Bế mạc Phiên họp thứ 26 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau 5 ngày làm việc
(BDO)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp.
Sau 5 ngày làm việc (diễn ra trong 3 đợt), chiều 28/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 26.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên họp xem xét tổng số 18 nhóm nội dung, trọng tâm là các công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 7 dự án luật và hai dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật của Quốc hội, trong đó hai dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 gồm Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
5 dự án luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, gồm Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi). Trong đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai.
Hai dự thảo nghị quyết liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu gồm: dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
Như vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với 19/19 dự án luật, dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật dự kiến trình Quốc hội vào Kỳ họp tới.
Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; đồng thời, cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.”
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với các báo cáo, tờ trình để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, gồm Tờ trình của Chính phủ điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14, ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.
Các báo cáo công tác năm 2023 của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023.
Quang cảnh phiên bế mạc.
Các báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội đối với việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn; nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay.
Báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước; trong đó, Báo cáo công tác năm 2023 sẽ trình Quốc hội nghiên cứu, xem xét; kế hoạch kiểm toán năm 2024 sẽ được tiếp thu chỉnh lý theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Sau khi có ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có văn bản gửi Kiểm toán Nhà nước. Trên cơ sở đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định kế hoạch kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước.
Báo cáo của Chính phủ về lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm. Nội dung này hiện chưa được thể hiện trong dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 6.
Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 26 này, Chính phủ hoàn thiện để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết 91/2023/QH15.
Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến đối với hai nội dung.
Đó là việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã chính thức hoàn thiện báo cáo trình Chủ tịch Quốc hội, báo cáo đã được phê duyệt gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội); Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 8/2023.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thời xem xét, cho ý kiến đối với một số báo cáo khác theo hình thức văn bản.
Còn đúng 3 tuần nữa, Quốc hội sẽ chính thức khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV - kỳ họp có số lượng lớn các dự án luật, nghị quyết được xem xét, cho ý kiến và thông qua.
Phiên họp tháng 10 sắp tới là phiên cuối cùng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với các nội dung còn lại trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6; trong đó có nhiều nội dung quan trọng về các vấn đề kinh tế, xã hội và tài chính ngân sách; về công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm đối với giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp; báo cáo kết quả rà soát hệ thống văn bản pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết 101...
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội rất lớn, nhiều nội dung hơn Kỳ họp thứ 5.
Vì vậy, phiên họp thường kỳ tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là một trong những bước quan trọng để chuẩn bị cho Kỳ họp sắp tới của Quốc hội./.
Theo TTXVN