Bệnh dịch tả heo châu Phi: Cơ bản được khống chế
(BDO)
Dù bệnh DTHCP trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được khống chế nhưng các ngành chức năng vẫn tập trung phối hợp, kiểm soát phương tiện vận chuyển heo ra vào trong tỉnh. Ảnh: T.PHƯƠNG
Không phát sinh ổ dịch mới
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh DTHCP, các ban, ngành chức năng của Bình Dương đã tập trung quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác phòng chống dịch bệnh. Tỉnh đã giải ngân khoảng 40 tỷ đồng để thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh DTHCP. Tổng số heo bị chết và tiêu hủy chỉ chiếm 9,17% so với tổng đàn heo của tỉnh, thấp hơn nhiều so với một số tỉnh, thành trong khu vực. Hiện nay, tình hình bệnh DTHCP trên địa bàn tỉnh cơ bản được khống chế, 5 xã, phường đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới.
“Các ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, thông tin chính xác và kịp thời về tình hình bệnh dịch, các chính sách cho người dân để vừa bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ và tránh gây hoang mang trong dư luận xã hội. Ngành chức năng tiếp tục hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; rà soát lại và điều chỉnh kế hoạch, phương án phòng chống bệnh DTHCP phù hợp với điều kiện thực tế và các văn bản hướng dẫn mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chuẩn bị tốt các điều kiện để có các giải pháp khôi phục đàn heo ngay sau khi bệnh dịch được khống chế để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của nhân dân…”. (Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh) |
Ông Nguyễn Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết địa phương luôn trong tình thế chủ động và khẩn trương thực hiện công tác phòng chống bệnh DTHCP. Hiện nay, bệnh dịch trên địa bàn cơ bản được khống chế và trong nhiều ngày qua chưa phát sinh ổ bệnh dịch mới. Tuy nhiên, Bàu Bàng vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc nhập gia súc, gia cầm vào giết mổ tại các điểm, lò giết mổ tập trung; tăng cường thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng ở các lò giết mổ và môi trường chăn nuôi hàng ngày. Ngoài ra, huyện cũng tăng cường công tác kiểm tra việc vận chuyển heo; chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp các UBND xã, thị trấn thường xuyên giám sát chặt chẽ đàn heo tại địa phương, kịp thời xử lý nhanh khi phát hiện heo mắc bệnh DTHCP, không để bệnh dịch bùng phát và lây lan; đồng thời vận động người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tăng tần suất vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh, nhằm tiêu diệt mầm bệnh.
Thời gian qua, Trạm Chăn nuôi và Thú y tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể của địa phương kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc lây lan bệnh dịch. Các địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân hiểu rõ về bệnh DTHCP để chủ động phòng ngừa.
Vẫn phải chủ động phòng, chống
Có thể nói, trong thời gian qua, các ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh DTHCP. Đối với các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ heo trên địa bàn tỉnh, công tác này được thực hiện rốt ráo. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp và khó kiểm soát của bệnh DTHCP, đồng thời hiện số lượng hộ chăn nuôi quy mô nhỏ và trang trại chăn nuôi hình thức trại hở còn nhiều (gần 40% tổng đàn heo), khó thực hiện biện pháp an toàn sinh học. Do đó, tuy tình hình dịch bệnh dần được khống chế nhưng các ngành, địa phương vẫn không được chủ quan.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết bệnh DTHCP do chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị và vi-rút gây bệnh có sức đề kháng rất cao, nguồn lây phức tạp, nên vẫn phải chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống. Cùng với đó, sở vẫn đang tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi để phòng, chống và khống chế bệnh dịch; thực hiện tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận chuyển heo sống nhập vào các cơ sở giết mổ, các phương tiện vận chuyển động vật tại các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông…
THOẠI PHƯƠNG