Bàu Bàng: Nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng
(BDO) Thời gian qua, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn huyện Bàu Bàng đã đạt được nhiều kết quả nhất định để thực hiện nhiều dự án, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Công tác giải tỏa, đền bù trên địa bàn huyện Bàu Bàng trong thời gian qua đạt nhiều kết quả nhất định. Trong ảnh: Đoạn đường Mỹ Phước - Bàu Bàng đã thông xe
Bảo đảm theo kế hoạch
Hiện địa phương đang triển khai thực hiện nhiều dự án lớn, nhỏ trên địa bàn, trong đó để công tác giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư bảo đảm tiến độ, người dân đồng thuận, huyện Bàu Bàng đã quán triệt và triển khai nhiều giải pháp, góp phần tạo thuận lợi nhất cho người dân vùng giải tỏa.
Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bàu Bàng, thời gian qua địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường các công trình trọng điểm trên địa bàn đạt kết quả khá tốt. Đơn cử, dự án GPMB khu đất công tại ấp 6, xã Hưng Hòa có tổng số 14 hộ bị giải tỏa, với tổng diện tích đất 60.602,9m2. Do đất làm dự án có nguồn gốc là đất công nên không thực hiện bồi thường về đất và tài sản trên đất, chỉ hỗ trợ theo đơn giá Nhà nước. Hiện nay, trung tâm đã chi tiền hỗ trợ đối với 12 trường hợp với tổng số tiền gần 9 tỷ đồng. Trung tâm phối hợp với các đơn vị liên quan cắm mốc 14 thửa đất giao lại cho các hộ dân để tiến hành bàn giao mốc ngoài thực địa cho 8 trường hợp đủ điều kiện.
Dự án đầu tư GPMB công trình đường tạo lực Mỹ Phước- Bàu Bàng (đoạn từ đường 7B đến Khu công nghiệp Bàu Bàng), UBND tỉnh và UBND huyện Bàu Bàng đã ban hành quyết định thu hồi đất và quyết định bồi thường 206 hồ sơ với tổng số tiền gần 130 tỷ đồng. Hiện nay phát sinh 1 hồ sơ cá nhân và 1 hồ sơ tổ chức, trung tâm đang phối hợp hoàn chỉnh hồ sơ tham mưu UBND huyện ban hành quyết định thu hồi đất và quyết định bồi thường. Đến nay, đã chi trả tiền bồi thường 203 hồ sơ với tổng số tiền trên 126 tỷ đồng. Còn lại 5 hồ sơ chưa nhận tiền (gồm 3 hồ sơ chưa đồng ý đơn giá bồi thường đất và 2 hồ sơ mới phát sinh). Trung tâm đã bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh 202 hồ sơ, đạt 99,84% trên tổng diện tích toàn công trình.
Theo ông Trịnh Thanh Thiên, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bàu Bàng, trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, trung tâm luôn nhận được sự chỉ đạo, quan tâm sâu sát từ Huyện ủy, UBND huyện, sự hỗ trợ tích cực từ các phòng ban, UBND cấp xã và các ngành có liên quan. Đồng thời, trong quá trình khảo sát, kiểm kê trung tâm nhận được sự phối hợp tích cực từ đa số người dân nên tiến độ các công trình được bảo đảm theo kế hoạch đề ra.
Hạn chế khiếu kiện
Theo lãnh đạo huyện Bàu Bàng, thời gian qua địa phương đã tập trung chỉ đạo công tác vận động nhân dân đồng thuận với chính quyền để dự án bảo đảm tiến độ. Nhờ tinh thần trách nhiệm và sự sâu sát cơ sở của bộ phận GPMB huyện cùng sự tận tâm của cán bộ phường nên hầu hết người dân đều chấp hành chủ trương di dời, hạn chế để xảy ra các trường hợp phải cưỡng chế.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ còn vướng mắc một số trường hợp không đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án do nhiều nguyên nhân. Tại thời điểm điều tra, khảo sát xây dựng phương án giá đất của các công trình, dự án thì giá đất thấp hơn so với thời điểm phê duyệt bồi thường. Sau khi phê duyệt đơn giá đất cụ thể thì giá đất chuyển nhượng trên thị trường biến động tăng liên tục gấp nhiều lần, dẫn đến tình trạng người dân không đồng ý với đơn giá bồi thường về đất và gửi đơn kiến nghị yêu cầu tăng. Đặc biệt những hộ dân có đất tiếp giáp quốc lộ 13 (thuộc thị trấn Lai Uyên) là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nguồn dữ liệu thông tin về đất đai chưa chặt chẽ, một số trường hợp trích lục sai thông tin chủ sử dụng, thay đổi đối tượng thu hồi đất do chuyển nhượng, thừa kế nên phải điều chỉnh hồ sơ bồi thường. Một số hộ dân không xác định được ranh đất, không đồng ý với hồ sơ đo đạc do giảm diện tích. Một số hộ dân thường trú ở các tỉnh khác nên khó khăn trong việc xác định thông tin người sử dụng đất để liên lệ, phối hợp đo đạc, kiểm đếm. Công tác đo đạc, lập bản vẽ bồi thường, thu hồi đất của đơn vị đo đạc còn nhiều trường hợp phải kéo dài thời gian, điều chỉnh nhiều lần do thay đổi thông tin chủ sử dụng đất và trình thẩm định tại Chi cục Quản lý đất đai.
Ông Nguyễn Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết để tháo gỡ và hạn chế những khiếu kiện về đất đai, trong thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác GPMB đến tận cán bộ và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, tin tưởng, tự giác trong tổ chức thực hiện, nhất là người dân có đất nằm trong vùng dự án. Đồng thời, địa phương có những chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu, thường xuyên bám sát các địa bàn trọng điểm, có khó khăn về GPMB để triển khai thực hiện nhiệm vụ với trách nhiệm cao. Đồng thời, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ các cấp, các ngành liên quan kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án.
THOẠI PHƯƠNG