Bàu Bàng: Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Thứ ba, ngày 20/09/2016

(BDO) Để huyện mới như Bàu Bàng phát triển theo đúng định hướng đề ra, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là yêu cầu tất yếu. Vì vậy, Huyện ủy Bàu Bàng đã xây dựng chương trình hành động về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại giai đoạn 2016- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ tại Khu công nghiệp đô thị Bàu Bàng Ảnh: Q.CHIẾN

Những năm gần đây, bộ mặt của huyện Bàu Bàng thay đổi khá rõ nét. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư với nhiều công trình trọng điểm, tạo điều kiện phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị, giao thông, giáo dục, y tế… từng bước góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2014-2015, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của huyện lên đến 603 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước trên 313 tỷ đồng, còn có sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau. Từ các nguồn vốn này, giai đoạn 2014-2015, hạ tầng giao thông của huyện được tập trung đầu tư nâng cấp mở rộng và duy tu sửa chữa. Hệ thống cấp điện sinh hoạt và điện cho sản xuất được nâng cấp và xây dựng mới, đáp ứng kịp thời nhu cầu về sử dụng điện trong sinh hoạt và sản xuất công nghiệp; đến nay tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,88%. Hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, thương mại dịch vụ từng bước hình thành theo hướng hiện đại. Cấp nước sạch, thoát nước thải từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ ở khu công nghiệp, khu dân cư…

Ông Nguyễn Hữu Chí, Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng cho biết, những năm qua việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của huyện đã đạt được những thành tựu nhất định, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, với một huyện mới như Bàu Bàng thì rõ ràng vẫn chưa đáp ứng được. Nguồn vốn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng chủ yếu là vốn ngân sách Nhà nước đầu tư các công trình cấp bách, thiết yếu, quan trọng. Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực được quan tâm chỉ đạo nhưng chưa đạt kết quả như mong đợi. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở huyện vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, thiếu đồng bộ. Hạ tầng giao thông đối ngoại chưa hoàn chỉnh như quốc lộ 13, các tuyến đường tỉnh và đường huyện đang xuống cấp và hư hỏng. Hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, chưa bảo đảm; kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển chậm… Nguyên nhân là do tốc độ tăng dân số cơ học trong những năm qua khá nhanh, gây sức ép lên việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng của huyện. Nguồn vốn đầu tư cho các công trình y tế, giáo dục, văn hóa; các công trình trụ sở làm việc các cơ quan, ban ngành vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay. Do huyện mới thành lập nên công tác quy hoạch chưa đồng bộ, chậm, thường điều chỉnh. Điểm xuất phát của nền kinh tế thấp, tốc độ phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị nhanh, nhu cầu đầu tư lớn trong khi đó ngân sách Nhà nước dành cho đầu tư xây dựng hạn chế, việc huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gặp nhiều khó khăn. Công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng còn chậm, thiếu đồng bộ…

Nhằm khắc phục những hạn chế này, Huyện ủy Bàu Bàng xác định mục tiêu chung cho giai đoạn tới là đến năm 2030, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và vệ sinh môi trường; từng bước xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, đồng thời tạo điều kiện đưa Bàu Bàng trở thành đô thị vệ tinh của tỉnh Bình Dương. Để đạt mục tiêu đó, trước tiên huyện sẽ phải nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch; tập trung huy động và sử dụng các nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra để nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức Đảng và hệ thống chính trị các cấp để lãnh đạo xây dựng kết cấu hạ tầng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; nâng cao vai trò của giám sát nhân dân và giám sát cộng đồng trong việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng…

Ông Nguyễn Hữu Chí cho biết thêm, để hoàn thành chương trình hành động này, phải xác định phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ là sự nghiệp chung, là trách nhiệm của toàn Đảng bộ, của các cấp, các ngành, của mọi người dân; bảo đảm lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, huyện tập trung huy động và sử dụng mọi nguồn lực của xã hội đầu tư theo lộ trình phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; triển khai phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, đồng bộ, bảo đảm sự gắn kết các xã với huyện, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; có phân kỳ đầu tư, ưu tiên những dự án quan trọng. Đến năm 2020, về cơ bản huyện hoàn thiện xong hạ tầng đô thị, nông thôn theo hướng hiện đại; đồng thời tiếp tục đầu tư, nâng cấp và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để từng bước hiện đại hóa hạ tầng kinh tế - xã hội vào năm 2030.

 

 THU THẢO

 

 

Từ khóa: