Bàu Bàng: Vùng đất của những chiến công
Sáng nay (12-11), Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Bàu Bàng long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng Bàu Bàng (12.11.1965 - 12.11.2015). 5 thập niên đã đi qua, Bàu Bàng vẫn là “địa chỉ đỏ” cho thế hệ hôm nay đến để tìm hiểu về truyền thống anh hùng trong đánh giặc cứu nước. Phát huy truyền thống, Bàu Bàng hôm nay đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa để sớm trở thành một trung tâm công nghiệp - đô thị của tỉnh.
(BDO)
Một góc đô thị Bàu Bàng hôm nay. Ảnh: H.PHẠM
Tự hào truyền thống
“Mừng miền Nam rực rỡ chiến công/ Nhiều Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Plây-me, Đà Nẵng…”. Đây là những câu thơ đầu trong Thư chúc Tết của Bác Hồ năm 1966. Và cái tên “Bàu Bàng” đã trở thành 1 trong những địa danh lịch sử đi vào huyền thoại của những câu chuyện làm nên chiến công hiển hách của dân tộc, mãi là niềm tự hào cho quân, dân vùng đất Bàu Bàng anh dũng, kiên trung.
Những người từng gắn bó với mảnh đất này tự hào cho biết, 50 năm trước, chiến thắng Bàu Bàng được ví là “quả đấm thép” trên chiến trường miền Nam lúc bấy giờ, không chỉ làm thay đổi cục diện chiến trường mà còn hình thành, hoàn thiện một phương án tác chiến mới đối với quân đội Mỹ đó là “nắm lấy thắt lưng địch mà đánh”. Chiến thắng đã đập tan âm mưu bình định miền Nam Việt Nam trong 18 tháng của đế quốc Mỹ.
Về phía quân đội ta, đây là một chiến công chói lọi, từ thắng lợi của trận Bàu Bàng đã giúp cho nhân dân trong tỉnh và miền Nam có thêm động lực, can đảm đứng lên đánh đuổi kẻ thù, giành lấy hòa bình độc lập. Tinh thần đó cũng được quân dân các xã Long Nguyên, Lai Uyên, Hưng Hòa, Lai Hưng... phát huy một cách mạnh mẽ. Sau trận đánh Bàu Bàng, các vùng lân cận cũng hình thành những tổ bắn tỉa, những đội đánh mìn làm tiêu hao sinh lực địch trong các trận càn, làm quân địch vô cùng khiếp sợ khi lọt vào vùng đất này. Và hôm nay đây, Tượng đài chiến thắng Bàu Bàng đã trở thành niềm kiêu hãnh của người dân địa phương, là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha ông.
Đi lên từ công nghiệp hóa
Bàu Bàng năm xưa kiên cường bất khuất, Bàu Bàng hôm nay lại làm nên kỳ tích. Vùng đất đầy bom đạn năm xưa giờ đang tràn ngập sức sống mới, sức sống của sự chuyển mình, tiến lên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Ngày 1-4-2014, huyện Bàu Bàng được thành lập và chính thức đi vào hoạt động theo Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 29-12-2013 của Chính phủ. Từ đây, Bàu Bàng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, sớm trở thành trung tâm - công nghiệp đô thị của tỉnh.
Ông Nguyễn Hữu Chí, Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng cho biết, ngày mới thành lập, Bàu Bàng chưa có quy hoạch tổng thể về kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Mặc dù xác định là huyện công nghiệp nhưng 75% diện tích đất công nghiệp chưa có nhà đầu tư; thương mại - dịch vụ hầu như chưa có gì. Tuy nhiên, ngay sau khi thành lập, phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ và nhân dân huyện Bàu Bàng đã không ngừng phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tập trung lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị theo đúng định hướng và mục tiêu của Nghị quyết Đảng bộ huyện đã đề ra. Với sự tập trung chỉ đạo toàn diện, đề ra những chủ trương, biện pháp sát với thực tế, kinh tế huyện nhà tăng trưởng nhanh, đời sống người dân không ngừng nâng lên. Đến với Bàu Bàng hôm nay sẽ nhận thấy một sự thay đổi nhanh chóng. Bàu Bàng khoác lên mình chiếc áo mới với bạt ngàn cao su, công ty, xí nghiệp mọc lên san sát, hệ thống trường học đang dần hoàn thiện, đường sá thông thoáng...
