Bay bổng với xe mô hình điều khiển từ xa
Chỉ cần một lần được diện kiến, người xem chắc chắn sẽ ấn tượng không chỉ với âm thanh gầm rú của động cơ máy nổ giòn tan, xé gió sau mỗi cú nhồi ga của “nài” (người điều khiển xe mô hình bằng remote) mà còn là tốc độ, sự dũng mãnh, lã lướt trên đường đua của những chiếc xe có giá hàng chục triệu đồng. Nhưng, trên hết vẫn là niềm đam mê vô bờ của những chàng trai, cô gái trong CLB RC Bình Dương gồm 14 thành viên - những người đầu tiên du nhập thú chơi xe mô hình điều khiển từ xa (radio control - RC) vào Bình Dương...
Các thành viên và đội xe RC Bình Dương trong ngày ra mắt
Từ “siêu xe” bạc triệu
Vào một ngày cuối tuần, có dịp đi ngang sân vận động Gò Đậu, chúng tôi lấy làm lạ khi có khá nhiều người bất chấp trời mưa, dán mắt vào những vật thể đang di chuyển với tốc độ chóng mặt, lao vun vút trên mặt đường nhựa của khuôn viên sân vận động. Tò mò, chúng tôi quay lại xem thử và nhanh chóng hiểu rằng tại sao lại có nhiều người đội mưa xem màn trình diễn của gần chục chiếc RC đủ màu sắc, kiểu dáng đang thi triển những cú tăng tốc xé gió, hay những pha vào cua cực “độc”, ngoạn mục. Sau một hồi “mắt tròn mắt dẹt” bởi những pha bẻ cua cùi chỏ, hình chữ S, lướt nhanh trên mặt đường với tốc độ có thể lên đến 90-120km/h của đám RC bé tí, chúng tôi lân la làm quen với một “nài”. “Chiếc này chạy “chiến” quá, chắc giá cả chục triệu hả anh”? “Nài” Sâm (TX.TDM) trả lời chúng tôi qua tiếng rít giòn giã của máy nổ: “Ít dữ vậy, chục triệu mới chỉ mua được body (thân) xe thôi. Mấy chiếc này, chiếc nào thấp nhất cũng từ 20 triệu trở lên hết!”
Chỉ mới nghe đến giá của 1 chiếc RC, chúng tôi đã “choáng”, nhưng cũng chưa “sốc” khi Sâm cho biết: “Một lít xăng chuyên dụng cho loại xe này có giá từ 150 ngàn đồng cho đến 250 ngàn đồng, tùy theo nồng độ Nitrô có trong nhiên liệu”. Nhưng, mấy thứ này vẫn chỉ là lặt vặt, nếu so với phụ tùng, phụ kiện của RC. Chân, Hội trưởng CLB RC Bình Dương cho biết: “Giá cả vô chừng lắm anh ơi, vì là hàng nhập khẩu, tính bằng USD không à. Tùy theo túi tiền của mình, ít hay nhiều mà trang bị cho “xế”. Ít tiền thì chơi hàng Malaysia, Đài Loan còn “mạnh đô” thì trang bị hàng Nhật, Ý đủ loại...”. Nói xong, Chân chỉ vào chiếc remote điều khiển chiếc xế của mình cho biết: “Cái này giá 1,9 triệu đồng/chiếc. Nhưng chẳng ăn thua gì nếu so với cái remote Sanwa M11 (phạm vi điều khiển có bán kính khoảng 500m) của anh đội mũ đỏ ngoài kia. Cái đó giá 350USD lận! Remote Sanwa M11 này có tính năng đặc biệt là giúp kiểm tra được tốc độ của xe trên màn hình của remote, canh được góc độ của bánh lái và sử dụng cả chức năng phanh ABS (giống xe hơi thật) giúp xe khi vào cua gấp không bị trượt, lật nhào...”.Theo giải thích của anh Sâm, RC mới mua về tốc độ chậm, remote bắt sóng yếu, chập chờn nên phải “độ” lại hoặc mua thiết bị khác thay thế. Bộ phận quan trọng nhất của một “em” RC là servo. Xe mạnh hay yếu, dễ “tắt thở” khi va đập, bay nhảy qua mô đất, lúc ngấm nước hay không cũng đều do con servo. Chỉ riêng bộ phận này thôi cũng đã có giá từ 700 ngàn cho đến 3,2 triệu đồng, tùy loại. Ngoài ra, còn phải kể đến động cơ, vỏ và mâm xe, “áo” xe, nhiên liệu, keo - dầu - chất bôi trơn chuyên dụng, phụ tùng thay thế, remote... Ước tính, một chiếc RC trong dàn xế của CLB RC Bình Dương có giá trung bình khoảng 25 “chai”. Chiếc đắt nhất có giá lên đến gần 100 “chai”. Thấy người viết có vẻ quan tâm, anh Sâm rủ rê: “mời anh xuống gần ngã ba An Sơn (thị trấn An Thạnh, Thuận An) để biết...”.
Đến “đường đua xịn nhất”
Đúng hẹn, chúng tôi có mặt tại đường đua cũng là “đại bản doanh” của RC Bình Dương. Đến nơi, đã thấy gần chục nam nữ tề tựu xung quanh đường đua. Trong khi 2-3 cô gái trẻ đang hè nhau chuẩn bị cho buổi tiệc liên hoan ngoài trời thì các anh em trong nhóm nhanh tay hoàn tất những công đoạn cuối cùng chuẩn bị cho giải đấu nội bộ nhân ngày chính thức ra mắt CLB và khai trương đường đua của RC Bình Dương.
