Bayern – Chelsea: Lợi thế đang nghiêng về đội chủ sân Allianz Arena

Thứ bảy, ngày 19/05/2012

Mặc những chê bai về một trận chung kết hạng hai, Bayern và Chelsea vẫn thừa động lực để sống mái giành danh hiệu vô địch Champions League tại Allianz, Munich đêm nay.

Chung kết

20h45 thứ bảy 19-5, sân Allianz Arena, Munich

(Giờ địa phương; + 5 = giờ Hà Nội)

BAYERN - CHELSEA

Kịch bản về một trận kinh điển Real - Barca ở chung kết Champions League đã không thành hiện thực. Barca - nhà ĐKVĐ - bị hạ bệ ở bán kết sau hai trận cầu mà họ chơi áp đảo, nhưng như bị "ma làm" khi bất lực trong việc cụ thể hóa sự vượt trội về khả năng tấn công so với Chelsea. Real - đội bóng hay nhất thế kỷ 20 và một cỗ máy hủy diệt thật sự trong năm thứ hai được dẫn dắt bởi "Người Đặc Biệt" Mourinho - thì dừng bước vì thua Bayern ở loạt đá luân lưu cân não.

 Chelsea và Bayern cần bước rướn cuối cùng để làm nên lịch sử với chiếc Cup bạc Champions League hôm nay. Xét ở khía cạnh mỹ học trong lối chơi, bề dày truyền thống cũng như sức hút công chúng, rõ ràng một trận chung kết có cả hai hoặc một trong hai cái tên, Real và Barca đương nhiên sẽ nhận được sự quan tâm lớn hơn. Nhưng bóng đá là vậy, chiến thắng không phải lúc nào cũng thuộc về đội chơi hay hơn. Đánh bại hai người khổng lồ đến từ Tây Ban Nha, Bayern và Chelsea hoàn toàn xứng đáng làm nên trận thư hùng đỉnh cao bóng đá châu Âu mùa này và sẽ cùng chiến đấu bằng tất cả trái tim lẫn khối óc vì những cơ hội của cả đời người trong trận cầu đó.

Bayern và cơ hội trăm năm có một

Lịch sử Cup C1 mới chỉ ghi nhận ba trường hợp đấu trận chung kết trên sân nhà, gồm Real Madrid (1957, thắng Fiorentina 2-0), Inter (1965, thắng Benfica) và AS Roma (1984, thua Liverpool). Bayern là đội thứ tư. Tính trong kỷ nguyên Champions League - tính từ 1992 - thì họ là đội đầu tiên có may mắn được đá sân nhà ở trận cầu đặc biệt này. Chắc không còn cơ hội nào tuyệt vời hơn thế để "Hùm Xám" giải cơn khát danh hiệu Champions League suốt 12 năm dài đằng đẳng và lần thứ năm đăng quang tại sân chơi danh giá nhất châu Âu cấp CLB. Đăng quang ngay trên sân bóng quen thuộc, trước sự chứng kiến của khán giả nhà.

"Nhiều đội bóng có bề dày lịch sử phải chờ đợi rất lâu để lên ngôi ở sân chơi này. Nếu không phải bây giờ, có lẽ chúng tôi sẽ chẳng bao giờ có một cơ hội như thế này. Đấu chung kết Champions League trên sân nhà là cơ hội tuyệt vời cho Bayern", HLV Jupp Heynckes thừa nhận trong cuộc họp báo trước trận hôm qua. Đón cơ hội trăm năm có một này, Bayern vừa khéo lại đang vào độ chín muồi của chu kỳ chiến thắng mở ra từ năm 2007 với cột mốc là vụ tuyển mộ thành công Franck Ribery.

Heynckes từng một lần vô địch Champions League, khi dẫn dắt Real năm 1998. Ở tuổi 67, nếu không cùng Bayern chiến thắng hôm nay, ông sẽ không còn dịp nào khác để đăng quang lần nữa và đi vào lịch sử với tư cách HLV thứ tư từng đoạt hai Cup C1/Champions League với hai CLB khác nhau, sau Ernst Happel (với Feyenoord năm 1970, Hamburger 1983), Ottmar Hitzfeld (Dortmund 1997, Bayern 2001) và Mourinho (Porto 2004, Inter 2010).

