Bàu Bàng: “Gần dân, sát dân” vai trò gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy
(BDO)
Đồng chí Nguyễn Hữu Chí (bìa phải), Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng đến thăm hỏi người dân trên địa bàn
Vai trò của người đứng đầu
Ngay sau khi được thành lập, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tại huyện Bàu Bàng đã được quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần “Gần dân, sát dân”, phát huy tinh thần năng động tích cực của cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò tác phong của người đứng đầu cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đồng chí Nguyễn Hữu Chí, Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng đã bắt tay ngay vào việc chỉ đạo công tác củng cố xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Trong đó, đồng chí đặc biệt quan tâm công tác củng cố tổ chức của hệ thống chính trị, nâng cao hoạt động của các cơ quan tham mưu giúp việc, cơ quan thông tin tuyên truyền; thường xuyên chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và trong nhân dân nhằm đáp ứng với tình hình điều kiện phát triển mới của huyện.
Từ đề xuất của Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Bàu Bàng tiếp tục chọn mô hình “Gần dân, sát dân” được xây dựng trước đây; mô hình “Tri ân, trách nhiệm” để cụ thể hóa về tổ chức, nội dung, cách làm nhằm từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo sự lan tỏa trong toàn huyện. Theo kế hoạch được Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất cao, đó là phân công các đồng chí Ủy viên Thường vụ Huyện ủy cùng các đồng chí Huyện ủy viên, thủ trưởng các ngành, đoàn thể của huyện hàng tháng đều tổ chức các tổ xuống 7 xã trong huyện để nắm tình hình cơ sở, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và quần chúng, tập trung là các gia đình, đối tượng chính sách, cán bộ nghỉ hưu, hộ nghèo, khó khăn, neo đơn, bà con trong các tôn giáo… vừa lắng nghe, ghi nhận tiếp thu, giải quyết các đề xuất kiến nghị chính đáng theo thẩm quyền, vừa tổ chức cho đoàn viên, hội viên đóng góp hỗ trợ kinh phí, công sức sửa chữa nhà bị hư hỏng, khắc phục những khó khăn về điều kiện vật chất, đời sống, tinh thần. Qua đó, góp phần tuyên truyền giáo dục đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, thanh thiếu niên, học sinh về truyền thống cách mạng, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần tương thân tương ái, cùng giúp nhau vượt qua khó khăn.
Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 tổ chức vào tháng 8-2015 là một sự kiện chính trị của địa phương sau 1 năm huyện đi vào hoạt động. Có thể nói đây là mốc quan trọng có ý nghĩa đối với sự phát triển của huyện, với mục tiêu và cũng là tinh thần quyết tâm cao nhất mà đại hội đề ra: “Xây dựng huyện Bàu Bàng phát triển vững mạnh toàn diện, sớm trở thành trung tâm công nghiệp và đô thị của tỉnh Bình Dương”. Trên cơ sở dự báo về tình hình chung, những tiềm năng, thuận lợi, khó khăn, những yếu tố tác động đến sự phát triển của huyện, đồng chí Bí thư Huyện ủy đã đặt ra yêu cầu và đề xuất Ban Chấp hành Đảng bộ huyện cho chủ trương, Ban Thường vụ trực tiếp chỉ đạo các cơ quan tham mưu giúp việc Huyện ủy, UBND huyện nghiên cứu các chương trình trọng tâm, đột phá của huyện trong giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo, trong đó có những chương trình mang ý nghĩa quan trọng và khi đi vào thực hiện mang lại hiệu quả tích cực, như chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó tập trung đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ huyện đến cơ sở; chương trình nâng cao chất lượng công tác giải quyết thủ tục hành chính; chương trình phát triển công nghiệp ổn định, bền vững; chương trình xây dựng nông thôn mới...