Anh Toàn, một trong những thành viên sáng lập RC Bình Dương cho biết: “Ban đầu chơi và biểu diễn xe ở góc khu đô thị Chánh Nghĩa. Nhưng, được một thời gian, bộ phận quản lý nơi đây yêu cầu không được hoạt động. “Dời đô” qua khuôn viên sân vận động Gò Đậu cũng không hợp với yêu cầu của xe RC truyền thống. Hết cách, định hùn tiền thuê đất để làm đường đua riêng, nhưng sợ chủ đất lấy lại mặt bằng . Bí đường, em mới năn nỉ và được bà cô cho sử dụng miếng đất ở An Sơn, cải tạo lại làm đường đua. Thế là RC Bình Dương có nhà, mà là nhà “xịn”. Theo lời anh Phi, một thành viên của RC Bình Dương, trước đây nguyên là thành viên của RC TP.HCM, từng tham gia thi đấu quốc tế với Australia, Malaysia cho biết, đây là đường đua xịn nhất ở miền Nam, chính các bạn CLB RC Cát Lái, Rạch Chiếc (TP.HCM) lên đây tham quan đều phải suýt xoa ao ước”... Trên diện tích khoảng 500m2, nhóm RC Bình Dương xây dựng hệ thống đường đua gồm có 4 vòng xoắn nhỏ, hơn 10 khúc cua đủ loại và đặc biệt là với 6 ụ đất được đắp cao khoảng 35cm - dùng làm nơi thử thách tốc độ và sức chịu đựng của các chiếc RC.
Bay bổng cùng RC Bình Dương
Tại giải đấu nội bộ của nhóm, sau hiệu lệnh của trọng tài nữ tên Oanh, 4 chiếc RC của 4 thành viên CLB lao đi vun vút trên đoạn đường thẳng, sau đó vào cua thật gắt và leo dốc với tốc độ khoảng 80-90km/h. Tiếng động cơ rít liên tục sau mỗi cú nhồi ga từ xa của “nài”, bánh xe ma sát vào mặt đường, làn bụi bốc lên khi xe vào cua, rồi sau đó bay vèo qua mô đất, rớt xuống nghe “ập, ập”, thậm chí có xe còn phi cao, cưỡi lên ngay trên đầu xe đối thủ khi “hạ cánh” khiến cho đường đua trở nên rất gay cấn, nghẹt thở và cũng không thiếu sự vui nhộn. Một chiếc màu cam quá máu vượt mặt đối thủ đã bay qua mô đất, lăn mấy vòng trên không, ngã chỏng vó lên trời... phải nhờ các “service viên” chăm sóc giúp mới tiếp tục lăn bánh. Nhưng không phải xe nào sau khi ngã dúi dụi cũng có thể lăn bánh trở lại. Đã có ít nhất 1 trường hợp sau khi “làm xiếc” trên không, đánh uỳnh xuống mặt đất, văng phụ tùng tứ phía, đành bỏ cuộc...
Xuất phát cuộc đua giải thi đấu nội bộ
Tâm sự với chúng tôi, anh Chân cho biết: “Sau những ngày làm việc căng thẳng, cứ cuối tuần là tụi này lại tập hợp nhau và cùng bay bổng với niềm đam mê sưu tầm và điều khiển những chiếc RC nhỏ bé nhưng đầy mạnh mẽ và cá tính. Ở nước ngoài, RC đã được thừa nhận là một môn thể thao và có tổ chức hẳn giải vô địch quốc gia, khu vực. Trong khi đó, phong trào chơi RC ở trong nước cũng chỉ ở dạng tự phát, manh mún, thậm chí còn không được ủng hộ...”.
Chắc cũng vì lý do này mà trong tiếp xúc với chúng tôi, các thành viên của RC đều không muốn cho biết tên thật, nơi cư trú hoặc ngành nghề công tác của mình và đương nhiên là giá thành của những chiếc xe mô hình. Chắc hẳn, giống như chúng tôi, bạn đọc sẽ đặt câu hỏi: “Những thanh niên này làm gì mà nhiều tiền mới có thể đeo đuổi đam mê chơi xe đại gia?”. Trả lời câu hỏi này, Hội trưởng Chân lý giải: “Nhóm tụi này, có tuổi đời từ 19 cho đến 36, mỗi người một nghề khác nhau. Nhưng nói chung là đều có công việc và thu nhập ổn định cả. Tuy nhiên, để có tiền chơi xe thì phải dành dụm, mua từng bộ phận rồi về lắp ráp dần hoặc nhờ anh em trong CLB góp tiền, hỗ trợ nhau. Từ ngày tập hợp nhau từ tháng 6-2010 đến nay, với cách hoạt động nương tựa lẫn nhau như vậy, CLB đã nâng dần số hội viên và số xe từ 7 lên 14”. Cũng từ đường đua riêng và thành công của giải thi đấu nội bộ, anh em trong CLB đang lên phương án sẽ đăng ký tư cách pháp nhân của CLB, tìm sự ủng hộ của ngành thể dục thể thao để tiến tới tổ chức giải vô địch RC Bình Dương mở rộng nhân dịp Tết dương lịch sắp tới, thu hút các CLB ở khu vực phía Nam tham dự.
LONG VĨNH - ĐỖ TRƯỜNG