Bất cập trình độ cán bộ, công chức cấp xã

Thứ sáu, ngày 19/07/2013

Theo khái niệm, công chức (CC) xã là những người làm nghiệp vụ văn phòng, văn hóa - xã hội, tư pháp, tài chính, địa chính... Còn CB xã là những người ở vị trí lãnh đạo, trưởng và phó chính quyền, Đảng ủy, các đoàn thể. Thế nhưng trên thực tế không ít nơi, CC văn phòng - thống kê cấp xã khi được giao phụ trách công tác một cửa rất lúng túng. Trong khi đó, nhiều CB xã cũng chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ. Bất cập này dẫn đến việc nhiều địa phương lúng túng trong quá trình giải quyết công việc, từ đó phát sinh những khiếu kiện của người dân. 

 Qua khảo sát một số tỉnh, thành của Bộ Nội vụ cho thấy, tỷ lệ CB chưa qua đào tạo trình độ chuyên môn khá cao. Có một địa phương được đánh giá là một địa phương khá tích cực trong việc thu hút nhân tài và có chính sách đãi ngộ tốt nhưng đến nay, vẫn còn 31,2% CB, CC cấp xã chưa được đào tạo hoặc mới có trình độ chuyên môn sơ cấp. Đối với CB cấp xã đã được đào tạo “dự nguồn” thì mức độ đạt chuẩn chủ yếu chỉ dừng lại chương trình đào tạo liên thông, liên kết hay vừa học, vừa làm và có những CB có năng lực thực sự khi muốn đào tạo thì nhìn lại đã quá tuổi… Đã vậy, trình độ văn hóa của CB, CC cấp xã cũng hạn chế nên việc đào tạo chuyên môn quản lý cũng gặp nhiều khó khăn.

Số liệu thống kê đến cuối năm 2012, cho biết cả nước còn hơn 3% CB ở cơ sở có trình độ tiểu học; 48,74% số CB chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ; ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ này còn cao hơn. Ngoài ra, có khoảng 90% CB xã, phường trên phạm vi cả nước chưa được đào tạo về tin học, ngoại ngữ. Một số địa phương mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của việc đào tạo tin học cho CB cấp phường, xã, tuy nhiên, nội dung chương trình đào tạo mỗi nơi một kiểu nên đến nay vẫn chưa được phổ cập toàn diện.

Với mặt bằng trình độ như trên, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại các phường, xã rất khó tránh khỏi những khó khăn, trì trệ. Một khi cấp cơ sở không tin học hóa được thì sẽ khó có thể xây dựng mô hình chính quyền điện tử các cấp từ Trung ương tới địa phương có khả năng hoạt động liên thông, tích hợp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng xã hội. Mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử vì thế cũng sẽ không thể hoàn tất. Cộng với trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn kể cả chính trị sơ cấp thì CB, CC cấp xã khó lòng hoàn thành nhiệm vụ chính trị được.

Để nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, chúng ta đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án thí điểm đưa CB trẻ về làm CB chủ chốt ở cấp xã, Một số địa phương cũng đã thực hiện thành công bước đầu. Nếu đề án này được nhân rộng cùng với chính sách thu hút nhân tài và chế độ đãi ngộ thỏa đáng thì chính quyền cấp xã sẽ có nhiều chuyển biến, góp phần nâng tỷ lệ CB, CC đã qua đào tạo ngày càng nhiều hơn, dễ dàng tiếp cận công nghệ thông tin nhằm bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó.

MAI HUY