Bế mạc Phiên họp thứ 5 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau 2 ngày làm việc

Thứ tư, ngày 24/11/2021

(BDO)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 23/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 5 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sau hai ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 5 nội dung quan trọng và xem xét thông qua 2 dự thảo nghị quyết.

Về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, nhất trí bổ sung dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ theo quy định, đồng thời hoàn thiện các nội dung về các chính sách dự kiến trong dự án luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), căn cứ vào kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, tài liệu theo quy định, đặc biệt hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động, làm rõ các nội hàm, dự kiến về các chính sách quy định trong dự án luật này, tổng kết sâu sắc thực tiễn, đánh giá qua 2 năm phòng, chống dịch COVID-19 để bổ sung cơ chế chính sách, quy định phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch, bảo đảm tương thích với các luật khác mới ban hành và những dự án luật khác mà Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới. Sau khi hoàn thiện hồ sơ thì đề nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết giải thích một số điều của Bộ luật Hình sự để thống nhất việc vận dụng các quy định của Bộ luật Hình sự trong việc xử lý hành vi vi phạm bí mật kinh doanh theo yêu cầu của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm thực hiện có hiệu quả, đúng lộ trình đã cam kết; bảo đảm sự phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Thực hiện Luật Điều ước quốc tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về hai nội dung chưa được quy định hoặc có quy định khác với quy định hiện hành trong dự thảo Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc.

Việc ký kết hiệp định này góp phần bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động hai nước thực hiện bền vững các quyền con người về kinh tế, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và góp phần bảo đảm tốt hơn quyền an sinh xã hội đã được Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa ghi nhận.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ có văn bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến về chủ trương trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kết luận cụ thể để triển khai các thủ tục về ký kết và căn cứ vào quy định của pháp luật để tổ chức phê duyệt theo thẩm quyền.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm xem xét, chuẩn bị hồ sơ để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 trình Quốc hội theo quy định nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và để hiệp định này sớm được thực thi đầy đủ trên thực tế.

Về công tác giám sát, qua kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của các cơ quan của Quốc hội cho thấy Chính phủ và các cơ quan rất quyết tâm, nghiêm túc trong việc khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản, tỷ lệ văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật tăng lên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều văn bản có hiệu lực thi hành chậm so với thời điểm có hiệu lực của luật và chất lượng của một số văn bản còn hạn chế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và các Bộ trưởng chỉ đạo khắc phục hạn chế, vướng mắc trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ và xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có vi phạm, khuyết điểm được nêu trong báo cáo cũng như các kiến nghị của các cơ quan chức năng, báo cáo kết quả kiểm tra, kiểm điểm và xử lý trách nhiệm với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chính phủ khẩn trương ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng, xử lý các văn bản trái pháp luật đã được phát hiện qua giám sát theo đúng quy định.

Trên cơ sở xem xét báo cáo thực hiện chi phí quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội giai đoạn 2019-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, yêu cầu Chính phủ và cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tổng kết Kỳ họp thứ hai và cho ý kiến bước đầu vào việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường và Kỳ họp thường kỳ tháng 5/2022 của Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng mặc dù trong điều kiện, tình hình dịch bệnh phức tạp, nhưng với tinh thần làm việc rất khẩn trương, dân chủ, nghiêm túc, tận dụng tối đa thời gian, Kỳ họp thứ hai đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

Kết quả kỳ họp đã khẳng định tinh thần Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, linh hoạt, thích ứng với yêu cầu thực tiễn đặt ra, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả, đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân và cử tri cả nước.

Đối với Kỳ họp bất thường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến kỹ lưỡng và thống nhất tối đa xem xét, trình Quốc hội xem xét, quyết định 5 nội dung lớn đã thống nhất giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ chuẩn bị rất kỹ lưỡng theo tinh thần cấp thiết nhưng phải bảo đảm chất lượng những nội dung trình Quốc hội, tạo được sự thống nhất cao.

Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu chuẩn bị các phương án tổ chức Kỳ họp bất thường và Kỳ họp thường kỳ của Quốc hội vào tháng 5/2022 bảo đảm hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn, thích ứng cao với các diễn biến của tình hình.

Trong Phiên họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét, cơ bản đồng tình, đánh giá cao báo cáo về công tác dân nguyện do Ban Dân nguyện trình và thống nhất kết luận một số nội dung tiếp tục nâng cao chất lượng của công tác dân nguyện với các cơ quan bên trong cũng như với các cơ quan bên ngoài, nhất là vấn đề tăng cường công tác phối hợp.

Trước đó, chiều cùng ngày, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hiện công tác dân nguyện tháng 9 và tháng 10/2021 của Quốc hội./.

Theo TTXVN