Tượng đài chiến thắng Bàu Bàng. Ảnh: P.V
Thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội của huyện phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao, chuyển dịch cơ cấu theo đúng định hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Giai đoạn 2014-2015, giá trị sản xuất ngành công nghiệp theo giá so sánh năm 2010, đạt 15.804 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 2014-2015 là 9,74%; theo giá thực tế đạt 20.673 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2014-2015 là 19,69%. Toàn huyện có 226 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký trên 3.251 tỷ đồng và 39 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 356 triệu USD. Mặc dù những năm gần đây Bàu Bàng phát triển mạnh công nghiệp, thương mại - dịch vụ nhưng nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế -xã hội của nhân dân địa phương. Giai đoạn 2014- 2015, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp theo giá so sánh năm 2010 đạt 3.293 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 6,09%; theo giá thực tế đạt 4.222 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân tăng 4,28%. Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư. Tính đến nay, toàn huyện có 28 trường học, với 11/25 trường công lập đạt chuẩn quốc gia. 100% trạm y tế được xây dựng kiên cố, 100% trạm y tế có bác sĩ, 5/7 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế…
Phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, đô thị
Trong giai đoạn 2015-2020, Bàu Bàng phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế cao. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh) tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 - 2020 là từ 18% - 20%; giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá so sánh) tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 - 2020 là từ 5% - 6%; thương mại - dịch vụ tăng từ 22% - 24%; thu ngân sách Nhà nước bình quân hàng năm tăng từ 9%-10%. Đến cuối năm 2020, huyện phấn đấu có 7/7 xã (100%) đạt tiêu chí xã nông thôn mới, được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. |
Theo ông Nguyễn Hữu Chí, thời gian tới Bàu Bàng có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển. Thực hiện theo điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025 là điều kiện để Bàu Bàng tiếp tục phát triển đúng định hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp; tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế gắn với phát triển xã hội trên cơ sở đầu tư cótrọng điểm, xây dựng mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ để phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị và dịch vụ. Bên cạnh đó, Bàu Bàng nằm trên trục lộ giao thông quan trọng của tỉnh và khu vực (quốc lộ 13), nối liền với huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) và có quỹ đất dồi dào. Khu công nghiệp và đô thị Bàu Bàng chính là điểm nhấn phát triển, trải thảm đỏ chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đã được chấp thuận mở rộng thêm 1.000 ha để phát triển công nghiệp.
Vì vậy, Đảng bộ huyện Bàu Bàng đặt ra mục tiêu tổng quát cho 5 năm tới là tập trung huy động các nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, đi đôi với quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội; bảo đảm ổn định an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp, kết hợp bảo vệ hiệu quả môi trường sinh thái. Huyện cũng đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ trong giai đoạn phát triển mới; thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; củng cố, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của từng cấp ủy, xây dựng hệ thống chính trị, trong đó tập trung xây dựng tổ chức cơ sở Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức ngang tầm với nhiệm vụ mới.
Với những định hướng đã đề ra, phát huy truyền thống anh hùng, trong tương lai gần, tin tưởng rằng Bàu Bàng sẽ trở thành một trung tâm công nghiệp - đô thị của tỉnh.
Ký ức không bao giờ quên
Trong không khí hào hùng nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng Bàu Bàng, phóng viên Báo Bình Dương đã tìm gặp và trò chuyện với những nhân chứng lịch sử của ngày 12-11-1965. Họ - những người đã có nhiều đóng góp cho chiến thắng Bàu Bàng cách đây tròn 50 năm, khi nhớ về diễn biến trận đánh, ai nấy cũng đều rất đỗi tự hào…
Ông NGUYỄN VĂN DÙM, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng: Tự hào lắm chứ!
Ông Nguyễn Văn Dùm sinh ra và lớn lên ở phường Thới Hòa, TX.Bến Cát trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Năm 1959, khi mới 13 tuổi, ông đã tham gia sinh hoạt Đoàn, một lòng theo cách mạng với nhiệm vụ rải truyền đơn chuẩn bị cho Đồng Khởi. Năm 1961, ông được bầu làm Phó Bí thư Chi đoàn mật, đến 1964 bị lộ và thoát ly tham gia lực lượng vũ trang xã. Năm 1965, ông được rút về Sư đoàn 9, một trong hai sư đoàn chủ lực đầu tiên ở miền Nam.
