Bất động sản hạ nhiệt, nhà đầu tư “tháo chạy”…
(BDO) Sau nhiều tháng liên tiếp bị đẩy giá, đến giữa năm 2022 thị trường bất động sản (BĐS) ở một số địa phương đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi đạt đỉnh. Vào trung tuần tháng 9, nhà đầu tư ở một số địa phương vùng ven trên địa bàn tỉnh và lân cận buộc phải tìm cách “tháo chạy” vì lướt sóng không thành công.
Dù lực lượng môi giới và nhân viên dự án của các công ty nhiệt tình chào mời nhưng nhà đầu tư rất dè dặt khi thị trường BĐS đã hạ nhiệt
Thời sôi động đã qua
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay thị trường BĐS ở khu vực Đông Nam bộ đã hạ nhiệt đáng kể so với thời điểm đầu năm. Cụ thể, ghi nhận của ngành tài nguyên - môi trường tỉnh cho biết lưu lượng hồ sơ đăng ký biến động đất đai trên địa bàn từ tháng 6 đến nay đã giảm đáng kể so với thời điểm những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Để tìm hiểu nguyên nhân sự việc, phóng viên Báo Bình Dương đã vào vai một nhà đầu tư để tìm đến các địa phương từng là tâm điểm “sốt đất” trước đó.
Chia sẻ về thị trường, một số chuyên gia kinh doanh BĐS trên địa bàn tỉnh, cho biết giá BĐS ở nhiều nơi trên địa bàn Bình Dương và các tỉnh, thành lân cận hiện đã đạt hoặc vượt trần. Nguyên nhân là do sau khi trải qua 3 - 4 vòng “lướt sóng” thành công, các nhà đầu tư BĐS và lực lượng môi giới đã đẩy giá vượt ngưỡng từ 1,2 - 1,5 lần so với giá trị thực tế. Các chuyên gia gọi đây là tình trạng thổi phồng “bong bóng” gia tăng giá trị BĐS nhằm đạt được biên độ lợi nhuận cao nhất.
Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết người dân cần tỉnh táo và nắm rõ quy luật thị trường trước khi quyết định đầu tư BĐS. Theo đó, giá trị BĐS sẽ được căn cứ theo quy mô và tốc độ phát triển của nền kinh tế - xã hội địa phương sở tại mà có những mức giá khác nhau. Để tránh tình trạng mất tiền oan do “ôm nhầm” BĐS bong bóng, người dân cần tìm hiểu kỹ về BĐS đó trước khi xuống tiền thay vì nghe lời dỗ dành ngon ngọt của môi giới. |
Ghi nhận thực tế tại các địa phương như Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo… trong tháng 8-2022 cho thấy, thị trường BĐS ở các địa phương này đã giảm nhiệt đáng kể so với thời điểm đầu năm. Cụ thể, số lượng hồ sơ đăng ký biến động đất đai mà chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Dầu Tiếng tiếp nhận từ tháng 6 đến nay đã giảm hơn 50% so với các tháng trước đó. Trong khi đó, lực lượng môi giới BĐS tại các địa phương những ngày gần đây cũng phản hồi là thị trường đang chững lại.
Anh Nguyễn Văn Tám, chuyên hành nghề môi giới BĐS tại TX.Bến Cát, cho biết ở thời điểm đầu năm mỗi tháng anh giới thiệu thành công cho nhà đầu tư từ 3 - 5 BĐS, hoa hồng môi giới ước tính từ 60 - 100 triệu đồng/tháng. Nhưng từ tháng 6 đến nay, anh không bán được BĐS nào nữa nên quay lại tập trung hoạt động kinh doanh cà phê.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Gái Sáu, chuyên hành nghề môi giới BĐS tại khu vực xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng cũng cho biết thời gian trước thị trường BĐS ở khu vực Thanh Tuyền rất sôi động, nhưng vài tháng trở lại đây thị trường đã chững lại. Bà Sáu cho biết dù đã cố gắng tìm những BĐS có vị trí, diện tích đẹp, giá tốt để gửi cho khách, bà và các đồng nghiệp trong nhóm môi giới đều chỉ nhận được sự im lặng từ phía khách hàng.
