Bế mạc Kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XIII
Sau 29 ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi, với tinh thần dân chủ, đổi mới và trách nhiệm cao, sáng 26-11, các đại biểu đã họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII tại hội trường.
Dự phiên bế mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Tới dự còn có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, các bậc lão thành cách mạng, đại diện Đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế.
Tại phiên bế mạc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc.Báo cáo giải trình cho thấy về cơ bản, các đại biểu Quốc hội tán thành với dự kiến Chương trình do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình. Đa số ý kiến của các đại biểu tán thành với định hướng lập Chương trình và việc phân chia cũng như số lượng dự án luật, pháp lệnh được dự kiến trong Chương trình và cho rằng dự kiến này là hợp lý, phù hợp với điều kiện và khả năng thực tế của Quốc hội khóa XIII.
Các đại biểu Quốc hội cũng tán thành với các biện pháp bảo đảm thực hiện Chương trình đồng thời kiến nghị thêm một số giải pháp cụ thể để tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng luật, pháp lệnh, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Với 94% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.
Theo nội dung Nghị quyết, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII gồm 85 dự án luật, 6 dự án pháp lệnh thuộc Chương trình chính thức và 38 dự án luật, 3 dự án pháp lệnh thuộc Chương trình chuẩn bị.
Trong Chương trình chính thức, các dự án luật, pháp lệnh liên quan đến các lĩnh vực tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị; quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân; dân sự, kinh tế; giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, y tế, văn hóa-thông tin, thể thao, dân tộc, tôn giáo, dân số, gia đình, trẻ em, lao động và chính sách xã hội và lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan kịp thời tổ chức triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII; trường hợp cần điều chỉnh Chương trình phải theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Không đưa vào Chương trình kỳ họp Quốc hội những dự án không đảm bảo chất lượng, không đủ hồ sơ và thời hạn luật định.
Cơ quan soạn thảo thực hiện nghiệm chỉnh Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng tổng kết thực tiễn, xây dựng tờ trình, dự thảo trong đó xác định rõ các chính sách của luật, pháp lệnh; tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức hữu quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản để bảo đảm tính khả thi, tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật. Trưởng ban soạn thảo phải chịu trách nhiệm về chất lượng và tiến độ của dự án luật.
Phát biểu tại lễ bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ tại kỳ họp này, Quốc hội đã tập trung thảo luận, đánh giá việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010 và kế hoạch kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2011; Quốc hội đã quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và năm 2012 và một số quyết định quan trọng khác. Quốc hội đã xem xét, thông qua 5 dự án luật: Luật Cơ yếu, Luật Lưu trữ, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Đo lường; thảo luận, cho ý kiến về 13 dự án luật khác.
Quốc hội cũng đã tiến hành chất vấn 4 vị Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, với sự tham gia giải trình của một số Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng khác về các vấn đề liên quan. Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề lớn về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn. Hoạt động chất vấn tiếp tục có những cải tiến, đổi mới và thiết thực, tập trung vào một số vấn đề quan trọng, bức xúc được các vị đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Không khí các phiên chất vấn là dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tại kỳ họp này, Quốc hội đã có những cải tiến, đổi mới trong việc chuẩn bị kỳ họp, điều hành các phiên họp, bảo đảm phát huy trí tuệ tập thể, tinh thần trách nhiệm của các cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và từng đại biểu Quốc hội; nâng cao chất lượng chuẩn bị, thảo luận và quyết định các nội dung trình Quốc hội.
Nghị quyết của Quốc hội đã cụ thể hơn, xác định rõ hơn các nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc tổ chức thực hiện. Chất vấn tập trung vào những vấn đề ở tầm vĩ mô, trao đổi theo nhóm vấn đề, giành toàn bộ thời gian cho việc hỏi và trả lời trực tiếp…
Những cải tiến, đổi mới bước đầu này đã bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, được các vị đại biểu Quốc hội và cử tri đồng tình ủng hộ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị phát huy những kết quả đạt được, ngay sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các ngành, các cấp cần sớm xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội quyết định.
Các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cần tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát; tổ chức có hiệu quả hoạt động chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động báo cáo giải trình của các Bộ trưởng, Trưởng ngành, tiến tới thí điểm tổ chức chất vấn tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Các vị đại biểu Quốc hội khẩn trương báo cáo kết quả kỳ họp, đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri và giám sát chặt chẽ việc giải quyết các kiến nghị của cử tri.
Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, tương thân, tương ái, chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng chịu thiệt hại nặng nề của thiên tai, lũ lụt vừa qua; nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch đã đề ra.
Trước phiên bế mạc, cũng trong sáng 26-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Cơ yếu với tỷ lệ 91,8%; thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn 92,4% và Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề với tỷ lệ 94,2%.
Theo TTXVN