Kể về trận đánh Bàu Bàng ngày 12-11-1965, ông Dùm cho biết đây là một trong những ký ức không thể nào quên. Khi đó, ông cũng không được triển khai nhiều về tình hình chiến sự và chưa biết sẽ đánh trận đánh này như thế nào. Đơn vị của ông tập kết tại căn cứ Long Nguyên, sau khi có lệnh chiến đấu, liền chuẩn bị cơm vắt, lá ngụy trang và hành quân để đánh thẳng lên Bàu Bàng. Theo phân công, Trung đoàn 2 - Đồng Xoài sẽ là trung đoàn chủ công và dự kiến sẽ đánh lúc 24 giờ, tuy nhiên mãi đến 5 giờ sáng hôm sau, đơn vị mới được lệnh triển khai đội hình đánh địch. Từ đội hình bắn máy bay, đơn vị lệnh hạ chân xuống bắn mặt đất để mở đường cho bộ binh vào tấn công địch. Đánh đến 9 giờ sáng, đơn vị nhận lệnh ngưng và sau đó tiếp tục chuyển đội hình trở lại bắn máy bay. Nhớ về trận đánh oai hùng năm ấy, ông Nguyễn Văn Dùm nói: “Tự hào lắm chứ! Đây là lần đầu tiên cả sư đoàn ra quân trực tiếp chiến đấu với quân viễn chinh Mỹ và đã đánh thắng giặc Mỹ. Chiến thắng đã củng cố vững chắc lòng tin cho quân và dân ta khi đó…”.
Ông HUỲNH VĂN NA, phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An: 50 năm mà như mới hôm qua…
Đó là chia sẻ của ông Huỳnh Văn Na, nguyên chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1 - Bình Giã. Với ông, ký ức về một trận chiến hào hùng vẫn còn nguyên vẹn. Ông Na cho biết ngày 8-11-1965, trung đoàn của ông đã đánh thắng trận Đất Cuốc, tiêu diệt gọn một tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn dù 173 Mỹ. Khi Bộ Chỉ huy Miền mở chiến dịch tiến công địch trên chiến trường Bến Cát (gồm cả Bàu Bàng hiện nay) - đường 13 - Dầu Tiếng thì Tiểu đoàn 1 được sư đoàn điều động từ Đất Cuốc (nay thuộc huyện Bắc Tân Uyên) hành quân cấp tốc vượt trên 20 cây số về Bàu Bàng để tăng cường cho Trung đoàn 2, chuẩn bị tập kích quân Mỹ trên quốc lộ 13. Đúng 5 giờ ngày 12-11, trung đoàn ra lệnh cho Tiểu đoàn 1 nổ súng, pháo của ta bắn chính xác trận địa địch. Ngay loạt đạn đầu, ta đã bắn cháy một số xe tăng địch ở tiền duyên, chớp thời cơ các mũi đột phá của ta đánh chiếm tuyến ngoài. Quân Mỹ phản kích rất quyết liệt, có trường hợp chúng dùng xe tăng chạy đâm thẳng vào đội hình ta. Anh em mình chiến đấu rất dũng cảm, áp thật sát địch dùng cả bộc phá, lựu đạn diệt từng chiếc xe tăng Mỹ. Nhờ thọc sâu, chia cắt địch thành nhiều đội hình nhỏ nên chúng ta đã chiến thắng. Một chiến thắng vang dội, mở ra một thời kỳ với những phong trào “Tìm Mỹ mà diệt”, “Tìm ngụy mà đánh”…
Ông NGUYỄN MINH DŨNG, ấp An Thành, xã An Tây, TX.Bến Cát: Chiến thắng của lòng dũng cảm, gan dạ
Trận Bàu Bàng ngày 12-11-1965 nổ ra khi ấy tôi tròn 15 tuổi. Những ngày chuẩn bị đánh quân viễn chinh Mỹ vốn được trang bị vũ khí hiện đại nhất thế giới với biệt danh “Anh cả đỏ”, chưa ai nắm rõ sẽ đánh bằng cách nào. Vì nhỏ tuổi nên khi vào tham gia Trung đoàn 2, tôi được giao nhiệm vụ làm liên lạc cho ông Trương Văn Đàng, Chính trị viên Tiểu đoàn 4. Trong trận đánh, tôi bị thương ở đầu nên sau đó được đưa về đơn vị quân y, sau này trở thành y sĩ. Khi ấy còn nhỏ tuổi, chưa được như các anh, các chú trực tiếp cầm súng tham gia trận đánh, nhưng tôi cũng rất tự hào khi mình được đóng góp một phần cho thắng lợi đó. Chiến thắng Bàu Bàng chúng ta giành được không phải là nhờ vũ khí hiện đại mà là kết quả của lòng dũng cảm, gan dạ, bám thắt lưng địch mà đánh.
TIỂU LIÊN (ghi)
THU THẢO