Bế mạc Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ X nhiệm kỳ 2018-2023
(BDO) Sáng 18-5, Đại hội Công đoàn (CĐ) tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2018-2023 đã diễn ra phiên bế mạc. Tham dự có ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Thanh Liêm, Ủy viên Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng với 435 đại biểu chính thức đại diện cho gần 700.000 đoàn viên công đoàn và trên 1 triệu cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động trong toàn tỉnh.
Ban Chấp hành Công đoàn tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2018-2023 ra mắt đại hội
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành CĐ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2018-2023 gồm 46 ủy viên; đoàn đại biểu dự Đại hội XII CĐ Việt Nam gồm 25 đại biểu chính thức và 6 đại biểu dự khuyết.
Phát biểu tại đại hội, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Đại hội CĐ tỉnh Bình Dương lần thứ X, nhiệm kỳ 2018-2023 là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động và tổ chức công đoàn các cấp. Là dịp để Đảng bộ, chính quyền ghi nhận, tôn vinh lực lượng công nhân lao động như một nguồn lực quý báu trên bước đường phát triển của tỉnh; đồng thời biểu dương và đánh giá toàn diện về sự tích cực, năng động của các cấp CĐ và những đóng góp quan trọng của công đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động vì sự phát triển của tỉnh Bình Dương trong thời gian qua.
Với tinh thần đó, ông mong rằng Đại hội CĐ tỉnh Bình Dương lần thứ X sẽ thực hiện hiệu quả những ý kiến chỉ đạo Tỉnh ủy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; tập trung trí tuệ nhằm đề ra những định hướng quan trọng làm tiền đề cho đoàn viên CĐ, công nhân và người lao động tiếp tục cống hiến cho sự đổi mới của tổ chức CĐ; nỗ lực thi đua lao động sản xuất vì sự phát triển của quê hương Bình Dương, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh;
Với tỷ lệ 100% đại biểu biểu quyết, đại hội đã thông qua các chỉ tiêu cơ bản của nhiệm kỳ 2018-2023. Cụ thể: Kết nạp ít nhất 150.000 đoàn viên (ĐV) mới; tỷ lệ ĐV trong các công đoàn cơ sở (CĐCS) khu vực Nhà nước đạt trên 90%; CĐCS khu vực doanh nghiệp đạt 80% trở lên so với tổng số lao động trong đơn vị; thành lập CĐCS ở ít nhất 95% trở lên doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên; phấn đấu hàng năm có 80% trở lên CĐ cấp trên cơ sở đạt tiêu chuẩn vững mạnh; 80% trở lên CĐCS khu vực Nhà nước, 55% trở lên CĐCS khu vực DN, đơn vị sự nghiệp có vốn ngoài Nhà nước, nghiệp đoàn cơ sở, đạt tiêu chuẩn vững mạnh; 90% cán bộ CĐ chuyên trách các cấp có trình độ đại học; 100% cán bộ là ủy viên ban chấp hành CĐCS được tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ và kỹ năng công tác CĐ; 70% CĐCS trong các DN thành lập được Ban nữ công quần chúng theo quy định của Điều lệ CĐ Việt Nam; thu tài chính CĐ đạt 90% so với số phải thu kinh phí và đoàn phí CĐ theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Hàng năm, bình quân mỗi CĐCS bồi dưỡng, giới thiệu ít nhất 1 công đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp; có 70% trở lên số DN có tổ chức CĐ tổ chức các hình thức dân chủ tại cơ sở; ít nhất 70% DN ngoài Nhà nước có thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, ít nhất 80% thỏa ước lao động tập thể có nội dung có lợi hơn so với quy định của pháp luật, trong đó có ít nhất 35% thỏa ước lao động tập thể đạt loại A. Hàng năm, có 80% trở lên số ĐV và người lao động nơi có tổ chức CĐ được CĐ cung cấp, phổ biến thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của CĐ. Phấn đấu có từ 60% trở lên số ĐV và người lao động nơi có tổ chức CĐ được tuyên truyền, vận động tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.
THU THẢO