Bệnh cúm mùa đang gia tăng ca mắc
(BDO) Thời tiết giao mùa, các mầm bệnh đường hô hấp phát triển. Bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa (cúm A, cúm B) liên tục tăng lên. Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác. Người dân nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị, cần phải tuân theo chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế.
Gia tăng bệnh nhi mắc cúm mùa tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Khám, điều trị bệnh nhi tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc (Vạn Phúc 1), TP.Thủ Dầu Một
Gia tăng ca mắc
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, thời gian gần đây, các cơ sở y tế trong tỉnh ghi nhận nhiều ca mắc cúm nhập viện điều trị, trong đó có nhiều bệnh nhân mắc cúm A, số ca bệnh ghi nhận tăng cao so với cùng kỳ các năm trước. Các bệnh nhân chủ yếu ở thể nhẹ và vừa. Các trường hợp mắc hội chứng cúm hiện nay không có sự khác biệt so với những năm trước đây. Tuy nhiên, số nhập viện có xu hướng gia tăng tại một số bệnh viện, trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm A, cúm B. Số lượng bệnh nhân mắc cúm trong cộng đồng có thể sẽ nhiều hơn do người dân chủ quan không đến cơ sở y tế mà tự mua thuốc điều trị vì nghĩ rằng đây là những triệu chứng thông thường, năm nào cũng bị. Người dân không được chủ quan bởi bệnh có thể nặng và gây tử vong đối với những nhóm người có nguy cơ cao, như: Người cao tuổi, người có hệ miễn dịch kém và người mắc bệnh mạn tính.
Tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước (TX. Bến Cát), Bệnh viện Đa khoa Bình Đáng (TP.Thuận An), Bệnh viện Đa khoa Hoàn Hảo Kei Mei Kai (TP. Dĩ An, TP.Thuận An)… những tháng qua, tỷ lệ bệnh nhân mắc cúm đến khám tăng đột biến với các triệu chứng chủ yếu, như: Sốt, ho, viêm đường hô hấp. Đặc biệt có bệnh nhân bị viêm phổi, tập trung vào các nhóm trẻ em, người cao tuổi có bệnh lý, bệnh nền. Cá biệt có trường hợp sau khi mắc cúm thì có các biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương hay viêm não sau mắc cúm.
Chị Nguyễn Thị Hạnh ở TP.Thuận An, có con 7 tuổi đang điều trị tại khoa nhi Bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc, cho biết: “Cách đây 2 ngày con trai tôi bị sốt kèm theo các triệu chứng của cảm cúm. Tôi nghĩ bé bị cảm cúm thông thường như những lần trước nên cho uống thuốc hạ sốt và mua 2 ngày thuốc tại tiệm thuốc tây. Uống hết thuốc mà bệnh không thuyên giảm. Khi nhập viện bác sĩ cho biết bé bị viêm phổi do vi khuẩn”.
Phòng chống bệnh ở khu vực có nguy cơ cao
Để chủ động triển khai tốt công tác điều trị bệnh cúm mùa tại cơ sở y tế, Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước, TX.Bến Cát thực hiện phân tuyến điều trị, khám sàng lọc bệnh. Công tác thu dung, điều trị, cấp cứu bệnh nhân được Ban Giám đốc đặc biệt chú ý đối với các trường hợp mắc cúm trong nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, lao phổi, tiểu đường, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS...), người già và trẻ em nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong. Đặc biệt, bệnh viện thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo.
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết hiện ngành y tế đang đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống cúm mùa, Covid-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó tập trung vào các nội dung theo các khuyến cáo của Bộ Y tế. Bệnh cúm nói chung, cúm A nói riêng là bệnh lây qua đường hô hấp, tiếp xúc, dễ lây lan nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thì nguy cơ bùng phát là rất lớn. Các khu vực có nguy cơ cao cần đẩy mạnh giám sát, như: Các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở nuôi dưỡng trẻ, trường học, trung tâm bảo trợ xã hội, khu thuê trọ, khu sinh sống của công nhân các khu công nghiệp... để kịp thời phát hiện và xử lý sớm, hạn chế thấp nhất số ca mắc bệnh và tử vong.
Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử lý kịp thời. Khi ho, hắt hơi người dân che miệng và mũi; đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay; không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
“Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch..., bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong. Người dân nên tiêm vắc xin phòng cúm mùa và thực hiện nghiêm các khuyến cáo phòng bệnh. Đây là những biện pháp dự phòng hiệu quả nhất”. (Bác sĩ Nguyễn Văn Trương, Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Becamex) |
HOÀNG LINH