Với Robben và Ribery, trận chung kết với Chelsea hôm nay là dịp hiện thực hóa giấc mơ vô địch ở giải đấu lớn. Cả hai từng dự chung kết World Cup, nhưng đều thất bại tức tưởi. Ribery cùng tuyển Pháp thua Italy trong loạt đá luân lưu năm 2006. Bốn năm sau đó, tới lượt Robben ngậm ngùi khi tuyển Hà Lan của anh gục ngã dưới tay Tây Ban Nha 0-1 vì bàn thua ở hiệp phụ. Cũng trong năm 2010, khi Bayern lọt vào chung kết Champions League, Ribery vắng mặt vì chiếc thẻ đỏ trực tiếp ở bán kết lượt. Không có người chia lửa, Robben bất lực nhìn "Hùm Xám" bị Inter bẻ nanh bằng cú đúp của Milito.

Với Neuer, Lahm, Boateng Schweinsteiger, Kroos, Thomas Mueller, Mario Gomez, Bayern đang sở hữu một dàn trụ cột tiêu biểu cho thế hệ tài năng mới của bóng đá Đức. Nhưng để được lưu danh cùng sử sách, sánh vai với các thế hệ tiền bối như Kahn, Effenberg, Mehmet Scholl (vô địch năm 2001), hay Maier, Beckenbauer, Gerd Mueller (ba lần liền vô địch giai đoạn 1974-1976), những hạt nhân người Đức của Bayern hiện tại cần tối thiểu một danh hiệu Champions League.

Chelsea - sân chơi cuối cho giấc mơ vô địch

Mua lại Chelsea năm 2003 và đã chi ngót nghét một tỷ bảng vào việc mua sắm cầu thủ, cầu viện những nhà cầm quân tài ba nhất có thể, đến giờ Roman Abramovich vẫn chưa thể hiện thực hóa được giấc mơ lớn nhất mà ông hằng đeo đuổi - vô địch Champions League. Năm 2008, Chelsea đã tiến rất gần đến cái đích đó khi có mặt ở chung kết trên sân Luzhniki, Moscow và cầm hòa MU 1-1 sau 120 phút thi đấu. Nhưng ở loạt sút luân lưu, họ lại gục ngã vì một cú trượt chân của John Terry và một quả đá quá hiền khác của Anelka. Trên khán đài danh dự hôm đó, gương mặt Abramovich như hóa đá.

Bốn năm đã qua sau thất bại cay đắng đó, một lần nữa Chelsea góp mặt trong trận đấu cuối cùng của mùa giải Champions League. Đây là một kỳ tích thật sự xét đến việc Chelsea vừa chơi mùa giải bết bát nhất trong kỷ nguyên Abramovich, phải dùng Roberto Di Matteo - một HLV tạm quyền mà trải nghiệm cầm quân đỉnh cao trước đó chỉ gói gọn trong nửa mùa dẫn dắt không thành công West Brom tại Ngoại hạng Anh, kết thúc bằng trát sa thải. Nhưng một khi đã trở về từ cõi chết ở vòng 16 đội (thua Napoli 1-3 từ lượt đi), đã hạ bệ Barca - nhà vô địch đồng thời đội bóng mạnh nhất thế giới bốn năm qua, thầy trò Di Matteo chắc chắn không muốn dừng lại ở việc góp mặt trong trận chung kết.

