Bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị xâm hại – Bài 2
(BDO) Bài 2: Lập “lá chắn” bảo vệ trẻ
Trẻ bị xâm hại không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn bị tổn thương về tâm lý nghiêm trọng. Chính vì vậy, việc kịp thời hỗ trợ, bảo vệ các em là hết sức cần thiết, trong đó gia đình phải là “lá chắn” vững chắc, nơi an toàn nhất đối với trẻ.
Kịp thời can thiệp, bảo vệ trẻ em
Hậu quả của hành vi xâm hại tình dục (XHTD) đối với trẻ em là hết sức nghiêm trọng vì trẻ dễ bị mặc cảm, khó hòa nhập với cộng đồng, thậm chí là bị ám ảnh suốt cả đời. Do đó, việc kịp thời can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị XHTD và trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt sẽ góp phần giúp các em vươn lên trong cuộc sống, đối mặt những khó khăn khi gặp phải.
Học sinh trên địa bàn TP.Thuận An lắng nghe chuyên gia phổ biến các kỹ năng tự bảo vệ bản thân
Từ năm 2023 đến tháng 3-2024, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước (gọi tắt là Trung tâm TGPL) tỉnh đã tiếp nhận và phân công trợ giúp viên pháp lý và luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị hại trong các vụ án xâm hại, XHTD là 63 vụ việc. Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm TGPL tỉnh đã tiếp nhận và cử người thực hiện TGPL bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 237 trường hợp trẻ em là bị hại trong các vụ án bạo lực và XHTD, trong đó có nhiều vụ án được dư luận xã hội quan tâm.
Ông Đỗ Thanh Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh, cho biết khi tiếp nhận những vụ án trẻ em bị XHTD, Trung tâm TGPL tỉnh cử trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nạn nhân. Trong quá trình thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL đã kết hợp giải thích, hướng dẫn cho trẻ em và gia đình biết về các quyền, lợi ích hợp pháp; đồng thời đưa ra các quan điểm bảo vệ trẻ.
Song song với việc bảo vệ quyền lợi cho trẻ em thông qua các vụ việc cụ thể, Trung tâm TGPL còn đẩy mạnh tổ chức TGPL lưu động tại khu dân cư, trường học cho trẻ, người chưa thành niên. Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm TGPL tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình TGPL lưu động cho nhiều xã, phường, trường học trên địa bàn với hình thức nói chuyện chuyên đề pháp luật, qua đó góp phần phòng ngừa, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, làm giảm tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực; cũng như tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Song song đó, các cấp ủy, chính quyền và ban ngành, đoàn thể còn kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Điển hình như các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình có ý nghĩa nhằm giúp đỡ, động viên cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Chia sẻ về công tác này tại địa phương, bà Chu Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (Hội LHPN) TP.Dĩ An, cho biết thời gian qua, các cấp Hội LHPN thành phố đã có nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho trẻ em. Hàng năm, Hội LHPN thành phố đã đưa công tác tuyên truyền, giám sát, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em vào giao ước thi đua và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở hội thực hiện.
Trong khi đó hàng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh luôn có các hoạt động hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Tuy việc hỗ trợ không nhiều nhưng phần nào giúp các em tự tin, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, tránh nguy cơ bị XHTD.
Theo thống kê của ngành chức năng, tính đến tháng 12-2023, trên địa bàn tỉnh có hơn 426.000 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó nhóm trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 8.935 (chiếm 2,09% trên tổng số trẻ em dưới 16 tuổi). Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và ban ngành, đoàn thể mà 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc thường xuyên để có cơ hội hòa nhập cộng đồng và phát triển, góp phần phòng ngừa, loại bỏ nguy cơ bị xâm hại, XHTD. |
Cần “vẽ đường” cho trẻ
Cùng với vai trò của cơ quan chức năng thì sự quan tâm của gia đình đối với việc chăm sóc, giáo dục con trẻ là yếu tố then chốt trong phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số trẻ em bị XHTD. Từ thực tế những vụ án XHTD trẻ em cho thấy nạn nhân chủ yếu trong lứa tuổi học sinh trung học cơ sở, vì thiếu hiểu biết kỹ năng bảo vệ bản thân mà bị người yêu dụ dỗ làm “chuyện vợ chồng”. Chính vì vậy, nếu gia đình quan tâm, gần gũi và định hướng cho con em, nhất là trẻ bắt đầu có những rung động đầu đời thì sẽ góp phần phòng ngừa, ngăn chặn những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Chia sẻ về điều này, Tiến sĩ - giảng viên chính Đồng Văn Toàn, Giám đốc Chương trình đào tạo tâm lý học, trường Đại học Thủ Dầu Một, cho biết ở lứa tuổi từ 13 đến 16 tuổi là giai đoạn bước ngoặt chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn và có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Chính vì vậy, các em ở lứa tuổi này rất tò mò về đặc điểm cơ thể và cũng là thời kỳ phát dục nên cơ thể cũng có nhu cầu sinh lý. Thời điểm này, các em có nhu cầu giao lưu, tình bạn được phát triển, từ đó xuất hiện tình bạn khác giới, với những rung động đầu đời. Với những đặc điểm trên, trẻ ở lứa tuổi này đứng trước nguy cơ bị xâm hại, do là đối tượng gây chú ý cho kẻ xấu.
Theo Tiến sĩ Đồng Văn Toàn, trong giai đoạn này, gia đình, nhà trường nên dành nhiều thời gian quan tâm, hỗ trợ con em giải đáp các thắc mắc về giới tính, tình cảm khác giới để có sự định hướng đúng đắn. Trong học tập, thầy cô cần lồng ghép nội dung giáo dục giới tính với các môn học, để giúp các em hiểu rõ hơn về sự phát triển của bản thân.
Cán bộ đoàn, đội, giáo viên chủ nhiệm lớp cần tổ chức các hoạt động lành mạnh, gắn với phát triển kỹ năng sống cho học sinh, nhất là kỹ năng phòng tránh xâm hại. Về phía gia đình, ông bà, bố mẹ cần quan tâm chia sẻ, hỗ trợ tốt về mặt tinh thần, vật chất để các em có điều kiện được phát triển tốt nhất. Người thân nhất là cha mẹ cần quan tâm, quan sát biểu hiện hàng ngày của con, nếu thấy bất thường thì hãy chia sẻ để phát hiện kịp thời những nguy cơ xấu có thể xảy ra. (còn tiếp)
Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, XHTD Để tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, tổ chức có liên quan trong công tác hỗ trợ cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại, XHTD, ngày 28-8-2020 UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 2470/QĐ- UBND về quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, XHTD trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo đó, quy trình gồm các bước: Tiếp nhận và phối hợp xử lý thông tin; đánh giá ban đầu mức độ tổn hại của trẻ em; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tạm thời cho trẻ em trong trường hợp đặc biệt; xác định nhu cầu cần hỗ trợ, can thiệp của trẻ em; xây dựng, phê duyệt kế hoạch hỗ trợ, can thiệp; thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp; rà soát, đánh giá sau khi thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp. Nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của quy trình phối hợp này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. |
NGUYỄN HẬU