Bầu Kiên bị tuyên y án 30 năm tù giam

Thứ hai, ngày 15/12/2014

(BDO)

Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm nghe toà tuyên án

Chiều 15-12, HĐXX phúc thẩm đã tuyên bản án đối với Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Theo đó, “bầu” Kiên bị tuyên y án sơ thẩm 30 năm tù cho 4 tội danh.

Mức án cụ thể đối với "bầu" Kiên và đồng phạm theo phán quyết của toà phúc thẩm như sau:

1. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên: 20 tháng tù về tội "Kinh doanh trái phép"; 6 năm 6 tháng tù về tội "Trốn thuế", áp dụng hình phạt bổ sung bồi thường thêm hơn 75 tỷ đồng; 20 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", phạt bổ sung 100 triệu đồng; 18 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến hoạt động ngân hàng trong vòng 5 năm.

Tổng cộng hình phạt chung đối với Nguyễn Đức Kiên là 30 năm tù.

2. Bị cáo Lê Vũ Kỳ (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 4 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cấm đảm nhiệm chức vụ tại các ngân hàng trong 5 năm kể tù ngày mãn hạn tù.

3. Bị cáo Trịnh Kim Quang (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 4 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cấm đảm nhiệm chức vụ tại các ngân hàng trong 5 năm kể tù ngày mãn hạn tù.

4. Bị cáo Phạm Trung Cang (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 3 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cấm đảm nhiệm chức vụ tại các ngân hàng trong 5 năm kể tù ngày mãn hạn tù.

5. Bị cáo Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB): 8 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cấm đảm nhiệm chức vụ tại các ngân hàng trong 5 năm kể tù ngày mãn hạn tù.

6. Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn (nguyên Thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 2 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cấm đảm nhiệm chức vụ tại các ngân hàng trong 5 năm kể tù ngày mãn hạn tù.

Trước đó, trong phần phân tích, đánh giá về tính chất mức độ của hành vi phạm tội của Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm, Hội đồng xét xử phúc thẩm cho rằng mức án phạt ở tòa sơ thẩm là xác đáng đối với hành vi kinh doanh trái phép của Nguyễn Đức Kiên.

Toà nhận định, vào thời điểm xảy ra vụ án, chính sách kinh tế của Nhà nước luôn khuyến khích các DN tham gia các ngành sản xuất kinh doanh những lĩnh vực pháp luật không cấm. Tuy nhiên, các DN chỉ được kinh doanh những ngành nghề đã đăng ký theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nếu muốn kinh doanh thêm ngành nghề mới thì phải đăng ký bổ sung. Mọi hoạt động kinh doanh ngoài ngành quy định trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đều là kinh doanh trái phép.

HĐXX cho rằng các công ty của "bầu" Kiên đều được thành lập hợp pháp. Tuy nhiên, các công ty này đều thực hiện một số hoạt động kinh doanh mà không đăng ký mã ngành. HĐXX cũng khẳng định, căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, có đủ cơ sở khẳng định các công ty của Nguyễn Đức Kiên kinh doanh trái phép.

Đối với hành vi kinh doanh trên tài khoản ở nước ngoài của Công ty Thiên Nam, HĐXX cho rằng: Công ty Thiên Nam được thành lập từ năm 1995, đã nhiều lần thay đổi người đại diện, từ Nguyễn Đức Kiên sang ông Lê Quang Trung và sau này là ông Trần Vũ Tiến Anh. Pháp luật quy định trường hợp thay đổi người đại diện theo pháp luật thì phải làm thủ tục đăng ký thay đổi. Từ đó HĐXX khẳng định, việc Công ty Thiên Nam thay đổi người đại diện nhưng không làm thủ tục đăng ký thay đổi là vi phạm.

HĐXX cũng khẳng định, Công ty Thiên Nam đã kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài qua Ngân hàng ACB.

Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV đồng thời là người đại diện theo pháp luật của 6 công ty. HĐXX xác định, Nguyễn Đức Kiên đã phạm tội kinh doanh trái phép như tòa án cấp sơ thẩm quy kết là có căn cứ, đúng pháp luật. Việc tuyên phạt Nguyễn Đức Kiên 20 tháng tù giam đối với tội kinh doanh trái phép là có cơ sở.

Về tội trốn thuế, tòa nhận định lời khai của bị cáo và những người có liên quan đều thừa nhận ngày 25.12.2008 đã ký ba hợp đồng giữa B&B với bà Nguyễn Thúy Hương về kinh doanh vàng ghi sổ, phụ lục hợp đồng cho phép B&B ủy thác lại cho người thứ ba, hợp đồng giữa B&B và ACB.

Bị cáo Kiên cho rằng việc các hợp đồng của B&B và bà Hương là hợp pháp. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng hợp đồng này chỉ hợp pháp nếu các bên không ký phụ lục hợp đồng, theo đó bà Nguyễn Thúy Hương ủy quyền cho Nguyễn Đức Kiên làm đại diện cho bà Hương.

Hợp đồng của B&B và bà Nguyễn Thúy Hương vô hiệu do có thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật.

HĐXX xác định Kiên và Công ty B&B đã sử dụng chứng từ không hợp pháp để xác định sai số thuế phải nộp. Tại phiên tòa phúc thẩm, giám định viên tư pháp đã giải thích rõ, Cty B&B không đươc miễn giảm thuế, không thuộc đối tượng được trích lập dự phòng theo như quy định tại Thông tư 228… HĐXX kết luận B&B đã có hành vi trốn thuế.

HĐXX kết luận có đủ cơ sở xác định B&B phạm tội trốn thuế như tòa cấp sơ thẩm quy kết. Bị cáo bị xử phạt 6 năm 6 tháng tù là tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội. Tuy nhiên, cần điều chỉnh số thuế B&B phải nộp.

Tòa phúc thẩm cho rằng có đủ cơ sở Cty B&B do Nguyễn Đức Kiên làm đại diện đã dùng các tài liệu chứng từ không hợp pháp, làm sai lệch số thuế doanh nghiệp phải nộp. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã có hành vi trốn thuế doanh nghiệp phải nộp. Qua kết luận của cơ quan điều tra, Cty B&B trốn thuế nên không được quyền điều chỉnh bổ sung và miễn thuế.

Theo Lao Động