Bệnh đau mắt đỏ: Cần chủ động phòng tránh

Thứ sáu, ngày 17/06/2016

(BDO) Mới đầu mùa hè nhưng bệnh đau mắt đỏ đã xuất hiện khiến nhiều người mắc. Với số lượng người mắc và tốc độ lây lan nhanh, mỗi người, mỗi gia đình nếu không có ý thức tự bảo vệ mình và bảo vệ những người xung quanh thì nhiều khả năng bệnh đau mắt đỏ sẽ sớm bùng phát và bùng phát mạnh.

Bệnh dễ lây lan

Theo Phòng Hành chính khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trung bình mỗi ngày có khoảng 100 lượt bệnh nhân (BN) đến bệnh viện khám các bệnh về mắt, trong đó có khoảng 30 BN đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ. Tại Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh, bác sĩ chuyên khoa Mắt, Đinh Thị Hồng Huệ cho biết, mỗi ngày trung tâm tiếp nhận khoảng 10 BN đến khám, điều trị biểu hiện đau mắt đỏ. Các bác sĩ khẳng định, ở thời điểm này chưa phải là thời điểm bệnh lây lan đại trà nhưng đã bắt đầu vào mùa, số lượng BN đã tăng lên đáng kể, người dân cần cảnh giác phòng bệnh.

Bác sĩ Huỳnh Trần Dương Giang khám cho bệnh nhân tại khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: ĐỨC LÊ

Bác sĩ chuyên khoa II, Huỳnh Trần Dương Giang, Trưởng khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, bệnh đau mắt đỏ còn gọi là viêm kết mạc. Triệu chứng ban đầu của bệnh đau mắt đỏ là BN nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, chói, mi mắt sưng nhẹ, chảy nước mắt. Khi bệnh toàn phát, biểu hiện mắt đỏ và có ghèn, khó mở vào buổi sáng. Một số ít trường hợp có thể có xuất huyết dưới kết mạc hoặc có giả mạc. Đôi khi có kèm viêm họng, sốt nhẹ, mỏi mệt và đau hạch sau tai. BN đau mắt đỏ có cảm giác cộm, giống như có cát, mắt khó chịu, đau nhẹ và mờ thoáng qua. Nguyên nhân của bệnh đau mắt đỏ thường là nhiễm vi khuẩn, vi rút hoặc phản ứng dị ứng. Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao hoặc khi giao mùa… Ở thời điểm này, đối với những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh. Môi trường nhiều khói bụi, vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, dùng chung các vật dụng là điều kiện thuận lợi cho bệnh bùng phát.

Bác sĩ Giang cho biết thêm, bệnh đau mắt đỏ do vi rút gây nên, vì vậy dễ lây lan thành dịch. Chỉ cần một người mắc rồi lây cho gia đình, cộng đồng nhất là những nơi tập trung đông người. Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính và ít để lại di chứng. Tuy nhiên, bệnh thường gây ảnh hưởng đến những sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, nếu không giữ vệ sinh phòng tránh lây lan, điều trị kịp thời, thích hợp sẽ dẫn đến biến chứng như viêm giác mạc (viêm giác mạc sợi, viêm giác mạc đốm, viêm giác mạc sâu...), viêm tuyến lệ cấp tính, viêm mủ túi lệ, giả mạc, sẹo kết mạc và khô mắt, có thể gây sẹo, giảm thị lực thậm chí mù lòa.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Bệnh đau mắt đỏ lây lan do tiếp xúc trực tiếp như: Qua những hạt tiết tố nhỏ li ti do BN ho hoặc nhảy mũi, bắt tay (có dính nước mắt có chứa vi rút); qua những vật dụng nhiễm nguồn bệnh (nắm tay cửa, điện thoại, khăn, ly…); qua nguồn nước bị nhiễm khuẩn (ao, hồ, đặc biệt là nước hồ bơi); thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng; tụ tập đông người, tiếp xúc gần bệnh viện, công sở, lớp học, nơi làm việc, nơi công cộng… nên việc phòng tránh là hoàn toàn có thể. Để phòng tránh bệnh khi bắt đầu vào mùa, bác sĩ Giang đưa ra lời khuyên là: Nên tránh tiếp xúc những vật dụng dễ nhiễm nguồn bệnh. Mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và người bệnh vẫn có thể là nguồn lây sau khi đã khỏi bệnh một tuần. Vì vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh. Cụ thể, khi không có dịch, chúng ta phải luôn bảo đảm vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt. Giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày. Không dùng tay dụi mắt. Khi đang có dịch đau mắt đỏ nên đeo kính râm. Nhỏ dung dịch nước muối đẳng trương (NaCl 0,9%) hoặc nước mắt nhân tạo. Có thể dùng thuốc nhỏ kháng sinh ngừa bội nhiễm vi trùng. Chườm lạnh sẽ giúp giảm sưng và mang lại cảm giác dễ chịu. Giữ gìn vệ sinh cá nhân. Rửa tay với xà phòng sát khuẩn đóng vai trò quan trọng…

“Hiện tại, bệnh đau mắt đỏ không có thuốc đặc trị, chỉ có thể dựa vào chăm sóc, giữ gìn vệ sinh cẩn thận thì sau ít ngày, vi rút sẽ tự hết, người bệnh mới có khả năng khỏi. Vì vậy tốt nhất, người dân nên áp dụng các biện pháp phòng để tránh mắc bệnh”, bác sĩ Giang cho biết thêm.

 HUỲNH THỦY- ĐỨC LÊ