Bệnh đái tháo đường có xu hướng trẻ hóa
(BDO) Đái tháo đường (ĐTĐ), thường gọi là tiểu đường là một trong những bệnh rối loạn về chuyển hóa đang trở thành phổ biến và có xu hướng ngày càng tăng cao. Thực trạng này đặt ra cho mọi người cần có sự quan tâm đặc biệt để bảo vệ sức khỏe trước căn bệnh diễn biến âm thầm nhưng rất nguy hiểm này. Theo khuyến cáo của các thầy thuốc, bệnh ĐTĐ có thể phòng tránh được nếu mọi người thực hiện lối sống lành mạnh và có chế độ dinh dưỡng, thể dục hợp lý...
Bác sĩ đang khám cho một bệnh nhân
Xu hướng trẻ hóa
Trong số những bệnh nhân đến khám, tái khám tại phòng khám nội tiết, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, hàng ngày có rất nhiều bệnh nhân bị bệnh ĐTĐ. Theo bác sĩ Lê Văn Thế, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, tỷ lệ người mắc bệnh ĐTĐ đến khám, tái khám tại bệnh viện chủ yếu là người lớn tuổi; trong đó tỷ lệ nữ mắc bệnh ĐTĐ nhiều hơn nam. Đây là một trong những bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hóa đang có xu hướng ngày càng tăng cao trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Lâu nay, người ta thường cho rằng bệnh ĐTĐ thường gặp ở người lớn tuổi, từ 40 tuổi trở lên. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các nhà chuyên môn, độ tuổi mắc bệnh ĐTĐ ngày càng trẻ hơn, nhiều người mắc bệnh ở độ tuổi từ 25 - 30, thậm chí ở tuổi vị thành niên; trong đó có nhiều người mắc ĐTĐ tuýp 2. Tại Việt Nam, có những đứa trẻ chỉ mới 9 tuổi đã mắc bệnh ĐTĐ đường tuýp 2. Theo dược sĩ Nguyễn Thị Giang Nhung, phụ trách Khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện nay số người mắc ĐTĐ đường tuýp 2 đang ngày càng gia tăng và trẻ hóa. ĐTĐ được xem là căn bệnh có tỷ lệ tử vong đứng thứ ba trong số các bệnh không lây nhiễm, chỉ sau tim mạch và ung thư.
Sống lành mạnh để phòng bệnh
Bệnh ĐTĐ thường diễn biến âm thầm, có gần 70% người có bệnh trong người nhưng không hề hay biết mình mắc bệnh. Và có đến 85% người chỉ phát hiện mình mắc bệnh ĐTĐ khi đã có biến chứng nguy hiểm, như: Tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân... Thế nên, dược sĩ Nhung cho rằng điều đáng quan tâm là người mắc bệnh ĐTĐ nếu không được tầm soát, phát hiện sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Biến chứng của bệnh ĐTĐ rất nặng nề, như: Tổn thương tim, mạch máu, gây mù do tổn thương các mạch máu nhỏ của võng mạc, tổn thương thần kinh, tai biến mạch máu não. Trường hợp ĐTĐ thai kỳ có thể gây sẩy thai, dị tật bẩm sinh, thai chết lưu...
“Phòng chống ĐTĐ ngay từ gia đình bạn” là chủ đề Ngày ĐTĐ thế giới 14-11 năm nay. Với chủ đề này, ngành y tế mong muốn mỗi người dân trong cộng đồng hãy chung tay phòng, chống bệnh ĐTĐ ngay từ trong gia đình. Để phòng bệnh ĐTĐ, bác sĩ Lê Văn Thế khuyến cáo mọi người dân tăng cường vận động thể lực, ít nhất là 30 phút mỗi ngày. Với những người có sức khỏe tốt, không bị các bệnh về xương khớp có thể tập luyện tất cả các môn thể dục mà mình yêu thích. Với những người có bệnh về xương khớp thì nên lưu ý lựa chọn những môn thể dục phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình; tránh những bài tập thể dục có thể hạn chế sức nặng lên các khớp. “Tập thể dục là cần thiết đối với người bệnh ĐTĐ. Nếu không tập thể dục thì đường huyết khó ổn định và việc điều trị cũng khó đạt được mục đích đề ra”, bác sĩ Thế nói.
Cùng với chế độ tập luyện thể dục đều đặn hàng ngày, để phòng bệnh ĐTĐ cần phải thực hiện chế độ ăn uống hợp lý. Nên ăn nhiều chất xơ, rau xanh, trái cây; hạn chế tinh bột, đồ ăn ngọt, chất béo động vật; không hút thuốc lá; hạn chế uống rượu, bia. Một điều quan trọng nữa là nên khám sức khỏe định kỳ, đo đường máu để phát hiện sớm bệnh ĐTĐ để điều trị và tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Hiện nay, ĐTĐ đang là vấn đề sức khỏe được quan tâm, là gánh nặng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bởi chi phí điều trị cao. Vì vậy, việc tầm soát, phát hiện sớm bệnh ĐTĐ giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả cao nhất, kiểm soát và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm, giảm gánh nặng cho chi phí điều trị bệnh và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
HỒNG THUẬN