Với quan điểm mục tiêu xuyên suốt là tập trung phát triển công nghiệp ổn định, bền vững làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và mạnh, cùng với xây dựng nông thôn mới, thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở khu vực nông thôn, phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề về xã hội, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chăm lo sức khỏe cho nhân dân, giảm nghèo bền vững; từ kinh nghiệm thực tế trước đây và đánh giá đúng, sát được tiềm năng, thuận lợi, khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng và phát triển của địa phương, đặc biệt là phát triển công nghiệp, đô thị của huyện, đồng chí Bí thư Huyện ủy luôn chỉ đạo xây dựng mối quan hệ, phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền nói riêng, cả hệ thống chính trị huyện và cơ sở nói chung với các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. Và, với quan điểm “Gần dân, sát dân” đã tạo điều kiện để các đồng chí lãnh đạo huyện, các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ thường xuyên phối hợp hỗ trợ, gắn bó với doanh nghiệp trong suốt quá trình thực hiện các công việc như bồi thường, giải tỏa, tái định cư, đầu tư kết nối hạ tầng kỹ thuật, các vấn đề như môi trường, an sinh xã hội, an ninh trật tự, cải cách thủ tục hành chính, chấn chỉnh lề lối tác phong làm việc của cán bộ, công chức … tạo được niềm tin cho các doanh nghiệp, từng bước đưa huyện trở thành một trong những điểm sáng thu hút đầu tư của tỉnh và cả trong khu vực.
Chuyển biến về lượng và chất
Năm 2018, Ban Thường vụ Huyện ủy sơ kết đánh giá mô hình “Gần dân, sát dân” của huyện đã có chuyển biến thật sự về lượng và chất. Nếu như bước đầu chỉ gần dân, sát dân, xuống cơ sở để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, giải quyết kiến nghị chính đáng của người dân, nếu vấn đề nào vượt quá thẩm quyền của cá nhân được phân công thì báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo giải quyết hoặc kiến nghị về trên giải quyết theo thẩm quyền, thì qua từng năm mô hình có sự đổi mới phát triển, phong phú hơn về nội dung cách làm và tính hiệu quả: các đồng chí thường trực, thường vụ cấp ủy sâu sát với công tác xây dựng Đảng, đảng viên, sâu sát kiểm tra tiến độ kết quả các dự án công trình bồi thường, giải tỏa, đầu tư xây dựng hạ tầng; các đồng chí lãnh đạo MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội sâu sát gắn bó với đoàn viên, hội viên, chi, tổ hội ở khu, ấp, các mô hình phong trào ở cơ sở.
Theo báo cáo sơ kết, trong 4 năm các đồng chí thường trực cấp ủy, lãnh đạo chính quyền huyện Bàu Bàng đã đến thăm, gặp đoàn viên, hội viên ở 87 chi, tổ, hội đoàn thể ở khu ấp; 68 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trang trại, hộ sản xuất, kinh doanh; tổ chức 2 hội nghị trực tiếp gặp đối thoại bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với 213 hộ chăn nuôi; tham dự 11 buổi diễn đàn các ngành, đoàn thể gặp gỡ đối thoại người dân, đoàn viên hội viên...
Với kinh nghiệm thực tiễn và tầm nhìn về tiềm năng phát triển, đồng chí Bí thư Huyện ủy còn tổ chức nhiều hội thảo khoa học mời các học viện, trường đại học trong, ngoài tỉnh, các chuyên gia kinh tế... tham dự để bàn các định hướng, giải pháp phát triển công nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng phát triển giáo dục đào tạo, đổi mới công tác tập hợp, sinh hoạt đoàn viên, hội viên... để làm cơ sở hoạch định chủ trương, định hướng phát triển của huyện trong từng giai đoạn.
Qua đó Ban Thường vụ Huyện ủy đã thống nhất chọn các chuyên đề để đồng chí Bí thư Huyện ủy trực tiếp đối thoại với nhân dân như xây dựng nếp sống đô thị hiện đại, văn minh, văn hóa; bồi thường, giải tỏa các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện… mang lại hiệu quả, được đông đảo người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ.
Nhìn lại 5 năm qua một chặng đường tuy ngắn, nhưng huyện Bàu Bàng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Đạt được kết quả trên phải khẳng định rằng, trong thời gian qua Ban Thường vụ, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy luôn nêu cao tinh thần: “Bàu Bàng đoàn kết, năng động, phát triển” đã đưa huyện vượt qua những khó khăn, thách thức của một huyện mới thành lập để lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng bộ huyện giai đoạn 2015-2020.
TRẦN THANH LIÊM (Ban Tổ chức Tỉnh ủy)