Bệnh đái tháo đường: Không nên coi thường

Thứ ba, ngày 14/11/2023

(BDO)  Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh lý mạn tính, không lây nhiễm. Đây là một trong 4 bệnh không lây nhiễm đang ngày càng gia tăng ca mắc, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Đáng chú ý, bệnh có xu hướng trẻ hóa ở lứa tuổi trẻ em và thanh thiếu nhi.

 Bệnh đái tháo đường không chỉ gặp ở người lớn mà trẻ em, thanh thiếu niên cũng mắc bệnh này

 Đái tháo đường trẻ em

Thời gian gần đây, rất nhiều bệnh nhi mắc bệnh ĐTĐ. Điển hình là trường hợp bệnh nhi 8 tuổi mắc bệnh ĐTĐ type 1 được chẩn đoán lần đầu. Gia đình cho biết, thời gian gần đây bé xuất hiện các triệu chứng như: Khát nước, uống nhiều, đi tiểu nhiều, gầy sút cân, mệt mỏi. Bé được nhập viện trong tình trạng đường huyết cao 26,1 mmol/l, cao gấp nhiều lần người bình thường kèm theo dấu hiệu mất nước. Sau khi vào viện, bé được bác sĩ làm các xét nghiệm chẩn đoán xác định, bé được điều trị tích cực, bù dịch, kiểm soát đường huyết bằng insulin, tư vấn và điều chỉnh thực hiện chế độ dinh dưỡng. Sau gần một tuần điều trị, tình trạng của bé đã cải thiện rất tốt, đường huyết đã ổn định hơn. Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp bệnh ĐTĐ type 1 ở trẻ em đã được điều trị.

 Chẩn đoán và điều trị sớm chính là chìa khóa để phòng và làm chậm các biến chứng nguy hiểm do ĐTĐ gây ra. Mỗi người dân hãy có trách nhiệm với sức khoẻ của mình bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh: Ăn uống và duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường vận động thể lực, chủ động tìm hiểu kiến thức để dự phòng và phát hiện sớm bệnh ĐTĐ.

Hay trường hợp của bệnh nhi 4 tuổi hôn mê nhiễm toan ceton do ĐTĐ. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt mỏi tăng, thở nhanh, gắng sức nhiều. Qua khai thác người nhà, bác sĩ ghi nhận từ trước đến nay bé chưa phát hiện bệnh lý gì nhưng khoảng 3 tuần nay sút khoảng 3kg, đi tiểu nhiều vào ban đêm. Các bác sĩ cho bệnh nhân làm xét nghiệm khí máu, test đường huyết mao mạch. Kết quả cho thấy, bệnh nhân đang trong tình trạng nhiễm toan nặng pH 6.89, HCO3-: 3.1, BE: -30, cùng với đó là lượng đường máu tăng lên rất cao (37mmol/l). Bệnh nhân được chuyển sang khoa hồi sức tích cực. Kíp trực đã nhanh chóng đặt nội khí quản, kiểm soát đường thở, bù dịch, truyền insulin tĩnh mạch liên tục và điều chỉnh rối loạn thăng bằng kiềm toan, rối loạn điện giải. Sau 3 ngày điều trị tích cực, bé đã tỉnh táo hoàn toàn, tự thở, bắt đầu ăn uống được, các biện pháp kiểm soát đường huyết đã chuyển sang phác đồ tiêm insulin 4 mũi dưới da.

Bác sĩ Khổng Thị Oanh, khoa phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Hiện bệnh ĐTĐ không chỉ gặp ở người lớn mà còn gặp ở bệnh nhi rất nhỏ tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ type 1 ở trẻ em ngày càng có xu thế gia tăng tại các nước có thu nhập trung bình và thấp, trong đó có Việt Nam. ĐTĐ ở trẻ em và vị thành niên được phân làm các nhóm chính là ĐTĐ type 1, ĐTĐ type 2, ĐTĐ do di truyền đơn gene di truyền từ cha mẹ và rối loạn miễn dịch phá hủy tế bào beta tụy, gây thiếu insulin. Còn ĐTĐ type 2 chủ yếu gặp ở trẻ bị thừa cân, béo phì”.

50% người mắc bệnh nhưng không được chuẩn đoán

“ĐTĐ là một bệnh mãn tính, đặc trưng bởi lượng đường trong máu tăng cao. Các triệu chứng điển hình của bệnh ĐTĐ thường gặp là mệt mỏi, khát nước, cảm giác đói liên tục, giảm cân, nhu cầu tiểu tiện tăng, vết thương lâu lành... Tuy nhiên, một số người bệnh ĐTĐ có các triệu chứng ít rõ ràng, bệnh có thể được chẩn đoán muộn, khi đã phát sinh các biến chứng. Bệnh ĐTĐ gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận, cắt cụt chi”, bác sĩ Khổng Thị Oanh cho biết thêm.

Theo Liên đoàn ĐTĐ quốc tế, trên thế giới cứ 10 người lớn độ tuổi 20 - 79 tuổi có 1 người mắc bệnh ĐTĐ, cứ 6 trẻ sinh ra có 1 trẻ bị ảnh hưởng bởi ĐTĐ trong giai đoạn phát triển thai nhi. Đặc biệt, có tới 50% số người trưởng thành mắc ĐTĐ mà không được chẩn đoán. Năm 1991, Liên đoàn ĐTĐ quốc tế và Tổ chức Y tế thế giới đã chọn ngày 14- 11 hàng năm là “Ngày thế giới phòng, chống ĐTĐ” nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về ĐTĐ và các biến chứng. Ngày 14-11 cũng là ngày sinh của Frederick Banting, người đã cùng Charles Best đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra insulin, một phương pháp điều trị cứu sống người bệnh ĐTĐ vào năm 1922.

Với chủ đề “Mọi người cần nhận biết nguy cơ về bệnh ĐTĐ của mình và biết cách ứng phó”, Ngày ĐTĐ thế giới năm 2023 thúc đẩy cộng đồng quan tâm đến việc nhận rõ nguy cơ mắc bệnh của bản thân, từ đó hướng tới việc chẩn đoán sớm và điều trị bệnh ĐTĐ.

“Trước đây, bệnh ĐTĐ type 2 thường gặp ở người lớn nhưng hiện nay nhiều trẻ em và thanh thiếu niên được chẩn đoán mắc bệnh ĐTĐ type 2 do số lượng trẻ em thừa cân, béo phì ngày càng tăng nhanh. Bệnh ĐTĐ được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ duy trì, kiểm soát đường huyết tốt, tránh biến chứng của bệnh. Cha mẹ cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh, hạn chế thức ăn đồ uống có đường; khuyến khích trẻ vận động thể chất, hạn chế nguy cơ tăng cân và giúp ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh ĐTĐ type 2”.

(Bác sĩ Khổng Thị Oanh, khoa phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

 HOÀNG LINH - DIỆU HƯƠNG