Bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra ở Phú Giáo: Xử lý dứt điểm, không để lây lan
(BDO)
Lực lượng chức năng và người dân xử lý, tiêu hủy số heo bị bệnh dịch tả heo châu Phi ở xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo. Ảnh: MINH DUY
Vào cuộc quyết liệt
Hôm qua (22-5), xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo tiếp tục tập trung hỗ trợ bà con tiêu hủy hết đàn heo nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi trước đó tại 2 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn nhằm tránh nguy cơ lây lan bệnh dịch. Các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trên toàn địa bàn xã cũng được thực hiện tích cực, liên tục.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Minh Hải, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa, cho biết trước việc xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn, địa phương đã và đang phối hợp với lực lượng thú y tập trung mọi nguồn lực dập dịch, xử lý tiêu hủy hết heo nhiễm bệnh tại địa điểm tập trung nhằm ngăn chặn bệnh lây lan. Xã đã tổ chức họp với đại diện 23 trang trại chăn nuôi và hơn 100 hộ chăn nuôi heo trên địa bàn để nghe công bố bệnh dịch tả heo châu Phi, đồng thời phổ biến cho bà con về việc đẩy mạnh công tác an toàn sinh học trên đàn heo để tránh lây nhiễm.
Bên cạnh đó, xã đã huy động lực lượng cán bộ, dân quân, công nhân các trang trại kết hợp với lực lượng thú y địa phương tiêu hủy toàn bộ số heo (1.004 con/2 hộ) bị nhiễm bệnh. Công tác tuyên truyền cũng được xã đẩy mạnh để bà con hiểu được các biện pháp an toàn sinh học, cách giải quyết khi heo có dấu hiệu bị bệnh, tránh tâm lý bán tháo bán chạy gây bùng phát dịch. Cùng với đó, xã tích cực hướng dẫn biện pháp chuyên môn phòng bệnh dịch đến các hộ chăn nuôi, vận động cam kết không vận chuyển, không vứt xác heo ra môi trường, khai báo khi thấy đàn vật nuôi có biểu hiện bất thường…
Mặc dù người chăn nuôi và các cơ quan quản lý đang quyết liệt thực hiện khoanh vùng, ngăn bệnh dịch lây lan, tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên Báo Bình Dương, tối 21-5 trên địa bàn xã Vĩnh Hòa tiếp tục có thêm heo chết tại hộ bà Nguyễn Thị Kim Huỳnh Mai (ấp Trảng Sắn) và hộ ông Nguyễn Quang Tân (ấp Kỉnh Nhượng). Tại 2 hộ chăn nuôi này (hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng 80 con heo), hiện đàn heo có dấu hiệu bị nhiễm bệnh sau khi mỗi hộ đã có 1 con chết. Ngay khi có tin xảy ra bệnh dịch tại 2 hộ chăn nuôi này, chính quyền địa phương và cơ quan thú y huyện đã đến hiện trường, lập biên bản, cách ly đàn heo và xử lý vụ việc theo quy định.
Theo ông Bùi Văn Kiệt, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6, lực lượng quản lý thị trường đã và đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát thịt heo bán tại các chợ trên địa bàn huyện Phú Giáo. Trong trường hợp phát hiện thịt bày bán không có dấu kiểm dịch và không rõ nguồn gốc xuất xứ, đội kết hợp với các ngành chức năng xử lý theo quy định. Ông Kiệt cho biết thêm, thời điểm này thịt heo bán tại các chợ trên địa bàn huyện không có biến động lớn về giá.
Người chăn nuôi tích cực phòng chống bệnh dịch
Ông Trần Văn Phú, Chủ nhiệm Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ Vĩnh Hòa (ấp Trảng Sắn, xã Vĩnh Hòa), cho hay sau khi bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra trên địa bàn ông hết sức lo lắng cho đàn heo của mình. Để ngăn ngừa dịch, ông đã thực hiện công tác an toàn sinh học trên đàn heo 600 con rất nghiêm ngặt. Ông còn đầu tư hệ thống phun sương tự động để phun thuốc sát khuẩn cho đàn heo định kỳ trong ngày, cùng với đó rắc vôi khử trùng xung quanh chuồng trại và các cửa ngõ ra vào, căng lưới chống ruồi muỗi cho đàn heo của mình.
Trước đó, ông Phú đã tiêm các loại vắc xin theo yêu cầu của cơ quan thú y và tiêm các loại vitamin tăng cường sức đề kháng cho đàn heo. “Bệnh dịch đã xảy ra trên địa bàn ấp rồi nên tôi hết sức lo lắng cho đàn heo của mình. Nếu may mắn đàn heo của tôi không bị bệnh dịch thì tôi cũng gặp nhiều khó khăn khi phải cầm cự, thực hiện quyết định trong 30 ngày không được xuất bán, trong khi vào thời điểm bình thường tháng nào tôi cũng xuất 100 con. Thêm vào đó, giá thu mua heo trên địa bàn cũng đang giảm, hiện chỉ còn khoảng 30.000 đồng/kg hơi, nên tôi lo đàn heo sẽ bị lỗ”, ông Phú bày tỏ.
Những ngày qua, tại huyện Phú Giáo, ngành thú y phối hợp với các ngành chức năng, địa phương tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ heo và sản phẩm từ heo; kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận chuyển heo ra vào tại các cửa ngõ ở xã Vĩnh Hòa nói riêng và các địa phương khác trong huyện nói chung.
Hiện tại các cửa ngõ ra vào xã Vĩnh Hòa được rắc vôi khử trùng. Các hộ chăn nuôi trên địa bàn cũng mua vôi rắc khử trùng, cùng địa phương phòng chống bệnh dịch. Xã đã và đang lập 5 chốt kiểm bệnh dịch tạm thời để kiểm soát tất cả cửa ngõ, nhằm ngăn chặt heo bị bệnh dịch ra vào địa bàn.
Để bệnh dịch tả heo châu Phi không phát sinh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng, yêu cầu người chăn nuôi, người tiêu dùng dồn lực phòng chống dịch bệnh. Theo đó, các giải pháp buộc phải thực thi là khoanh vùng kiểm soát chặt những ổ dịch; kiểm soát chặt khâu vận chuyển động vật, nhất là heo và thịt heo; kiểm soát chặt khâu giết mổ, xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ lậu; không kinh doanh, sử dụng thịt heo và phụ phẩm heo dịch bệnh.
Cùng với việc phòng chống bệnh dịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần tổ chức sản xuất, kinh doanh thịt heo sạch và tuyên truyền đến người dân để không ai quay lưng với thịt heo sạch, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi. Bộ cũng yêu cầu các ngành liên quan, địa phương triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch, như: Rà soát, thống kê, cho ký cam kết; lập chốt kiểm dịch kiểm soát vận chuyển heo, sản phẩm của heo ra vào vùng bệnh dịch; lấy mẫu giám sát tại các hộ chăn nuôi heo xung quanh; khử trùng tiêu độc tại hộ, tổ dân phố, xã, phường theo quy định...
TIỂU MY