Chỉ trong gần ba tháng cầm quân, Di Matteo đã giúp Chelsea lột xác, rũ bỏ hình ảnh èo uột, thiếu sinh khí, đầy rẫy bất ổn nội bộ dưới thời vị tiền nhiệm Villas-Boas, trở thành một đội bóng đúng nghĩa, đoàn kết, mạnh mẽ. Con đường HLV trẻ người Italy vừa đi ngay trong lần đầu tiên dẫn dắt một đội bóng lớn, dù ngắn hơn nhiều, vẫn gợi nhớ tới Avram Grant - một HLV ít tiếng tăm góp công lớn vực dậy Chelsea sau khi Mourinho bị sa thải và đưa đội tới chung kết Champions League 2008. Tuy nhiên, để không đi vào vết xe đổ của Grant - bị cho thôi việc ngay sau khi thua MU tại Moscow - và thuyết phục ông chủ Abramovich giữ lại làm HLV trưởng danh chính ngôn thuận mùa tới, Di Matteo bằng mọi giá phải giúp Chelsea nâng Cup vô địch Champions League hôm nay.

Với Petr Cech, Ashley Cole, Lampard, Drogba - những nguyên lão ngoài 30 tuổi từng cùng Chelsea đi hết các cung bậc vui buồn trong kỷ nguyên Abramovich - trận chung kết với Bayern hôm nay là sân chơi cuối cho giấc mơ vô địch Champions League. Nếu không thể đăng quang, rất khó để họ cũng như bạn đồng lứa bị treo giò ở chung kết là John Terry có một cơ hội khác, khi tất cả đều đã ngoài 30 tuổi, bước vào giai đoạn xế bóng của đời cầu thủ.

Lợi thế cho Bayern

Động lực có thừa, nhưng để bước lên bục vinh dự nâng Cup vô địch, cả chủ lẫn khách nhất thiết phải giải được với những bài toán nhân sự hóc búa. Hầu hết bảy cầu thủ hai bên bị treo giò ở chung kết đều là những mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng ngự. Bayern mất ba trụ trung vệ Badstuber, hậu vệ trái Alaba và tiền vệ đánh chặn Gustavo. Chelsea thì vắng trung vệ Terry, hậu vệ phải Ivanovic, tiền vệ phải Ramires và tiền vệ con thoi Meireles.

Nhìn vào các phương án thay thế, Bayern có lẽ đang tự tin hơn, khi họ vừa chào đón trung vệ dày dạn kinh nghiệm Van Buyten trở lại sau chấn thương. HLV Heynckes đã thử hệ thống phòng ngự mới trong trận đấu cuối cùng ở Bundesliga với Tymoschuk đá cặp trung vệ cùng Boateng, Conteno thay Alaba trấn giữ cánh trái và Kroos được kéo về thế chỗ Gustavo ở tuyến giữa.

Hỏa lực mạnh và sự cơ động của bộ ba Robbeen - Ribery - Gomez sẽ giúp Bayern vơi bới nỗi lo từ sự thiếu hụt nhân sự ở hàng thủ.

Chelsea, ngược lại, không có cơ hội để thử nghiệm ở vị trí trung vệ do bộ đôi dự phòng Cahill - Luiz đều vắng mặt suốt giai đoạn cuối mùa vì chấn thương. Cuộc đua vào top 4 căng thẳng đến giờ chót cùng trận chung kết Cup FA khiến HLV Di Matteo không dám mạo hiểm kiểm nghiệm các phương án dự phòng cho vị trí của Ivanovic, Ramires. Trong khi đó, Mikel, Romeu và Essien đều chơi thiếu an toàn khi được ông thầy trao cơ hội đá thay Meireles ở giữa sân.

Xét tới lối chơi mà hai đội áp dụng trên đường vào chung kết, Bayern đang có phần thuận lợi hơn khi thứ bóng đá của họ dựa nhiều vào hàng công. Với cặp Kroos - Schweinsteiger hỗ trợ bộ tứ Ribery - Mueller - Robben - Gomez, "Hùm Xám" đủ sức lấy công bù thủ. Chelsea, dù vẫn còn nguyên vẹn hàng công với các gương mặt như Lampard, Torres, Mata, Drogba, sẽ gặp khó khăn nhiều hơn do lối chơi phòng ngự phản công của họ phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm, sự cơ động và sức mạnh của những cái tên vắng mặt.

Theo VNE