Bất hợp lý giữa giá xăng dầu và giá cước vận tải
(BDO) Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng và giảm nhiều đợt. Mới đây, ngày 6-12 giá xăng tiếp tục được điều chỉnh giảm mạnh với hơn 1.500 đồng/lít và chỉ tính từ tháng 10 đến nay giá xăng dầu có 4 đợt giảm liên tiếp. Tổng cộng hiện tại xăng E5 RON 92 giảm hơn 3.600 đồng/lít, xăng RON 95 giảm hơn 3.800 đồng/lít.
Một điều đương nhiên là khi giá xăng dầu tăng thì doanh nghiệp vận tải, taxi sẽ điều chỉnh tăng giá cước.
Tuy nhiên khi giá xăng dầu liên tục giảm trong thời gian qua nhưng tồn tại một điều bất hợp lý là giá cước vận tải công cộng lại không giảm tương ứng, điều này đã và đang gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, với mức giá xăng như hiện tại, giá cước taxi phải giảm từ 700 - 900 đồng/km là hợp lý do chi phí cho giá xăng dầu hiện nay với taxi chiếm 45 - 50%. Những nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là: Sự vào cuộc chưa thật sự quyết liệt của cơ quan chức năng, môi trường kinh doanh hiện nay chưa thật sự cạnh tranh, phản ứng từ phía người tiêu dùng và các phương tiện thông tin đại chúng chưa đủ mạnh, dẫn đến việc “chậm” giảm giá của các hãng vận tải, taxi.
Theo tính toán, giá nhiên liệu chiếm 30% - 40% giá thành cước vận tải. Khi giá xăng dầu giảm mạnh thì doanh nghiệp vận tải phải điều chỉnh giá cước vận tải tương xứng với mức giảm giá nhiên liệu. Tuy nhiên, vì lợi nhuận mà các doanh nghiệp vận tải vẫn chần chừ trong việc giảm giá cước. Trong đó, trách nhiệm của các cơ quan quản lý là kiểm soát chặt giá cước vận tải để bảo đảm đưa giá cước về mức hợp lý.
Vấn đề đặt ra là: Khi doanh nghiệp khó khăn vì giá xăng tăng, người tiêu dùng sẵn sàng chia sẻ, sử dụng dịch vụ taxi với giá điều chỉnh. Vậy tại sao khi giá xăng dầu giảm nhiều mà các doanh nghiệp vận tải, taxi lại không chia sẻ bằng việc giảm giá cước cho người tiêu dùng? Lý do mà doanh nghiệp vận tải, taxi đưa ra là giá xăng không ổn định để biện minh cho việc không giảm giá cước là không đúng, bởi giá xăng tăng hay giảm phụ thuộc vào thị trường thế giới. Hiện nay, công tác quản lý nhà nước về vấn đề này chưa chặt chẽ, khiến các doanh nghiệp vận tải, taxi lợi dụng cơ chế thị trường để trục lợi. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần có quy định để định hướng, khuyến cáo doanh nghiệp khi có sự giảm giá nguyên liệu đầu vào, như vậy doanh nghiệp vận tải, taxi phải có trách nhiệm xã hội, điều chỉnh giá.
NHẬT HUY