chống ồn, lắp đặt vật liệu hấp thu âm thanh. NLĐ làm việc lâu ngày trong môi trường này dễ mắc bệnh điếc nghề nghiệp.

Xếp sau bệnh điếc nghề nghiệp là bệnh bụi phổi nghề nghiệp. Công nhân sản xuất đồ gốm, dệt may là đối tượng dễ mắc bệnh bụi phổi. Nguyên nhân gây bệnh bụi phổi chủ yếu là do tiếp xúc với vật liệu có tính phân tán thành những hạt rất nhỏ có khả năng xâm nhập vào phổi thông qua quá trình người bệnh hít thở vào trong cơ thể thường xuyên. Triệu chứng chung thường xuất hiện ở những người bị bệnh bụi phổi là ho khan hoặc khạc đờm đen, ho ra máu vào buổi sáng, tức ngực, khó thở, bị viêm tắc nghẽn tiểu phế quản tận.

Phòng, chống BNN cho NLĐ

Hiện nay, qua khám định kỳ cho NLĐ còn phát hiện một số BNN khác, như: Nhiễm độc chì, nhiễm độc toluen, nốt dầu nghề nghiệp, rung cục bộ nghề nghiệp… Dù không gây tổn hại trước mắt hoặc biểu hiện nhiều ra bên ngoài nhưng bệnh để lại hậu quả nghiêm trọng “tàn phá” sức khỏe, thể chất, tinh thần NLĐ.

Để hạn chế bệnh điếc nghề nghiệp và bụi phổi, bác sĩ Trần Nguyên Hòa (Trung tâm SKLĐ-MT tỉnh) khuyến cáo, NLĐ thường xuyên tiếp xúc với bụi phải sử dụng các thiết bị bảo hộ như quần áo, kính mắt, khẩu trang chống bụi theo đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất. Hạn chế bệnh điếc nghề nghiệp, ngoài giảm thiểu tác hại tiếng ồn đến người NLĐ, DN cần chủ động bố trí, luân chuyển lao động hợp lý. Đặc biệt phải tăng cường biện pháp dự phòng bằng cách thường xuyên tổ chức khám và phát hiện sớm tình trạng giảm thính lực ở NLĐ (6 tháng/lần).

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trong DN, cũng như nâng cao ý thức sử dụng bảo hộ cho NLĐ, sở đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền tại DN. Bên cạnh đó, Thanh tra sở cũng đã kết hợp kiểm tra môi trường làm việc tại các DN để kịp thời nhắc nhở chủ DN cải thiện môi trường làm việc cho NLĐ. Qua thanh tra, phát hiện DN chưa trang bị bảo hộ cho NLĐ, môi trường làm việc không bảo đảm đã tiến hành xử phạt, nhắc nhở. Tuy nhiên, mức xử phạt vẫn chưa đủ cao nên DN còn thờ ơ trong việc cải thiện môi trường làm việc, trang bị bảo hộ cho NLĐ.

Theo báo cáo của Trung tâm SKLĐ-MT tỉnh, năm 2018 có 217 DN khám BNN cho NLĐ, nhiều nhất là đo thính lực sơ bộ, khám phổi nghề nghiệp cho công nhân. Qua quá trình khám sơ bộ, những trường hợp phát hiện bệnh sẽ được Trung tâm SKLĐ-MT tỉnh giới thiệu đến các bệnh viện trong tỉnh và TP.Hồ Chí Minh khám, điều trị.

 

THIÊN LÝ