Bệnh án điện tử là công cụ nâng cao chất lượng khám, chẩn đoán và điều trị cho người bệnh...
(BDO) Từ ngày 1-3, ngành y tế bắt đầu triển khai thực hiện bệnh án điện tử (BAĐT) thay thế cho bệnh án giấy như trước. Để hiểu hơn về những lợi ích từ việc thực hiện BAĐT mang lại và những bước chuẩn bị của ngành y tế Bình Dương nhằm triển khai thực hiện trong thời gian tới, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Cao Thị Bích Thuận, Phó Giám đốc Sở Y tế một số nội dung liên quan...
Thực hiện BAĐT sẽ góp phần nâng cao chất lượng KCB trong thời gian tới
- Xin bác sĩ cho biết về những lợi ích từ việc thực hiện BAĐT?
- BAĐT là hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ bệnh nhân. BAĐT cho phép bác sĩ và người bệnh có thể xem lại quá trình điều trị một cách nhanh chóng và chính xác. Bên cạnh đó, BAĐT còn giúp bác sĩ và bệnh nhân theo dõi xuyên suốt quá trình điều trị của mình, từ đó đưa ra những chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí cho bệnh nhân.
Lợi ích đầu tiên của BAĐT là giúp bệnh nhân không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ bệnh án như: Kết quả chẩn đoán, kết quả xét nghiệm, danh mục thuốc… Bệnh nhân không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm; không phải “hoang mang” khi đọc chữ viết của bác sĩ. Thứ hai, bệnh nhân hoàn toàn dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm, kết quả khám sức khỏe tổng quát định kỳ… BAĐT đặc biệt hỗ trợ rất tốt đối với bệnh nhân đang điều trị bệnh lý mạn tính hoặc bệnh lý có nguy cơ cao như đái tháo đường, cholesterol, tăng/hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim… và bệnh nhân cao tuổi.
Điểm mạnh nhất của BAĐT đối với bác sĩ là lưu trữ thông tin bệnh nhân một cách chi tiết và có hệ thống. Điều này giúp bác sĩ đưa ra kết quả chẩn đoán và phương thức điều trị chính xác, cũng như hạn chế việc chỉ định các xét nghiệm không cần thiết. Hơn thế nữa, thông qua BAĐT, các bác sĩ có thể kết nối với nhau để cùng đánh giá và thảo luận trường hợp bệnh lý đặc biệt nào đó để có kết quả chẩn đoán chính xác, không mang tính chủ quan. Bệnh nhân có thể xem và trao đổi thắc mắc kết quả bệnh án với bác sĩ tại bất cứ đâu (ở nhà, công ty, khi đi công tác). Bác sĩ sẽ gửi trả kết quả bệnh án kèm danh mục thuốc, bệnh nhân có thể tự in toa để mua thuốc, hoặc chủ động đặt lịch tái khám qua BAĐT. Đây chính là cầu nối giữa bệnh nhân và bác sĩ. Với tính năng xem BAĐT qua internet, bác sĩ, bệnh nhân hoặc người thân có thể theo dõi quá trình điều trị cũng như các kết quả xét nghiệm từ bất kỳ nơi nào trên thế giới chỉ với một đường truyền internet.
Tóm lại, BAĐT ưu việt hơn bệnh án giấy ở những điểm chính: Tính chính xác; tiết kiệm; tìm kiếm, truy xuất nhanh; minh bạch; lưu trữ trọn đời; hỗ trợ xem trực tuyến. BAĐT là công cụ nâng cao chất lượng khám, chẩn đoán và điều trị cho người bệnh; giảm tải thời gian đăng ký khám chữa bệnh (KCB) và có cơ sở để quản lý toàn diện sức khỏe cá nhân.
- Để triển khai thực hiện BAĐT, đòi hỏi các cơ sở y tế phải ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB trước đó. Trong thời gian qua, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả như thế nào, thưa bác sĩ?
- Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh được đặc biệt quan tâm. Hiện nay, tất cả các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đã thực hiện liên thông, trích chuyển dữ liệu KCB trong thanh quyết toán bảo hiểm y tế. Trong Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện phiên bản 2.0 của Bộ Y tế, các bệnh viện đều đạt từ mức 3 trở lên (trong 5 mức); đối với hệ thống y tế công lập, các Trung tâm y tế (TTYT) huyện, thị đều đạt ở mức 3. Riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh đạt ở mức 4 và một số tiêu chí ở mức 5 để phấn đấu tiến tới lộ trình thực hiện BAĐT theo quy định (hiện BVĐK tỉnh là BV hạng 1 - theo quy định phải áp dụng BAĐT); một số bệnh viện khác như Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước, Bệnh viện Quốc tế Columbia, Bệnh viện Hoàn Mỹ - Vạn Phúc đã đáp ứng hầu hết các tiêu chí ở mức 5 (đạt các điều kiện cần thiết để thực hiện BAĐT, ngoại trừ tiêu chí về chữ ký điện tử). Hiện ngành y tế đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các thủ tục để các đơn vị KCB thực hiện nội dung triển khai chữ ký điện tử trong lĩnh vực y tế.
- Việc thực hiện BAĐT sẽ được áp dụng tại Bình Dương như thế nào và lộ trình trong thời gian tới ra sao, thưa bác sĩ?
- Ngành y tế Bình Dương bám sát định hướng, lộ trình áp dụng BAĐT mà Bộ Y tế đã xây dựng. Trước mắt, các cơ sở KCB phải thực hiện đầu tư hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm (theo chuẩn quy định tại Thông tư 54/2017/ TT-BYT) sử dụng nguồn vốn sự nghiệp theo nhu cầu của từng huyện, thị, thành phố hoàn tất trong năm 2019 (trước đây là dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin tại 9 TTYT cấp huyện, thị và 91 trạm y tế xã, phường, thị trấn”); từng bước đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại (Máy chẩn đoán hình ảnh MRI, CT-scanner, CT-conbeam, Pet-CT, siêu âm, máy xét nghiệm hóa sinh, huyết học, miễn dịch, dị ứng, máy đọc kháng sinh đồ, máy thăm dò chức năng nội soi các loại, điện tim, điện não, lưu huyết não...), phù hợp với việc kết nối liên thông dữ liệu trong việc thực hiện BAĐT; ưu tiên thí điểm triển khai BAĐT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, TTYT Thuận An... Đồng thời, các cơ sở KCB xây dựng đề án trình UBND tỉnh trong việc thực hiện BAĐT trên địa bàn tỉnh. Đây là những điều kiện cơ bản, là cơ sở trong việc hoàn thiện việc kết nối liên thông giữa BAĐT, quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân và phần mềm báo cáo thống kê điện tử đang triển khai trên địa bàn tỉnh.
- Xin cảm ơn bác sĩ!
HỒNG THUẬN (thực hiện)