Nhà đầu tư “tháo chạy”
Sự biến động và “tăng trưởng” liên tục của thị trường BĐS vào thời điểm sau dịch Covid-19 là món “mồi ngon” dẫn dụ các nhà đầu tư tham gia. Ghi nhận của chính quyền địa phương một số huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh cho thấy, đã có những thời điểm; nhiều người thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội đổ xô nhau tham gia hoạt động môi giới, kinh doanh, đầu tư BĐS. Nhiều vùng quê vốn dĩ bình yên, cũng vì điều này mà trở nên chộn rộn.
Anh Nguyễn Tuấn Anh, một nhà đầu tư BĐS ở TP.Thủ Dầu Một, cho biết thời điểm đầu năm khi “sốt đất” bùng phát diện rộng trên địa bàn nhiều tỉnh, anh cùng bạn bè hùn vốn để đầu tư lướt sóng ở các khu vực Dầu Tiếng, Bình Phước, Tây Ninh… Anh Tuấn Anh kể, thời gian đầu anh và bạn bè của mình dễ dàng kiếm lời từ 20 - 50 triệu đồng đối với mỗi BĐS “lướt sóng” thành công. Thấy đây là lĩnh vực “ngon ăn” nên anh và bạn bè rủ nhau mang nhà đất đi thế chấp để lấy vốn đầu tư tiếp. Với số vốn “dồi dào” mới được bổ sung cả nhóm rủ nhau “ôm” nhiều lô đất lớn để chờ thời cơ, nhưng khi “ôm” vào xong thì thị trường bỗng chững lại, nên đành “cắt lỗ” bán tháo để thu hồi vốn.
Tương tự, anh Lê Tử Tài, nhà đầu tư BĐS tại TX.Bến Cát, cho biết bản thân anh cũng buộc phải bỏ cọc đối với 2 lô đất ở xã Long Nguyên (huyện Bàu Bàng) vì không lướt sóng được. Anh Tài cho biết khi đầu tư, anh ưu tiên lựa chọn phương án “cọc lướt sóng” cho an toàn, khi thị trường tăng trưởng tốt, anh dễ dàng “sang cọc” bán kiếm lời từ 20 - 50 triệu đồng đối với mỗi BĐS. Khi thị trường đứng, anh sẵn sàng “bỏ cọc” để đến với thị trường khác và theo bật mí của anh thì đây cũng là “chiêu” mà các nhà đầu tư chuyên nghiệp thường dùng.
Dù đã tham gia nhiều khóa học về đầu tư BĐS, nhưng không may mắn như trường hợp của anh Tuấn Anh và anh Tài. Từ cuối tháng 8-2022, vợ chồng chị Lê Thị Chi, nhà đầu tư BĐS tại phường Phú Chánh, TX.Tân Uyên đã buộc phải “ôm” một BĐS tại huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước với giá trị cao hơn 1,5 lần so với giá thị trường vì không thể bán ra sau khi mua vào. Chị Chi cho biết có đến 70% tổng số tiền mua BĐS kể trên là tiền vay từ ngân hàng nên hiện tại vợ chồng chị rất chật vật với việc kiếm tiền trang trải cho cuộc sống và trả nợ ngân hàng.
Dạo một vòng qua các quán cà phê BĐS - “trụ sở” của lực lượng môi giới và giới đầu tư, kinh doanh BĐS trên địa bàn tỉnh, chúng tôi ghi nhận sự thay đổi rõ rệt. Khác với không khí náo nhiệt của những tháng đầu năm, hiện hầu hết các quán cà phê BĐS đều trở nên thanh vắng, ảm đạm. Một số quán thậm chí đã phải đóng cửa vì vắng khách.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Hoàng Phong, chủ quán cà phê trên địa bàn phường Hòa Phú (TP.Thủ Dầu Một), cho biết trong 3 tháng trở lại đây quán trở nên vắng khách lạ thường. Thu nhập chính của gia đình đến từ hai nguồn chủ yếu là bán cà phê, nước giải khát cho khách và môi giới, nhận ký gửi BĐS cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, những tháng gần đây mọi thứ đều chững lại và quán cà phê cũng đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vì không chịu nổi chi phí mặt bằng. “Hiện nay, nhà đầu tư khá rụt rè và luôn xem xét thật kỹ tiềm năng, lợi thế của BĐS trước khi xuống tiền. Đây cũng là tâm lý dễ hiểu khi mà giá BĐS đã bị đẩy quá cao so với giá trị thật của nó thời gian trước đó”, anh Phong nói.
ĐÌNH THẮNG